Kết quả không nằm ngoài dự đoán của một số nhà thầu, bởi ngay từ giai đoạn mời thầu, Gói thầu đã bị phản ánh định hướng nhà thầu thông qua tiêu chí mang tính độc quyền tại hồ sơ mời thầu (HSMT).
|
Gói thầu số 1 Thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt năm 2024 - 2025 trên địa bàn huyện Tam Bình (tỉnh Vĩnh Long) đã chọn được nhà thầu. Ảnh minh họa: Nhã Chi |
Gói thầu nêu trên có giá 17,197 tỷ đồng, phát hành HSMT từ ngày 9/1 - 1/2/2024, do Công ty CP Tư vấn Xây dựng Mỹ Thuận tư vấn lập HSMT.
Trong thời gian phát hành HSMT, nhiều nhà thầu đã liên tiếp gửi văn bản kiến nghị về HSMT. Theo phản ánh, tính chất của Gói thầu là thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải, không bao hàm việc thực hiện công tác duy trì vệ sinh đường phố, quét gom rác đường phố bằng thủ công, nhưng trong danh mục thiết bị, HSMT lại yêu cầu “xe ô tô quét đường chuyên dụng”.
Việc HSMT yêu cầu thiết bị bắt buộc đối với công việc không có trong hạng mục chào thầu là bất hợp lý, hạn chế nhà thầu tham dự. Đồng thời, các nhà thầu cho rằng, HSMT yêu cầu xe ép rác < 5 tấn, số lượng 10 xe là quá nhiều so với yêu cầu thực tế triển khai Gói thầu, giới hạn nhà thầu tham dự.
Tại tiêu chuẩn đánh giá kỹ thuật, HSMT quy định, nhà thầu có hợp đồng nguyên tắc hoặc biên bản thỏa thuận với đơn vị xử lý rác, đảm bảo điều kiện thực hiện Gói thầu (kèm theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, hợp đồng thuê đất, giấy đăng ký kinh doanh có ngành nghề xử lý rác thải… của đơn vị xử lý rác).
Trường hợp nhà thầu là đơn vị có chức năng xử lý thì cung cấp tài liệu chứng minh bãi đổ thải do nhà thầu quản lý (giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, hợp đồng thuê đất, giấy đăng ký kinh doanh có ngành nghề xử lý rác thải…).
Trong khi đó, theo chỉ đạo của UBND tỉnh Vĩnh Long, kể từ năm 2024, toàn bộ rác thải sinh hoạt tại các địa phương bao gồm: TP. Vĩnh Long, huyện Long Hồ, huyện Bình Tân, thị xã Bình Minh, huyện Trà Ôn, huyện Tam Bình đều được vận chuyển về Khu xử lý rác thải Hòa Phú, huyện Long Hồ (do Công ty CP Công trình công cộng Vĩnh Long là đơn vị vận hành, chôn lấp).
Theo đó, các nhà thầu cho rằng, yêu cầu trên vô hình trung tạo lợi thế cạnh tranh tuyệt đối cho đơn vị này, vi phạm khoản 2 Điều 12 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP.
Phản hồi kiến nghị của các nhà thầu, Chủ đầu tư cho biết, do Gói thầu bao hàm cả công tác xử lý rác thải (chiếm khoảng 20% dự toán gói thầu), do đó, yêu cầu như tại HSMT là phù hợp. Các tiêu chí đưa ra đều nhằm đảm bảo việc thực hiện Gói thầu đạt chất lượng cao, đáp ứng các tiêu chuẩn môi trường, trên cơ sở sự phù hợp với yêu cầu của địa phương.
Thực tế cho thấy, nhà thầu duy nhất nộp hồ sơ dự thầu và trúng thầu là Công ty CP Công trình công cộng Vĩnh Long, với giá trúng thầu 16,75 tỷ đồng.
Theo tìm hiểu, Công ty CP Công trình công cộng Vĩnh Long được lựa chọn thực hiện các gói thầu tương tự tại Vĩnh Long thời gian gần đây, bao gồm: Gói thầu Thu gom rác sinh hoạt từ thùng rác vận chuyển đến địa điểm đổ rác và chi phí xử lý rác trên địa bàn huyện Tam Bình năm 2023 (6,791 tỷ đồng); Gói thầu Dịch vụ thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt quý IV/2023 trên địa bàn TP. Vĩnh Long (10,992 tỷ đồng); Gói thầu Thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt từ năm 2022 trên địa bàn huyện Mang Thít (9,793 tỷ đồng); Gói thầu Thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn TP. Vĩnh Long năm 2022 (25,723 tỷ đồng)...
Trao đổi với Báo Đấu thầu, một chuyên gia đấu thầu nêu quan điểm, xử lý rác thải là công việc mang tính đặc thù, thường được thực hiện thông qua nhà đầu tư do chính quyền địa phương chấp thuận theo Luật Đầu tư và các luật khác có liên quan. Điều này có nghĩa, công tác xử lý rác thải thuộc phạm vi của chính quyền địa phương với nhà đầu tư.
Do vậy, việc đưa loại việc kèm chi phí này vào HSMT đôi khi phát sinh bất cập, trong đó có thể kể đến việc tạo lợi thế cho chính nhà đầu tư/đơn vị được trao quyền vận hành khu xử lý rác thải tại địa phương như tình huống trên.