Công ty Cổ phần Garmex Sài Gòn (UPCoM: GMC) mới đây vừa công bố tài liệu phục vụ Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2025, dự kiến tổ chức vào ngày 28/4 tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.
Năm nay, Garmex Sài Gòn đặt mục tiêu doanh thu chỉ ở mức 1,7 tỷ đồng, đồng thời dự báo khoản lỗ trước thuế lên tới 42,5 tỷ đồng.
Về phân phối lợi nhuận, Garmex Sài Gòn dự kiến không chia cổ tức năm 2024 do tình hình kinh doanh thua lỗ.
Trước đó, trong năm 2024, doanh thu thuần của GMC chỉ đạt 2,1 tỷ đồng, giảm 74,35% so với năm 2023. Lợi nhuận trước thuế lỗ 40,2 tỷ đồng. Trong đó, hoạt động kinh doanh lỗ 45,8 tỷ đồng, lợi nhuận khác lãi 5,6 tỷ đồng
Công ty cho biết, trong năm tài chính 2024, tình hình sản xuất kinh doanh của Công ty gặp khó khăn, không có đơn hàng để hoạt động, Công ty đã bị tạm ngưng sản xuất để giảm thiểu thiệt hại, thực hiện tiết kiệm chi phí, tập trung vào bảo vệ tài sản, xử lý thanh lý nguyên phụ liệu tồn kho lâu năm, tiếp tục thúc đẩy khách hàng giải quyết hàng tồn kho tủ vải nên vẫn phát sinh chi phí tiền lương cho nhân sự kho, nhân viên nghiệp vụ gián tiếp và các chỉ phí khác. Do vậy kết quả hoạt dộng kinh doanh năm 2024 của Công ty vẫn lỗ.
Trong khi đó, lợi nhuận khác của công ty tăng từ 1,3 tỷ đồng lên 5,6 tỷ đồng, chủ yếu do Công ty có khoản lợi nhuận thu từ thanh lý nguyên phụ liệu tồn kho lâu năm, tài sản cố định, công cụ dụng cụ hư hỏng, không còn sử dụng.
Bước sang năm 2025, công ty xác định ngành may vẫn là ngành nghề chính. Tuy nhiên, để khôi phục và phát triển bền vững ngành may thì vẫn còn nhiều khó khăn, các điều kiện về xanh hóa ngành may vẫn chưa chuyển đổi kịp. Công ty sẽ tiếp tục nghiên cứu đầu tư các ngành mới theo xu thế để phát triển Công ty trong trung và dài hạn.
Để từng bước cải thiện hiệu quả hoạt động, Công ty cho biết sẽ tiếp tục theo đuổi chiến lược tiết giảm chi phí vận hành, đồng thời đẩy mạnh công tác quản lý tài sản và hợp tác với các đối tác để khai thác hiệu quả các mặt bằng sẵn có. Một số giải pháp cụ thể như xúc tiến quá trình bàn giao hàng hóa, thúc đẩy tiến độ chuyển nhượng các tài sản không còn sử dụng, cũng như triển khai hoạt động kinh doanh nhà thuốc tại địa chỉ 213 Hồng Bàng đang được xem là những hướng đi để tạo nguồn thu ngắn hạn.
Song song với đó, Garmex Sài Gòn cũng đặt kỳ vọng vào việc thúc đẩy Công ty Cổ phần Phú Mỹ – đơn vị có liên quan – sớm hoàn tất Dự án nhà ở tại Phú Mỹ, từ đó đưa sản phẩm ra thị trường, thu hồi nguồn vốn đã đầu tư.
