CTCP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico, HoSE: HNG) công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2023 với doanh thu thuần vỏn vẹn 160 tỷ đồng, giảm 16% so cùng kỳ.
Trong khi đó giá vốn "ngốn" tới 160 tỷ khiến HNG lỗ gộp 100 tỷ đồng, nhẹ hơn mức lỗ 182 tỷ của cùng kỳ.
Đặc biệt, kỳ này chi phí tài chính giảm mạnh 60% về còn 87 tỷ đồng.
Dù vậy, sau cùng HNG vẫn lỗ ròng 199 tỷ đồng trong quý 3/2023, giảm nhẹ so mức lỗ 416 tỷ đồng của cùng kỳ 2022. Ghi nhận quý thứ 10 liên tiếp HNG chìm trong thua lỗ.
|
Kết quả kinh doanh thua lỗ quý 3/2023 của HNG |
Theo HNG, nguyên nhân thua lỗ do ảnh hưởng của nhiều yếu tố. Thứ nhất cây ăn trái, doanh thu mảng này chỉ đạt 84 tỷ đồng trong quý 3, sản lượng 6.556 tấn, giảm tới 97% so cùng kỳ và chỉ đạt 33% kế hoạch đề ra (19.523 tấn).
Sở dĩ sản lượng đạt mức thấp do tình trạng thiếu nhân công lao động, cộng với thời tiết mưa nhiều, kéo dài gây ngập úng, khó khăn trong quá trình thu hoạch và vận chuyển chuối, làm tăng dịch bệnh dẫn đến năng suất buồng kém, số lượng buồng phải hủy bỏ không thu hoạch tại vườn 43%. Ngoài ra, trong kỳ công ty vẫn tiếp tục tập trung đầu tư chăm sóc, cải tạo lại vườn cây hiện hữu dẫn đến diện tích cho thu hoạch thấp.
Thứ hai với mảng cây cao su, doanh thu chỉ đạt 55 tỷ đồng, sản lượng 1.973 tấn, giảm 13% so với cùng kỳ và mới đạt 60% kế hoạch. Nguyên nhân cũng tương tự do thiếu khoảng 37% số lượng công nhân cạo mủ cao su so với định biên, tỷ lệ vườn cây khai thác tập trung chỉ đạt 39% so với tổng diện tích vườn.
Ngoài ra, chi phí giá vốn vườn cây lớn chủ yếu là khấu hao (chiếm 60%) dẫn đến doanh thu ng đủ bù đắp chi phí. Đồng thời, trong năm 2022 công ty đã chuyển đổi đồng tiền hạch toán từ đồng LAK sang đồng USD, do vậy lỗ quý 3/2023 giảm mạnh so quý 3/2022 vì không còn ghi nhận khoản lỗ từ chênh lệch tỷ giá ảnh hưởng từ việc đồng LAK bị mất giá.
Tính chung 9 tháng, doanh thu thuần của HNG ở mức 438 tỷ đồng, giảm gần 21% so cùng kỳ. Tiếp tục kinh doanh dưới giá vốn khiến HNG lỗ ròng 446 tỷ đồng, nhẹ hơn mức lỗ 1.085 tỷ đồng của cùng kỳ. Với mức lỗ này đã nâng lỗ lũy kế đến 30/9 của HNG lên 7.450 tỷ đồng.
Tại thời điểm cuối tháng 9/2023, tổng tài sản của HNG tăng thêm gần 1.500 tỷ lên 14.143 tỷ đồng. Trong đó lượng tiền mặt chỉ vỏn vẹn 16 tỷ đồng, các khoản phải thu ngắn hạn tăng nhẹ lên 1.489 tỷ đồng. Trong khi đó hàng tồn kho tăng mạnh 33% lên 2.222 tỷ đồng...
Trong cơ cấu nợ phải trả 11.245 tỷ đồng, HNG đang vay nợ tài chính hơn 7.840 tỷ đồng, tăng nhẹ so đầu năm.
Kết quả kinh doanh thua lỗ khiến cổ phiếu HNG bị vào diện kiểm soát, theo đó, HNG cũng đưa ra biện pháp và lộ trình khắc phục việc này.
Theo đó, công ty đang thực hiện chiến lược sản xuất nông nghiệp quy mô lớn trên nền tảng hữu cơ, quản trị theo phương pháp công nghiệp xuyên suốt chuỗi giá trị, ứng dụng cơ giới hóa, công nghệ sinh học và số hoá theo lộ trình phù hợp. HNG đang tập trung vào mục tiêu đầu tư quy hoạch tổng thể, đồng bộ hệ thống giao thông, thuỷ lợi, điện; Các công trình trên đất; Tuyến đê bao chống ngập; Tổ chức hoạt động giao nhận vận chuyển, tổng kho.
Về trồng trọng, công ty chuyên canh chuối, dứa với diện tích lớn, cung câp trái cây tươi. Đầu tư các nhà máy sơ chế, chế biến trái cây. Trồng các loại cây ăn trái (xoài, bưởi, sầu riêng...) kết hợp chăn nuôi bò sinh sản bán chăn thả, bê và bò thịt chăn thả, bò thịt vỗ béo tập trung...
HNG cũng tổ chức mô hình khu liên hợp sản xuất trồng trọt và chăn nuôi khép kín đảm bảo an toàn sinh học, phòng chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi. Tiếp tục thực hiện chuyển đổi các vườn cao su không hiệu sang trồng chuối, dứa và cây ăn trái kết hợp chăn nuôi bò.
Với chiến lược này, HNG tin tưởng vào sự phát triển và tạo ra lợi nhuận trong các năm tiếp theo, từ đó từng bước giảm các khoản lỗ luỹ kế trong thời gian ngắn nhất.