CTCP Thủy điện Thuận Hòa Hà Giang (Thuận Hòa Hà Giang) vừa công bố báo cáo tình hình tài chính với nhiều điểm đáng chú ý. Cụ thể, Thuận Hòa Hà Giang trong nửa đầu năm 2023 lỗ hơn 32 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái lãi đến gần 22,4 tỷ đồng. Trước đó, công ty ghi nhận lãi ròng năm 2021 và 2022 lần lượt đạt 51,3 tỷ đồng 75,3 tỷ đồng.
Nửa đầu năm là khoảng thời gian không thuận lợi với ngành thủy điện. Nắng nóng kéo dài khiến mực nước ở các hồ thủy điện trên cả nước giảm sâu, phải dừng phát điện, tác động tiêu cực đến kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp trong ngành.
Trên bảng cân đối kế toán, tổng tài sản Thuận Hòa Hà Giang tại ngày 30/6/2023 đạt 1.374,8 tỷ đồng, giảm nhẹ gần 2,6% so với số đầu kỳ. Về cơ cấu nguồn vốn, vốn chủ sở hữu 470,3 tỷ đồng, giảm nhẹ 0,5%; nợ phải trả 904,5 tỷ đồng, giảm gần 0,5%.
Cuối kỳ BCTC quý II/2023 ghi nhận dư nợ trái phiếu Thuận Hòa Hà Giang là 682 tỷ đồng, chiếm gần một nửa tổng nguồn vốn và chiếm đến hơn 75,4% nợ phải trả.
Đây là lô trái phiếu mã THHGH1730001 được Thuận Hòa Hà Giang phát hành vào tháng 5/2017, giá trị phát hành 900 tỷ đồng, kỳ hạn 13 năm, lãi suất 7,5%/năm.
Theo tìm hiểu của Nhadautu.vn, Thuận Hòa Hà Giang thành lập vào tháng 3/2013, đóng trụ sở tại Nhà A2, khu Hà Trung, tổ 8, phương Quang Trung, TP. Hà Giang, tỉnh Hà Giang. Công ty này được biết đến là chủ đầu tư Nhà máy Thủy điện Thuận Hòa (xã Thuận Hòa, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang), công suất 38MW, tổng nguồn vốn 1.300 tỷ đồng
Cơ cấu cổ đông công ty tính đến giữa năm 2014 gồm: CTCP Đầu tư Phát triển Đại Việt Hà Giang – đại diện là ông Nguyễn Quang Đạo (68%), Ngân hàng TMCP Bắc Á (10%), Công ty TNHH Đức Sơn (5%), ông Nguyễn Quang Đạo (15%), ông Hoàng Anh Phúc (1%), và ông Tống Tuấn Dương (1%). Ông Nguyễn Quang Đạo (SN 1957) đóng vai trò là Người đại diện theo pháp luật.
Đến tháng 4/2014, công ty chỉ có 3 cổ đông là CTCP Đầu tư Đại Việt – ông Đạo đứng tên (85%), Bắc Á Bank (10%) và Công ty Đức Sơn (5%).
Thuận Hòa Hà Giang sau đó không còn tiết lộ các cổ đông, song tiếng nói của nhóm ông Đạo rất lớn khi vị doanh nhân sinh năm 1957 này nắm các vai trò cấp cao như Người đại diện theo pháp luật và Chủ tịch HĐQT công ty.
Cùng với Thuận Hòa Hà Giang, ông Đạo còn đứng tên tại CTCP Thủy điện Thái An – chủ đầu tư nhà máy thủy điện cùng tên tại xã Thái An, huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang. Dự án có tổng công suất lắp máy 82MW, tổng vốn đầu tư 2.000 tỷ đồng.
Thủy điện Thái An tính đến tháng 1/2015 ghi nhận có 5 cổ đông là Ngân hàng TMCP Quân Đội (5%), Bắc Á Bank (10%), CTCP Đầu tư Xây dựng, Thương mại và Công nghệ Hà Nội (20%) và Công ty TNHH Đức Sơn (5%).
Ngoài ra, tính đến tháng 1/2021, ông còn góp 50% vốn tại CTCP Năng lượng Xanh Eco Seido. Các cổ đông còn lại gồm CTCP Đô Lương (20%), ông Nguyễn Tuấn Anh (20%) và ông Hoàng Vệ Dũng (10%).
Năng lượng Xanh Eco Seido được biết đến là chủ dự án Nhà máy điện mặt trời Eco Seido Tuy Phong (xã Phong Phú, xã Phú Lạc, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận), tổng diện tích đất khoảng 58ha, tổng vốn đầu tư 1.100 tỷ đồng, công suất hoạt động 40MW. Sau khi hoàng thành giai đoạn 2 và 3, công suất nhà máy sẽ đạt 100 MW.
Đáng chú ý, bên cạnh Eco Seido, ông Đạo còn cùng doanh nhân Hoàng Vệ Dũng góp vốn tại CTCP Đầu tư Du lịch Làng Việt với tỷ lệ lần lượt là 55% và 20%.
Đôi nét về cổ đông Hoàng Vệ Dũng, ông sinh năm 1957 tại Thái Bình, có trình độ chuyên môn cử nhân tiếng Nga và Văn học. Ông hiện là Chủ tịch HĐQT, đồng thời là cổ đông lớn nắm 14,41% vốn Tổng công ty Đức Giang – một công ty dệt may giao dịch trên sàn UpCom với mã là MGG.
Không chỉ dệt may, doanh nhân Hoàng Vệ Dũng còn thể hiện sự quan tâm đối với lĩnh vực bất động sản. Theo đó, bà Nguyễn Thị Bích Ngọc (vợ ông) tính đến tháng 6/2022 là Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư và Phát triển Hạ tầng Hoàng Thành – chủ đầu tư dự án Hoàng Thành Tower quy mô 1.884.8 m2 tại 114 Mai Hắc Đế, quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội.
Không chỉ nắm vốn/vị trí lãnh đạo cấp cao tại nhiều công ty năng lượng, ông Nguyễn Quang Đạo từng là Ủy viên Ban Thường vụ, Ủy viên Ban Chấp hành Hội doanh nghiệp tỉnh Hà Giang nhiệm kỳ 2012 – 2017.