Căn cứ vào tình hình hoạt động và kế hoạch kinh doanh của Công ty trong thời gian tới, nhằm khai thác mặt bằng hiện có của Công ty, HĐQT sẽ trình cổ đông bổ sung một số ngành nghề kinh doanh để phát triển trong trung và dài hạn , bao gồm: bán lẻ thiết bị, dụng cụ thể dục, thể thao trong các cửa hàng chuyên doanh; hoạt động dịch vụ hỗ trợ trực tiếp cho vận tải đường bộ; nhà hàng và các dịch vụ ăn uống phục vụ lưu động; dịch vụ ăn uống khác; tổ chức giới thiệu và xúc tiến thương mại; giáo dục thể thao và giải trí; hoạt động của các cơ sở thể thao; hoạt động thể thao khác,…
Mới đây vào ngày 19/2, Garmex Sài Gòn đã công bố Nghị quyết HĐQT thông qua việc giao dịch với tổ chức có liên quan đến người nội bộ về hợp tác kinh doanh các bộ môn thể thao.
 |
Ảnh minh họa |
Cụ thể, GMC muốn đưa diện tích một phần Khu đất do Garmex SaiGon quản lý (Tối thiểu là 1.000m² và tối đa là 3.000m², tiến độ bàn giao theo nhu cầu thực tế) để hợp tác kinh doanh cùng với Công ty cổ phần VinaPrint (UPCoM: VPR), trong lĩnh vực giáo dục thể thao, sân bóng Pickleball và các bộ môn thể thao khác mà pháp luật không cấm.
Được biết, Công ty cổ phần VinaPrint là tổ chức có liên quan đến người nội bộ của Garmex SaiGon. Cụ thể, ông Bùi Minh Tuấn - Chủ tịch Hội đồng quản trị và là Người đại diện theo pháp luật của Công ty cổ phần VinaPrint. Đồng thời, ông Bùi Minh Tuấn cũng là thành viên Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Garmex Sài Gòn.
Theo nghị quyết, thời gian hợp tác là 12 tháng kể từ ngày ký hợp đồng và có thể xem xét gia hạn theo điều kiện thực tế. VPR tự quản lý và chịu trách nhiệm đối với toàn bộ hoạt động kinh doanh theo quy định pháp luật.
Về phân chia lợi nhuận, VPR sẽ thanh toán cho GMC hàng tháng mà không phụ thuộc vào kết quả kinh doanh theo tiến độ hợp đồng. Thời hạn thanh toán từ ngày 1-5 hàng tháng.
Garmex Sài Gòn cho biết giá trị hợp đồng ước tính chiếm 0,45% / Tổng giá trị tài sản của Công ty theo Báo cáo tài chính riêng đã được kiểm toán tại ngày 30/06/2024 và chiếm 0,44% / Tổng giá trị tài sản của Công ty theo Báo cáo tài chính hợp nhất đã được kiểm toán tại ngày 30/06/2024. Tổng tài sản của GMC tại thời điểm này hơn 406,5 tỷ đồng, như vậy giá trị hợp đồng gần 1,8 tỷ đồng.
Trên sàn chứng khoán, HoSE đã ban hành quyết định hủy niêm yết bắt buộc đối với hơn 33 triệu cổ phiếu GMC, có hiệu lực từ ngày 24/1/2025. Nguyên nhân xuất phát từ việc Công ty đã ngừng hoạt động sản xuất – kinh doanh chính trong suốt thời gian hơn một năm, bắt đầu từ tháng 5/2023 và kéo dài đến thời điểm phát hành báo cáo kiểm toán giữa năm vào ngày 15/8/2024 – vi phạm quy định về điều kiện niêm yết trên sàn chứng khoán.
Sau đó, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) đã chấp thuận cho cổ phiếu GMC được giao dịch trở lại trên UPCoM từ ngày 12/02 tuy nhiên vẫn bị đưa vào diện hạn chế giao dịch ngay trong ngày chuyển sàn đầu tiên, chỉ được giao dịch vào phiên thứ Sáu hàng tuần.
Chốt phiên 8/4, cổ phiếu GMC dừng tại 4.400 đồng/cp, thị giá không có sự thay đổi nhiều so với thời điểm đầu năm.