Quý 2/2023, CTCP Dược phẩm Imexpharm (HOSE: IMP) ghi nhận doanh thu gần 440 tỷ đồng, tăng 24% so với cùng kỳ. Giá vốn tăng nhẹ hơn doanh thu nên lợi nhuận gộp đạt 193 tỷ đồng, tăng 37% so cùng kỳ. Tương ứng tỷ suất lãi gộp biên đạt tới 43,8%, cao hơn mức 39,7% của cùng kỳ.
Sau khi trừ các loại chi phí, Imexpharm đạt gần 80 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng vọt 71% so cùng kỳ.
Theo Imexpharm, quý 2 công ty đã tích cực mở rộng thị trường, đồng thời tái cơ cấu danh mục sản phẩm bán ra, chỉ tập trung vào các sản phẩm chủ lực mang lại biên lợi nhuận cao. Do đó, doanh thu và lợi nhuận đều tăng cao so cùng kỳ.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu của Imexpharm đạt 919 tỷ đồng, tăng 37% so cùng kỳ 2022. Lợi nhuận sau thuế 157,5 tỷ đồng, tăng mạnh 59% so cùng kỳ. Như vậy, sau 6 tháng, Imexpharm đã thực hiện được 52,5% về doanh thu và 57% về lợi nhuận cho cả năm.
Tại thời điểm 30/6/2023, tổng tài sản của Imexpharm đạt 2,52 ngàn tỷ đồng, tăng hơn 10% so đầu kỳ. Trong đó tiền mặt giảm mạnh 62% về còn gần 67 tỷ đồng, còn tiền gửi ngân hàng tăng mạnh 43% lên 303 tỷ đồng. Hàng tồn kho cũng tăng 50% lên 658 tỷ đồng.
Phản ứng trước thông tin kết quả kinh doanh khả quan, cổ phiếu IMP bật tăng trần lên 66.800 đồng/cổ phiếu, tăng hơn 32% trong vòng 3 tháng qua. Tuy nhiên thanh khoản rất yếu khi bình quân chỉ hơn 11.500 đơn vị được sang tay mỗi phiên.
Trước đó, hồi tháng 4 vừa qua, Imexpharm lên tiếng về việc bị thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược trong lĩnh vực xuất nhập khẩu.
Theo đơn đề nghị chủ động từ Imexpharm về việc thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược (chỉ đối với phạm vi kinh doanh xuất nhập khẩu thuốc, nguyên liệu làm thuốc), ngày 10/4, Thứ trưởng Bộ Y tế đã ban hành Quyết định thu hồi giấy này của IMP.
Để làm rõ nội dung này, Imexpharm cho biết, quyết định thu hồi này là do công ty chủ động đề nghị do hiện Imexpharm có vốn đầu tư nước ngoài trên 50% nên không còn quyền phân phối (không được mua nguyên liệu, thành phẩm của cơ sở khác về bán).
Đồng thời, từ trước đến nay, Imexpharm chưa có hoạt động kinh doanh này (nhập khẩu thuốc, nguyên liệu về bán). Imexpharm cũng khẳng định, việc thu hồi giấy chứng nhận này hoàn toàn không ảnh hưởng đến các hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty.