Giá dầu thô giảm, BSR báo lãi quý 2 lao dốc 87%, chỉ đạt 1.339 tỷ đồng

Giá dầu thô giảm, cũng như khoảng cách giá sản phẩm và giá dầu thô quý 2/2023 không tốt như cùng kỳ nên lợi nhuận của BSR kém khả quan hơn nhiều.
CTCP Lọc hóa Dầu Bình Sơn (UPCoM: BSR) công bố kết quả kinh doanh quý 2/2023 với doanh thu thuần 33.669 tỷ đồng, giảm gần 26% so cùng kỳ.
Giá vốn chiếm sát sao với 32.491 tỷ đồng nên lợi nhuận gộp của BSR vỏn vẹn 1.177 tỷ đồng, lao dốc 89% so cùng kỳ. Tương ứng tỷ suất lãi gộp biên chỉ hơn 3,6% so mức 20,8% của cùng kỳ. Lợi nhuận gộp giảm mạnh chủ yếu do crack spread xăng và dầu diesel giảm đáng kể so với cùng kỳ năm trước. Ngoài ra, BSR ghi nhận chi phí G&A cao hơn 65% do chi phí dịch vụ mua ngoài cao hơn, điều này ảnh hưởng đến lợi nhuận hoạt động. 
Bù lại kỳ này, doanh thu hoạt động tài chính gấp 2,2 lần lên 714 tỷ đồng nhờ lãi suất cao hơn và hoàn nhập lỗ tỷ giá trong chi phí tài chính.
Do đó, lãi ròng sau cùng của BSR chỉ đạt 1.339 tỷ đồng, lao dốc 87% so cùng kỳ.
Theo BSR, 2022 là năm có giá dầu thô (giá Dated Brent) biến động nhiều và tăng cao nhất trong những năm gần đây. Từ tháng 1/2022 giá dầu tiếp tục đà tăng từ 74,1 USD/thùng tháng 12/2021 lên 118,81 USD/thùng vào tháng 3/2022, các tháng quý 2 năm 2022 liên tục tăng và tăng lên đến 123,70 USD /thùng vào tháng 6/2022.
Trong khi đó quý 2/2023, giá dầu thô từ mức 85,51 USD/thùng đầu tháng 4/2023, giảm xuống còn 74,97 USD/thùng vào cuối tháng 6/2023. Bên cạnh đó, khoảng cách giá sản phẩm và giá dầu thô quý 2/2022 tốt hơn nhiều so với quý 2/2023.
Với diễn biến giá dầu thô và giá sản phẩm như vậy đã làm cho kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh quý 2/2023 kém thuận lợi hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước.
Lũy kế 6 tháng, doanh thu thuần của BSR đạt 67.735 tỷ đồng, giảm 22% so cùng kỳ nhưng đạt 71% kế hoạch năm. Lợi nhuận sau thuế giảm tới 76% về còn 2.970 tỷ đồng nhưng lại gấp 1,8 lần kế hoạch năm (1.628 tỷ đồng).
Gia dau tho giam, BSR bao lai quy 2 lao doc 87%, chi dat 1.339 ty dong
 
Tại thời điểm cuối tháng 6/2023, quy mô tổng tài sản của BSR giảm mạnh hơn 3.400 tỷ xuống mức 75.043 tỷ đồng. Trong đó, tiền mặt và gửi ngân hàng chiếm hơn 29.200 tỷ đồng, tăng gần 4.000 tỷ so đầu kỳ. Các khoản phải thu ngắn hạn lại giảm hơn 3.880 tỷ xuống 12.668 tỷ đồng. Hàng tồn kho cũng giảm 2.700 tỷ xuống 14.106 tỷ đồng.
Trong cơ cấu nợ phải trả 23.420 tỷ, vay nợ tài chính của BSR chỉ có ngắn hạn là 3.416 tỷ đồng, giảm 62% so đầu kỳ và không phát sinh vay nợ dài hạn. 
Hồ sơ niêm yết của BSR đã nộp cho Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE), Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (SSC) và Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam (VNX). BSR kỳ vọng các yêu cầu niêm yết sẽ thay đổi trong nửa cuối năm 2023, từ đó hỗ trợ cổ phiếu của công ty được niêm yết trên HOSE.
Trên thị trường, cổ phiếu BSR đang giao dịch quanh mức 19.800 đồng/cp trong phiên sáng ngày 1/8, ghi nhận mức tăng gần 24% trong vòng 3 tháng qua. Thanh khoản khá sôi động khi bình quân hơn 8,5 triệu cổ phiếu được sang tay mỗi phiên. 
Minh An

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN