Kế hoạch cả năm có lãi trong khi quý 1 đã báo lỗ nặng
Ngày 20/6 tới, CTCP Tập đoàn Đức Long Gia Lai (HoSE: DLG) sẽ tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên 2020 để thông qua nhiều vấn đề trọng yếu của công ty.
Theo đó, về kế hoạch kinh doanh năm 2020, DLG đặt mục tiêu doanh thu đạt 2.500 tỷ và lợi nhuận 80 tỷ đồng. Trong khi đó, riêng trong quý 1/2020, DLG đã báo lỗ 47 tỷ đồng.
Như vậy, trong 3 quý còn lại của năm, liệu DLG có lật ngược được tình thế để đạt kế hoạch lợi nhuận đặt ra là con số dương?
Các năm 2021 và 2022 doanh thu lần lượt là 3.000 tỷ và 3.500 tỷ đồng; còn lợi nhuận 100 tỷ và 120 tỷ đồng.
Doanh thu và lợi nhuận chủ yếu năm 2020 và các năm tới của DLG tập trung vào các lĩnh vực sản xuất linh kiện điện tử, thu phí BOT đường quốc lộ 14, xây dựng và kinh doanh khách sạn, dự án thuỷ điện.
Kế hoạch trên của DLG có qua tham vọng hay không khi mà năm 2019, DLG ghi nhận 2.873 tỷ đồng doanh thu, đạt 90% kế hoạch. Tuy nhiên lại âm hơn 7 tỷ đồng.
Theo DLG, sở dĩ năm 2019 báo lỗ do ảnh hưởng của tình hình địa chính trị thế giới, giá dầu sụt giảm sâu, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, làm cho các sản phẩm linh kiện điện tử, nông nghiệp của Tập đoàn không xuất khẩu được như kỳ vọng.
Ngoài ra, ở lĩnh vực BOT, phương án tài chính bị phá vỡ, doanh thu sụt giảm do Nhà nước chưa đồng ý tăng phí theo lộ trình 3 năm tăng 18% theo hợp đồng đã ký kết; đồng thời lưu lượng xe lưu thông không đạt như kế hoạch.
Đối với lĩnh vực năng lượng và nông nghiệp, do tình hình thời tiết bất thường, nắng nóng diện rộng xảy ra liên tếp, nhất là khu vực Tây Nguyên, dẫn đến nhiều hồ chứa thuỷ điện ở mức nước chết, tình hình điện gặp nhiều khó khăn.
Cho một số tổ chức, cá nhân vay gần 2.400 tỷ đồng nhưng không có tài sản đảm bảo
Tại thời điểm cuối năm 2019, tổng tài sản của DLG giảm 98 tỷ đồng xuống mức 8.614 tỷ đồng, trong đó khoản phải thu ngắn hạn vẫn ở mức cao tới 2.756 tỷ đồng và phải trích lập khó đòi 127 tỷ đồng.
Về cơ cấu nguồn vốn, nợ phải trả chiếm 5.184 tỷ đồng, trong đó vay nợ tài chính ngắn và dài hạn lần lượt là 1.224 tỷ và 2.386 tỷ đồng.
Các ngân hàng đang cho DLG vay gồm VietinBank, BIDV, Sacombank, OCB, NCB và hàng loạt cá nhân khác.
Liên quan đến nợ vay, tháng 1/2020, BIDV đã có thông báo về việc bán đấu giá tài sản của Đức Long Gia Lai.
Theo đó, tài sản thực hiện bán đấu giá là 582,7 m2 đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất tại số 97/2, đường Nguyễn Hữu Cảnh, quận Bình Thạnh, TP HCM. Tài sản gắn liền trên đất là 117,6 m2 sàn gồm 1 tầng và sân. Giá khởi điểm của tổng khối tài sản này là 57 tỷ đồng.
Chưa dừng lại ở đó, đơn vị kiểm toán còn đưa ra hàng loạt ý kiến ngoại trừ và nhấn mạnh.
Thứ nhất, khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2019, DLG chưa loại trừ hơn 129 tỷ đồng chi phí đ vay vượt mức quy định. Nếu thực hiện đúng thi khoản mục Chi phí thuế TNDN hiện hành năm 2019 sẽ tăng thêm 20,7 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế sẽ giảm tương ứng.
Đồng thời, trên bảng cân đối kế toán hợp nhất, khoản mục dự phòng phải trả ngắn hạn sẽ có giá trị 20,7 tỷ và lợi nhuận sau thuế chưa phân phối sẽ lãi luỹ kế 19,8 tỷ.
Thứ hai, đơn vị kiểm toán nhấn mạnh, nợ phải thu 121 tỷ đồng (cuối năm 2019) của Tập đoàn Xây dựng Cầu đường, Thuỷ Lợi, Xuất nhập khẩu Daohuensong và Công ty TNHH Đầu tư Phát triển MTV Lào (Daohuensong) liên quan đến hợp đồng hợp tác năm 2014, đến nay DLG vẫn chưa thu hồi được khoản nợ này.
Cũng cần lưu ý, DLG đã cho một số tổ chức, cá nhân vay tới hơn 2.399 tỷ đồng, tương đương 27,8% tổng giá trị tài sản nhưng lại không có tài sản đảm bảo.
Kiểm toán cũng nhấn mạnh, báo cáo được lập dựa trên cơ sở giả định hoạt động liên tục, song tại thời điểm cuối năm 2019, DLG chưa thanh toán cho hầu hết các khoản đi vay đã đến hạn trả (nợ trái phiếu đến hạn trả, nợ vay ngân hàng và nợ một số tổ chức).
Các điều kiện này cho thấy sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của DLG.