Theo bản tin IR, CTCP Thực phẩm Sao Ta (FMC) cho biết doanh số tiêu thụ chung trong tháng 10 đạt 23,9 triệu USD, tăng 5% so cùng kỳ năm 2020 và sản xuất tôm thành phẩm đạt 2.507 tấn, tăng 18%.
Bên cạnh đó, việc tiêu thụ nông sản tăng hơn gấp đôi cùng kỳ, đạt 157 tấn.
FMC cho biết tôm nuôi đang phát triển khá tốt, đang đi vào giai đoạn thu tỉa và thu hoạch. Khả năng kéo dài từ một tháng đến một tháng rưỡi, cung ứng kịp thời cho chế biến. Qua đó, FMC sẽ giảm tình trạng thiếu hụt nguyên liệu so các doanh nghiệp khác.
Về công tác phòng chống dịch, FMC đang trong trạng thái khá căng thẳng do có dấu hiệu bùng phát ca bệnh và ổ dịch ở một số tỉnh miền Tây, nhất là các địa phương có người lao động hồi hương nhiều, trong đó có Sóc Trăng.
Trước đó, FMC công bố kết quả kinh doanh quý 3 với doanh thu thuần gần như đi ngang so với cùng kỳ, ghi nhận hơn 1.625 tỷ đồng và lãi ròng giảm 20%, xuống còn 56,5 tỷ đồng chủ yếu do chi phí cước tàu tăng.
So với kế hoạch, FMC đã thực hiện được 81% chỉ tiêu doanh thu và 72% chỉ tiêu lãi trước thuế 2021 sau 9 tháng đầu năm.
Tại thời điểm 30/9, tổng tài sản của FMC ghi nhận gần 2.714 tỷ đồng, tăng 59% so với đầu năm. Hàng tồn kho cũng tăng 66%, lên hơn 1.008 tỷ đồng.
Trong đó, chi phí sản xuất kinh doanh dở dang hơn 108 tỷ đồng trong khi đầu năm không ghi nhận khoản này. Trái lại, đơn vị không còn ghi nhận 2 khoản mục hàng mua đang đi trên đường và hàng gửi đi bán.
Chi phí xây dựng cơ bản dở dang của FMC cũng tăng vọt từ gần 7 tỷ đồng hồi đầu năm lên hơn 53 tỷ đồng chủ yếu biến động mạnh tại các dự án Nhà máy thủy sản Sao Ta và dự án Nhà máy Tam An.
Đáng chú ý, nợ phải trả tăng vọt lên 1.169 tỷ đồng, gần gấp đôi con số đầu năm với gàn 807 tỷ đồng là nợ vay ngắn hạn, tăng 83%.