Được biết, Cardinal Peak đã và đang cung cấp các dịch vụ công nghệ gồm phần cứng, phần mềm nhúng, IoT, điện toán đám mây và phát triển sản phẩm di động cho hơn 300 công ty, trong các lĩnh vực ô tô, điện tử tiêu dùng, chăm sóc sức khỏe, phát nội dung trực tuyến, robot, an ninh - an toàn, quốc phòng - hàng không vũ trụ.
Thông qua thương vụ này, FPT kỳ vọng Cardinal Peak sẽ giúp FPT tăng gấp đôi doanh thu từ mảng dịch vụ kỹ thuật sản phẩm tại thị trường Mỹ trong vòng 2 năm tới.
Như vậy, trong năm 2023, FPT mở rộng hiện diện tại Mỹ khi mua lại toàn bộ mảng dịch vụ công nghệ của công ty Intertec International. Tháng 10 vừa qua, FPT công bố trở thành nhà đầu tư lớn của Landing AI, công ty phần mềm thị giác máy tính và AI của Mỹ.
Châu Mỹ hiện là một trong những thị trường lớn nhất của FPT tại nước ngoài, với hệ thống 14 văn phòng trên khắp nước Mỹ, Canada, Colombia, Costa Rica và Mexico.
Từ năm 2014, FPT liên tục thực hiện các thương vụ mua bán và sáp nhập với doanh nghiệp công nghệ trên thế giới. Thương vụ M&A đầu tiên của FPT là mua công ty RWE IT Slovakia (Công ty thành viên của Tập đoàn năng lượng RWE). Năm 2018, FPT mua 90% cổ phần của Intellinet, công ty tư vấn chuyển đổi số có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất tại Mỹ. Sang năm 2022, FPT đầu tư chiến lược vào LTS, Inc., tại Nhật Bản.
Theo FPT, các thương vụ mua bán sáp nhập đóng vai trò quan trọng trong chiến lược toàn cầu của FPT và góp phần hoàn thành mục tiêu đạt doanh số 1 tỷ USD từ dịch vụ CNTT cho thị trường nước ngoài vào cuối năm 2023.
Về tình hình kinh doanh trong 9 tháng 2023, doanh thu Dịch vụ CNTT cho thị trường nước ngoài của FPT đạt 17.626 tỷ đồng, tăng 30,9%, lợi nhuận trước thuế đạt 2.878 tỷ đồng, tăng 30,2% so với cùng kỳ năm trước. FPT cũng ghi nhận nhiều đơn hàng lớn từ thị trường nước ngoài, với doanh thu ký mới đạt 20.700 tỷ đồng, tăng trưởng 23,2% do với cùng kỳ. Trong đó, có 20 dự án với quy mô trên 5 triệu USD.