Tổng công ty Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco, HoSE: SAB) báo cáo doanh thu thuần quý 4 đạt 7.865 tỷ đồng, giảm 19% cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân là do tác động của bão và lũ lụt. Giá vốn giảm mạnh hơn 25% nên lãi gộp trong quý đạt 2.468 tỷ đồng, chỉ còn giảm nhẹ 3%.
Các chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp cũng giảm đáng kể, theo đó, các chi phí quảng cáo và khuyến mãi gần 399 tỷ đồng, giảm hơn 20% so với cùng kỳ năm trước; chi phí bao bì luân chuyển cũng thấp hơn đến 79%, chi phí quản lý doanh nghiệp gần 52 tỷ đồng, giảm gần 86%.
Nhờ tiết giảm mạnh các chi phí này, SAB có lãi sau thuế trong quý 4 tăng đến 41% ở mức 1.534 tỷ đồng.
|
SAB ghi nhận lãi hồi phục trong quý 4. |
Tuy quý 4 báo lãi tăng mạnh nhưng cộng với các kết quả trước đó, SAB ghi nhận lãi ròng năm 2020 giảm 8% về mức 4.937 tỷ đồng. nguyên nhân được SAB tiết lộ là do doanh thu giảm 26% vì ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, Nghị định 100 cũng như bão và lũ lụt.
Với kết quả trên, chủ thương hiệu Bia Sài Gòn đã vượt 17,5% kế hoạch doanh thu và vượt 51,7% chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế đã được cổ đông giao phó trong năm 2020.
Tính đến cuối năm, khoản tiền và tương đương tiền Sabeco giảm mạnh về còn 2.726 tỷ từ 4.116 tỷ tiền, tương đương giảm 33%. Khoản vay nợ tài chính ngắn hạn giảm còn 449 tỷ đồng ngược lại thì vay nợ dài hạn tăng lên hơn 526 tỷ đồng.
Nhận định về triển vọng ngành bia năm 2021, Chứng khoán SSI cho rằng, đà phục hồi sẽ tiếp tục, nhưng nhu cầu dự báo sẽ chỉ trở lại mức trước Covid vào năm 2022 mà không phải 2021.
Về triển vọng tăng trưởng, đối với SAB, vào năm 2021, SSI ước tính doanh thu phục hồi 22,1% so với mức thấp năm 2020, với giá bán trung bình tăng 2% do sự thay đổi trong cơ cấu sản phẩm.
LNST ước tính 5,4 nghìn tỷ đồng (+19,4% so với cùng kỳ). Mặc dù doanh thu năm 2021 có thể thấp hơn mức năm 2019, nhưng LNST có khả năng vượt năm 2019 do tỷ suất lợi nhuận gộp cải thiện.
Về tỷ lệ chi phí bán hàng trên doanh thu, SSI dự báo lần lượt là 11% và 10,5% cho năm 2020 và 2021, cao hơn mức trong quá khứ (từ 7,6% -9,9% trong giai đoạn 2015-2019).
Trong khi chi phí cho kênh on-premise có thể giảm trong giai đoạn hậu Covid, SAB có khả năng tăng chi phí để phát triển sự hiện diện trong kênh thương mại hiện đại, nơi các đối thủ đã cạnh tranh rất mạnh.