Hưởng lợi nhiều yếu tố, Đạm Phú Mỹ báo lãi ròng quý 1 gấp đôi cùng kỳ

Tổng CTCP Phân bón và Hoá chất Dầu khí (HoSE: DPM) công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 1/2020 với kết quả khá khả quan. 

Lợi nhuận quý 1 gấp đôi cùng kỳ

Trong đó, doanh thu thuần đạt 1.697 tỷ đồng, tăng gần 8% so với cùng kỳ năm 2019. Lợi nhuận gộp đạt gần 339 tỷ đồng, tăng khá 26% so cùng kỳ. Tương ứng tỷ suất lãi gộp biên cải thiện từ mức 17% của cùng kỳ lên gần 20%. 

Trong kỳ, DPM đã tiết giảm chi phí quản lý gần 17% về còn 75 tỷ đồng. Cộng thêm hơn 1,2 tỷ đồng lợi nhuận khác, gần gấp đôi cùng kỳ. 

Từ đó, DPM đạt gần 105 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ, gấp đôi cùng kỳ. 

Được biết, năm 2020, DPM đặt chỉ tiêu tổng sản lượng sản xuất là 1.035.750 tấn phân bón và hóa chất các loại, trong đó Đạm Phú Mỹ 785.000 tấn, NPK Phú Mỹ 180.000 tấn; tổng sản lượng kinh doanh là 1.263.800 tấn phân bón, hóa chất các loại, trong đó sản lượng kinh doanh hai sản phẩm chính Đạm Phú Mỹ, NPK Phú Mỹ là 960.000 tấn.

Về chỉ tiêu tài chính (hợp nhất), DPM dự kiến tổng doanh thu năm 2020 là 9.237 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 513 tỷ đồng, sau thuế 433 tỷ đồng, chia cổ tức 10%. Như vậy, riêng trong quý 1, DPM đã thực hiện được hơn 24% kế hoạch đề ra cho cả năm.

So với năm 2019 và đặt trong bối cảnh khó khăn chung của ngành nông nghiệp và phân bón hiện nay, đây là kế hoạch khá ấn tượng của DPM vì tăng trưởng ở mọi chỉ tiêu chính, trong đó chỉ tiêu lợi nhuận tăng gấp 2,5 lần so với kế hoạch năm 2019.

Huong loi nhieu yeu to, Dam Phu My bao lai rong quy 1 gap doi cung ky
Nhà máy của DPM  

Vì sao VCSC khuyến nghị mua DPM?

Trong khi đó, theo báo cáo phân tích hồi đầu tháng 4, Chứng khoán Bản Việt (VCSC) khuyến nghị mua DPM với giá mục tiêu 17.000 đồng/cổ phiếu (tổng mức sinh lời dự phóng 31,4%, bao gồm lợi suất cổ tức 7,3%). 

VCSC dự báo lãi cơ bản trên mỗi cổ phiếu (EPS) năm 2020 của DPM tăng 81,8% nhờ sản lượng urê bán ra tăng 12,9%, hiệu suất hoạt động tại các nhà máy NPK tăng và chi phí khí đầu vào thấp hơn, khi giá urê đi ngang. 

VCSC còn kỳ vọng tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) EPS của DPM đạt 20,8% trong giai đoạn 2019-2024, dẫn dắt bởi lợi nhuận cao hơn từ nhà máy urê sau khi bảo trì đình kỳ trong năm 2019, hiệu suất hoạt động cao hơn của nhà máy NPK từ năm 2020 trở đi và giá urê tăng 2,5% hằng năm từ năm 2021 trở đi. 

Ngoài ra, DPM có mức cổ tức ổn định, đến từ năng lực tài chính mạnh mẽ và triển  vọng phục hồi lợi nhuận vững chắc từ năm 2020 trở đi. Công ty sở hữu lượng tiền mặt tại quỹ 4.000 tỷ đồng tính đến cuối năm 2019 (và tiền mặt ròng gần 3 nghìn tỷ đồng), có thể hỗ trợ lợi suất cổ tức ổn định tại 8-10%. 

Do đó, định giá của DPM tỏ ra hấp dẫn với EV/EBITDA dự phóng 2020 là 1,9 lần và P/E là 8,2 lần, theo VCSC. 

Đáng chú ý, trong năm nay yếu tố hỗ trợ cho DPM chính là chốt cước phí vận chuyển khí mới; điều chỉnh luật thuế giá trị gia tăng cho phép miễn giảm thuế đầu vào; đền bù bảo hiểm cho sự cố kỹ thuật của nhà máy NH3 diễn ra trong năm 2019. 

Minh An

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN