Luật sư tranh luận thế nào về “lợi ích nhóm” trong vụ Đinh La Thăng?

"Nếu lợi ích nhóm thì phải tìm mọi cách để móc nối, câu kéo nhân sự về. Đây là suy diễn không dựa trên căn cứ nào", LS bào chữa cho ông Đinh La Thăng phản biện nhận định "lợi ích nhóm" của VKSND.
Diễn biến mới nhất trong phiên tòa xét xử bị cáo Đinh La Thăng - nguyên Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cùng 21 đồng phạm chiều ngày 15/1, luật sư Nguyễn Huy Thiệp (bào chữa cho bị cáo Đinh La Thăng) đã có phần đối đáp với VKSND TP Hà Nội về quan điểm luận tội đối với thân chủ của mình.
Nói về nhận định của VKSND trong sáng nay rằng "có lợi ích nhóm" khi bàn về việc ông Đinh La Thăng bổ nhiệm Vũ Đức Thuận và Trịnh Xuân Thanh, luật sư Nguyễn Huy Thiệp cho hay, đây là vấn đề phát sinh trong quá trình luận tội, trước đó cáo trạng và kết luận điều tra không đưa ra.
 Luật sư Nguyễn Huy Thiệp, bào chữa cho bị cáo Đinh La Thăng.
Tiếp đó luật sư Thiệp đặt câu hỏi: “Có chứng minh ông Thăng được lợi ích gì trong việc này hay không? Quy trình cất nhắc, bổ nhiệm này có điểm nào sai để chỉ ra căn cứ thấy về mối quan hệ ràng buộc?. Nếu là lợi ích nhóm thì phải tìm mọi cách để móc nối, câu kéo lôi nhân sự về. Đây là suy diễn không dựa trên căn cứ nào”.
Theo luật sư, thời điểm mà PVC được chỉ định làm tổng thầu dự án nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, nếu về mặt kinh nghiệm thì chỉ Lilama đủ điều kiện đáp ứng được nhưng nếu dự án nào cũng đưa Lilama vào thực hiện sẽ dẫn đến độc quyền, kìm hãm sự phát triển của nền kinh tế.
Luật sư cho rằng, những thiếu sót trong hợp đồng EPC số 33 không thuộc trách nhiệm của bị cáo Đinh La Thăng vì bị cáo chỉ là lãnh đạo đề ra chủ trương, thay mặt HĐTV ban hành nghị quyết chứ không phải người thực hiện. 
Lập luận về quan điểm mà VKS cho rằng PVN vi phạm Điều 41 Nghị định 85, trong đó quy định chủ đầu tư phê duyệt hồ sơ yêu cầu và có đủ điều kiện, năng lực đáp ứng yêu cầu được nhận gói thầu, luật sư Thiệp cho rằng nghị định này quy định đối tượng chịu sự quản lý là chủ đầu tư chứ không phải cấp trên của chủ đầu tư. Những thiếu sót trong hợp đồng EPC số 33 không thuộc trách nhiệm của bị cáo Đinh La Thăng vì bị cáo chỉ là lãnh đạo đề ra chủ trương, thay mặt HĐTV ban hành nghị quyết chứ không phải người thực hiện. Khi được áp dụng đặc thù thì có vấn đề cần xem xét quyết định.
Luật sư Thiệp nhấn mạnh việc bản thân bị cáo Đinh La Thăng trong kết luận chỉ đạo giao ban ngày 1/6 cho thấy bản thân không biết nội dung hợp đồng EPC 33 nên đã yêu cầu tạm ứng cho nhà thầu tới 10%, trong khi hợp đồng 33 thống nhất 6%. Luật sư cũng đề nghị VKS đưa ra những căn cứ xác định việc tính lãi suất tiền gửi có kỳ hạn, từ thời gian nào? Gửi bao nhiêu lâu vì có nhiều kỳ hạn?
Đối đáp tiếp tục với quan điểm luận tội của đại diện VKS, luật sư Đào Hữu Đăng (bào chữa cho bị cáo Đinh La Thăng) nói, tuyệt nhiên không có ai có lợi ích cá nhân trong việc làm trái này. Trong suốt quá trình điều tra, cơ quan tố tụng không hề điều tra những bị can trong nhóm tội cố ý làm trái về “lợi ích nhóm”, không hề có lời khai, các bị can không được trình bày họ có lợi ích nhóm hay không nhưng đến khi xét xử đại diện VKS lại đưa ra kết luận như vậy.
“Đại diện VKS nói buồn nhất trong vụ án này là cấp dưới nhận nhưng cấp trên không thừa nhận. Thưa HĐXX, khi chúng tôi tiếp xúc với ông Thăng, ông Thăng luôn đặt ra câu hỏi với nhóm luật sư rằng khai như vậy có đổ lỗi cho anh em cấp dưới không?”, luật sư Đăng nói.
Hưng Bùi

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN