Doanh thu thuần trong quý 2 đạt 608 tỷ đồng, giảm 40% so cùng kỳ, giá vốn hàng bán chiếm đến 571 tỷ đồng khiến lãi gộp giảm 55% về còn 37 tỷ đồng.
Đáng kể, Công ty đã tiết giảm hầu hết các chi phí trong kỳ như chi phí tài chính giảm 60% về còn gần 6 tỷ đồng, chi phí bán hàng giảm 26% về còn gần 15 tỷ đồng, chi phí quản lý doanh nghiệp cũng giảm 26% về còn 23 tỷ đồng.
Tuy vậy lãi ròng mà Dệt may Hòa Thọ thu về chỉ đạt ở mức 2,7 tỷ đồng, bằng 1/10 so với cùng kỳ. Còn trong bán niên, lãi ròng của Công ty giảm 50% từ mức 54 tỷ đồng về còn 28 tỷ đồng.
Được biết năm 2020, Công ty đặt chỉ tiêu doanh thu đạt 3.200 tỷ đồng, tổng lợi nhuận trước thuế là 60 tỷ đồng. Với kết quả kinh doanh hiện tại, Hoà Thọ đã thực hiện được 50% mục tiêu doanh thu và lợi nhuận.
Tổng công ty cổ phần Dệt may Hoà Thọ được thành lập từ năm 1962, tiền thân có tên là Nhà máy Dệt Hoà Thọ (SICOVINA) thuộc Công ty Kỹ nghệ Bông vải Việt Nam.
Năm 1975, khi thành phố Đà Nẵng được giải phóng, Nhà máy Dệt Hoà Thọ được chính quyền tiếp quản và đi vào hoạt động trở lại vào ngày 21/4/1975.
Trong thời gian từ đầu năm 2020 tới đây, không chỉ Hoà Thọ mà hầu hết các công ty trong ngành may phải đối mặt với nhiều cú sốc dẫn đến tình hình kinh doanh sụt giảm nghiêm trọng.
Cú sốc đầu tiên đến từ tháng Giêng, khi dịch mới bùng phát, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam bị đứt nguồn cung nguyên liệu từ Trung Quốc.
Cú sốc thứ hai vào tháng Ba, khi nguồn cung được nối lại thì cũng là lúc dịch bùng phát ở châu Âu, Mỹ và Nhật Bản (những thị trường chiếm khoảng 65% kim ngạch xuất khẩu), thị trường gần như đóng băng, đơn hàng bị đề nghị giãn, hoãn hoặc hủy.
Vẫn có cơ hội phục hồi mạnh mẽ
Nếu Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực và dịch bệnh Covid-19 được khống chế, chắc chắn sẽ cứu ngành dệt may thoát khỏi tình cảnh khó khăn hiện nay.
Dự kiến, sau khi được Quốc hội phê chuẩn vào kỳ họp tháng Năm này, EVFTA sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1/8. Kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may vào EU được dự báo sẽ tăng nhanh với mức khoảng 67% đến năm 2025 so với khi không có Hiệp định.
Với quy mô nhập khẩu hàng dệt may mỗi năm hơn 250 tỷ USD, EU là thị trường nhập khẩu lớn nhất thế giới (chiếm 34%), trong khi thị phần xuất khẩu của dệt may Việt Nam vào EU mới chỉ chiếm khoảng 2,7%. Như vậy, dư địa để dệt may Việt Nam gia tăng xuất khẩu vào EU sau khi EVFTA có hiệu lực là rất triển vọng.
Mặt khác, hàng may mặc được xem là hàng tiêu dùng tương đối thiết yếu trong đời sống hằng ngày, nên nhu cầu của thị trường có thể phục hồi mạnh mẽ sau dịch.