Trong buổi làm việc giữa Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (GVR) và cổ đông chính Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp (CMSC) vào ngày 16/9/2022, ban lãnh đạo GVR công bố KQKD sơ bộ 9 tháng đầu năm 2022.
Cụ thể, doanh thu và lợi nhuận thực hiện 9 tháng đầu năm 2022 của Công ty mẹ Tập đoàn ước đạt lần lượt là 1.927 tỷ đồng và 876 tỷ đồng, chỉ nhích nhẹ so cùng kỳ năm trước.
Trong khi đó, năm 2022, GVR đặt mục tiêu hợp nhất toàn Tập đoàn là 18.397 tỷ đồng doanh thu và 4.408 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế (tăng lần lượt 2% và 4% so với năm trước).
Tuy nhiên, theo ông Trần Công Kha – Chủ tịch HĐQT VRG, trong cơ cấu doanh thu và lợi nhuận của riêng Công ty mẹ Tập đoàn còn có bao gồm dự thu khoản lợi nhuận từ thoái vốn với giá trị ước tính là 429 tỷ đồng và thu đền bù đất đai từ nguồn ngân sách các địa phương khi thu hồi đất do VGR vào các mục đích phát triển kinh tế, xã hội. Do đó, trong trường hợp vì lý do khách quan, 2 nguồn thu này chưa được thực hiện trong năm cũng sẽ làm giảm doanh thu, lợi nhuận của Tập đoàn năm 2022.
Trong buổi họp, GVR tái khẳng định chiến lược tập trung nguồn lực cho mảng phát triển KCN. GVR cho biết công ty đang xây dựng đề án tái cơ cấu Tập đoàn giai đoạn 2021-2025, tiếp tục thoái vốn đối với các công ty hoạt động kém hiệu quả, không cần thiết phải nắm giữ cổ phần (bao gồm các công ty có lời); sáp nhập các công ty nhỏ cùng ngành để tiết kiệm chi phí vận hành; thoái vốn, giảm vốn cổ phần mảng cao su để tập trung nguồn lực vào các dự án phát triển KCN, cụm công nghiệp (CCN) và mảng chế biến gỗ.
GVR đặt mục tiêu phát triển các lĩnh vực hoạt động chính đến 2025, tổng doanh thu dự kiến của Tập đoàn tăng hơn 30% so với hiện nay, lợi nhuận sẽ tăng trưởng khoảng 20% và sẽ tăng nhanh hơn trong giai đoạn sau năm 2025. Doanh thu hợp nhất của Tập đoàn là 161.730 tỷ đồng (trung bình khoảng 32.300 tỷ đồng/năm), lợi nhuận hợp nhất trước thuế là 34.435 tỷ đồng (trung bình khoảng 6.870 tỷ đồng/năm). Lợi nhuận sau thuế Công ty Mẹ Tập đoàn khoảng 12.350 tỷ đồng (trung bình 2.470 tỷ đồng/năm, tăng trung bình 7%/năm).
GVR cũng nêu rõ một số khó khăn trong ngắn hạn đối với các hoạt động kinh doanh chủ chốt của công ty.
Trong đó, với mảng mủ cao su tự nhiên, mặc dù có một số tín hiệu khả quan từ đầu năm 2022 nhưng đến nay thị trường tiêu thụ mủ cao su thiên nhiên không ổn định, giá bán đang có xu hướng giảm và chi phí đầu vào tăng.
Mảng phát triển KCN, diện tích KCN có thể cho thuê còn hạn chế tính đến thời điểm hiện tại. Các dự án trong tương lai như Nam Tân Uyên 2 Mở rộng, An Điền Mở rộng và Minh Hưng 3 Mở rộng vẫn đang trong quá trình hoàn thiện các thủ tục pháp lý.
Mảng chế biến gỗ, ngoài khó khăn về thị trường tiêu thụ, nguồn nguyên liệu gỗ cao su cũng hạn chế.
Mảng sản phẩm cao su gặp khó khăn do chi phí đầu vào tăng và điều kiện thị trường không thuận lợi.