Doanh nghiệp ngành chăn nuôi: Bức tranh sáng năm 2024

Trong quý 4/2023, giá heo hơi trung bình cả nước phần lớn dao động dưới mức 50,000 đồng/kg, thấp hơn nhiều so với giai đoạn trước đó. Cộng thêm tình trạng nhập lậu heo giá rẻ, áp lực cho nhóm chăn nuôi tiếp tục gia tăng.

Thống kê từ VietstockFinance trong quý 4/2023 với 6 doanh nghiệp mạnh về chăn nuôi heo, có 3 doanh nghiệp báo lãi tăng (1 chuyển lỗ thành lãi), 1 cái tên giảm lợi nhuận và 2 gương mặt thua lỗ.

Kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp chăn nuôi heo trong quý 4

Doanh nghiep nganh chan nuoi: Buc tranh sang nam 2024?

Dẫn đầu về lợi nhuận tăng trưởng là Hoàng Anh Gia Lai (HAG) của doanh nhân Đoàn Nguyên Đức (“bầu Đức”). Trong quý 4, HAG lãi ròng tới hơn 1 ngàn tỷ đồng, gấp 3.5 lần cùng kỳ.

Tuy vậy, mức tăng này hầu hết từ hoạt động tài chính. Cụ thể, doanh thu tài chính của HAG gấp 3.6 lần cùng kỳ, ở mức 295 tỷ đồng, do Công ty thanh lý một số khoản đầu tư. Bên cạnh đó là việc được miễn giảm tới hơn 1.4 ngàn tỷ đồng lãi vay từ Eximbank (EIB), giúp chi phí tài chính ghi âm 996 tỷ đồng. Còn đối với mảng chăn nuôi, doanh số bán heo quý 4 ghi nhận giảm 34%, còn 465 tỷ đồng.

Khoản lợi nhuận từ quý 4 cũng giúp tình hình lũy kế của HAG khả quan hơn. Doanh nghiệp báo lãi 2023 hơn 1.7 ngàn tỷ đồng, tăng trưởng 51% so với năm trước.

Đáng chú ý, vào thời điểm cuối năm 2023, HAG đã thông qua việc thoái vốn khỏi Bapi HAGL - đơn vị phân phối sản phẩm “heo ăn chuối”. Theo đó, HAG muốn chuyển nhượng toàn bộ 2.75 triệu cp Bapi HAGL, mệnh giá 10,000 đồng/cp, tương đương 27.5 tỷ đồng. Sau khi Công ty hoàn tất thủ tục chuyển nhượng toàn bộ cổ phần Bapi HAGL, Bapi HAGL sẽ không còn là công ty liên kết của HAG. Chưa rõ việc thoái vốn này là động thái muốn cắt giảm hoạt động tại mảng chăn nuôi heo hay chỉ là HAG muốn tập trung hơn vào mảng chăn nuôi heo bán buôn.

Trong khi đó, Dabaco (DBC) chỉ lãi nhẹ 6 tỷ đồng (cùng kỳ lỗ 79 tỷ đồng). Nguyên nhân cũng không nhờ mảng chăn nuôi, mà từ khoản lợi nhuận khác 16 tỷ đồng. Nếu không có khoản thu nhập này, Doanh nghiệp đã phải báo lỗ trong quý 4.

Lũy kế cả năm, Dabaco lãi 25 tỷ đồng, gấp 5 lần năm trước. Tuy vậy, mức tăng trưởng lợi nhuận mạnh chủ yếu là do tình hình năm 2022 cũng rất tệ. Nhìn chung, bức tranh kinh doanh của “trùm chăn nuôi” vẫn bị đánh giá là khó khăn, trong bối cảnh dịch bệnh trên đàn gia súc vẫn bùng phát ở nhiều địa phương trong cả nước, nhu cầu tiêu dùng tiếp tục giảm và giá heo hơi đang trong giai đoạn dò đáy. Nếu không tính năm 2022 thì đây là giai đoạn kinh doanh tệ nhất của “trùm chăn nuôi” Việt trong 15 năm qua.

