Giá điện cạnh tranh đạt đỉnh 10 năm: Doanh nghiệp nào hưởng lợi nhất?

Giá điện trên thị trường cạnh tranh (CGM) tháng 4/2023 đạt đỉnh 10 năm, EVN và 8 nhà máy năng lượng tái tạo (NLTT) chuyển tiếp đạt thỏa thuận giá tạm thời.
EVNGENCO3 thông báo giá CGM tháng 4/2023 là 1.964 đồng/kWh, tăng 10% so cùng kỳ và tăng 16% so tháng trước, đạt đỉnh 10 năm.
Chứng khoán VietCap (VCSC) cho rằng mức tăng mạnh này là do nhu cầu tiêu thụ điện tăng cao khi Việt Nam bước vào mùa hè và sản lượng sản xuất tháng 4/2023 của thủy điện thấp hơn đáng kể so với tháng 4/2022. Giá CGM trung bình 4 tháng đầu năm 2023 là 1.758 đồng/kWh, tăng 11% so cùng kỳ.
Tính đến ngày 18/5/2023, có 31/85 các nhà máy NLTT chuyển tiếp (2.000/4.600 MW) đã nộp hồ sơ đàm phán giá điện với EVN. 8 nhà máy (tổng công suất 450 MW) đạt thỏa thuận giá tạm thời bằng 50% giá trần với EVN.
Gia dien canh tranh dat dinh 10 nam: Doanh nghiep nao huong loi nhat?
 
VCSC lưu ý rằng mức giá tạm thời này, được đề xuất bởi EVN, sẽ áp dụng cho đến khi các bên đạt thỏa thuận về giá chính thức. Do Phó Thủ tướng đã yêu cầu EVN sớm kết thúc đàm phán giá tạm thời với các nhà máy NLTT chuyển tiếp còn lại, VCSC kỳ vọng sẽ có nhiều nhà máy NLTT chuyển tiếp hơn được nối lưới vào nửa cuối năm 2023 và góp phần giảm rủi ro thiếu điện trong năm nay.
Ngoài ra, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Công Thương điều chỉnh Thông tư số 15/2022/TT-BCT ký ngày 3/10/2022 về phương pháp xác định giá cho các nhà máy NLTT chuyển tiếp và Quyết định số 21/QĐ-BCT ký ngày 7/1/2023 về khung giá cho các nhà máy này. VCSC kỳ vọng Bộ Công Thương sẽ sớm thông báo kết quả xem xét và sửa đổi các văn bản này, nếu có.
VCSC cho rằng các công ty sở hữu các nhà máy nhiệt điện khí như NT2 và POW sẽ hưởng lợi nhiều nhất từ giá CGM cao và sản lượng thấp hơn từ thủy điện và nhiệt điện than (do tình trạng thiếu than).
Minh An

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN