Cụ thể, cổ phiếu của CTCP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico, HOSE: HNG) đang thuộc diện chứng khoán bị kiểm soát theo quyết định ngày 5/4/2023.
Nguyên nhân do lợi nhuận sau thuế của HNG năm 2021 âm nặng 1.119 tỷ đồng, năm 2022 lỗ khủng hơn với 3.576 tỷ đồng.
Đến ngày 30/1/2024 vừa qua, Sở nhận được BCTC hợp nhất quý 4/2023 của HNG và cho thấy công ty tiếp tục lỗ 1.050 tỷ đồng, nâng lỗ lũy kế đến cuối năm 2023 lên tới 8.053 tỷ đồng.
Trong khi theo quy định cổ phiếu của công ty đại chúng bị hủy niêm yết khi kết quả kinh doanh thua lỗ 3 năm liên tiếp hoặc tổng số lỗ luỹ kế vượt quá vốn điều lệ thực góp hoặc vốn chủ sở hữu âm trong báo cáo kiểm toán năm gần nhất trước thời điểm xem xét.
Do đó, Sở lưu ý về việc HNG có khả năng bị hủy niêm yết bắt buộc nếu BCTC hợp nhất kiểm toán 2023 có kết quả kinh doanh bị thua lỗ.
Năm 2023, HNG không còn gánh nặng từ hoạt động lỗ khác (2.257 tỷ của 2022 do chi phí chuyển đổi vườn cây) nên sau cùng chỉ lỗ ròng 1.050 tỷ đồng, nhẹ hơn mức lỗ khủng 3.576 tỷ đồng của năm 2022, nâng lỗ luỹ kế lên tới 8.053 tỷ đồng.
Trong cơ cấu nợ phải trả 11.838 tỷ đồng (tăng hơn 2.200 tỷ), HNG đã gia tăng vay nợ tài chính thêm ngàn tỷ lên 8.234 tỷ đồng. Trong đó, HNG đã tăng vay dài hạn CTCP Nông nghiệp Trường Hải 84% lên 5.182 tỷ đồng, trong khi giảm nhẹ 26% vay HAG xuống mức 1.117 tỷ đồng.
Còn với cổ phiếu của CTCP Thép Pomina (HoSE: POM), hiện cũng đang thuộc diện chứng khoán bị kiểm soát theo quyết định ngày 10/4/2023. Nguyên nhận do POM vi phạm chậm nộp báo cáo tài chính năm đã được kiểm toán 2 năm liên tiếp.
Do đó, Sở lưu ý về việc cổ phiếu POM có khả năng bị huỷ niêm yết nếu công ty tiếp tục vi phạm chậm nộp báo cáo tài chính năm đã được kiểm toán năm 2023 là năm thứ 3 liên tiếp.
Còn tình hình kinh doanh năm 2023 của Pomina tiếp tục bết bát khi doanh thu thuần giảm 75% so với cùng kỳ, về gần 3.300 tỷ đồng; lỗ ròng 960 tỷ đồng.
Pomina lâm vào cảnh thiếu vốn trầm trọng và có khoản nợ quá hạn hơn 3.100 tỷ đồng (trong đó 2.200 tỷ đồng nợ vay và hơn 900 tỷ phải trả người bán).
Ngoài ra, nợ ngắn hạn gần 8.000 tỷ đồng, trong đó nợ vay tài chính ngắn hạn gần 5.500 tỷ đồng.
Tương tự, cổ phiếu của Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HoSE: HBC) cũng thuộc diện chứng khoán bị kiểm soát theo quyết định ngày 10/4/2023 do chậm nộp báo cáo tài chính năm đã được kiểm toán trong 2 năm liên tiếp.
Do đó, Sở cũng lưu ý việc cổ phiếu HBC có khả năng bị huỷ niêm yết nếu công ty tiếp tục vi phạm chậm nộp BCTC năm đã được kiểm toán năm 2023 là năm thứ 3 liên tiếp.
Về tình hình kinh doanh năm 2023, HBC ghi nhận doanh thu 7.546 tỷ đồng, giảm gần một nửa so với năm 2022. Tuy nhiên, công ty vẫn lỗ 777 tỷ đồng cả năm, cùng kỳ năm ngoái lỗ gần 2.600 tỷ đồng.
Tại thời điểm cuối năm 2023, Xây dựng Hòa Bình vẫn đang lỗ lũy kế gần 2.900 tỷ đồng, qua đó kéo vốn chủ sở hữu giảm gần 63% so với tại đầu năm 2023 còn gần 454 tỷ đồng.