Chỉ HPG báo kết quả thực sự tích cực, khi mảng nông nghiệp mang về 88 tỷ đồng lợi nhuận (cùng kỳ lỗ 34 tỷ đồng). Lũy kế cả năm, mảng này lời 181 tỷ đồng, gấp 8 lần năm trước.

Ở nhóm đi lùi, Vissan (VSN) lãi 19 tỷ đồng trong quý 4, chưa bằng 1/2 cùng kỳ. Lũy kế cả năm, Doanh nghiệp báo lãi 107 tỷ đồng, thấp hơn năm trước 22%. VSN cho biết, hoạt động sản xuất kinh doanh năm qua chịu tác động bất lợi của nhiều yếu tố khách quan ngoài dự báo (kinh tế vĩ mô, căng thẳng địa - chính trị thế giới, cắt giảm chi tiêu do kinh tế khó khăn…). Cuối năm 2023, xác định không thể hoàn thành mục tiêu từ ĐHĐCĐ, VSN phải quyết định giảm 24% kế hoạch lợi nhuận.

Doanh nghiệp “heo ăn chay” BAF thậm chí lỗ 31 tỷ đồng (cùng kỳ lãi ròng 7 tỷ đồng), cũng là quý đầu tiên báo lỗ kể từ khi lên sàn. Doanh nghiệp cho biết, giá thức ăn chăn nuôi cao từ đầu và giữa năm có độ trễ và phản ánh vào quý 4/2023, trong khi giá heo tạo đáy trong kỳ kéo doanh thu giảm sâu.

Lũy kế cả năm 2023, BAF chỉ lãi ròng 20 tỷ đồng, giảm khoảng 93% so với năm trước và cũng không thể hoàn thành kế hoạch thông qua từ ĐHĐCĐ 2023.

Masan Meatlife (MML) - đơn vị kinh doanh thịt heo của Masan - có quý thứ 6 liên tiếp báo lỗ, với khoản lỗ ròng 68 tỷ đồng (cùng kỳ lỗ 143 tỷ đồng). Việc lỗ thấp hơn cùng kỳ nhờ có thêm doanh thu từ mảng thịt chế biến. Dẫu vậy, cả năm, MML lỗ tới 386 tỷ đồng (lỗ ròng năm trước là 145 tỷ đồng).

Kết quả kinh doanh lũy kế của các doanh nghiệp ngành chăn nuôi heo

Doanh nghiep nganh chan nuoi: Buc tranh sang nam 2024?-Hinh-2

Chờ đợi quý 1/2024

Theo báo cáo từ TPS, Việt Nam nằm trong top 10 quốc gia có mức tiêu thụ thịt heo lớn nhất thế giới. Theo ước tính của OECD, sản lượng thịt heo của Việt Nam dự kiến đạt 4 triệu tấn vào năm 2025 và 4.7 triệu tấn vào năm 2030, tương ứng với mức tăng trưởng bình quân 3.1%/năm. Hiện nay, sản lượng thịt sản xuất trong nước mới chỉ đáp ứng được 95% sức tiêu thụ trong nước.

Vì vậy, lĩnh vực chăn nuôi là ngành có nhiều tiềm năng, đang thu hút sự đầu tư mạnh mẽ từ cả nước ngoài và trong nước. Triển vọng của các doanh nghiệp ngành heo được đánh giá là tích cực trong dài hạn. Trong ngắn hạn cũng có những dấu hiệu cho thấy sự đi lên.

Từ đầu năm 2024, giá heo hơi trung bình cả nước đã có sự phục hồi, có lúc vượt lên trên 56,000 đồng/kg (có những địa phương lên tới 58,000 đồng/kg). Nhu cầu tiêu thụ tăng cao dịp tết Nguyên đán là cơ sở để nhiều doanh nghiệp tin vào kết quả tốt trong quý 1/2024.

Về vấn đề heo nhập lậu, ông Trương Sỹ Bá - Chủ tịch HĐQT BAF - cho là một rủi ro có thể kiểm soát, dựa trên việc các địa phương tăng cường tuần tra, kiểm soát kể từ giữa tháng 1/2023.

Theo Châu An/FILI

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN