Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cho rằng triển vọng tăng trưởng của CTCP Thế giới số (Digiworld, HoSE: DGW) chậm lại.
Nhìn vào kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp bán lẻ có thể nhận thấy sức mua đã tạo đáy vào quý 2/2023 và đang dần hồi phục nửa cuối năm. Các số liệu vĩ mô cũng đã bắt đầu có những tín hiệu khởi sắc, các chỉ số đã có dấu hiệu tạo đáy, xuất khẩu bước đầu hồi phục, lạm phát hạ nhiệt. Dự báo sức mua sẽ tiếp tục hồi phục trong thời gian tới, tuy nhiên tốc độ hồi phục sẽ rất chậm so với dự kiến. Tốc độ hồi phục sức mua sẽ quyết định triển vọng kinh doanh của các nhà bán lẻ từ đó ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình kinh doanh của DGW.
Các nhà bán lẻ cũng đã giảm tồn kho về mức khá thấp, tuy nhiên nhìn vào động thái của các nhà bán lẻ đều cho thấy sự thận trọng của họ trong thời gian tới, thay vì nhập ồ ạt họ sẽ quản trị tồn kho một cách hợp lý để duy trì dòng tiền và tránh rủi ro không bán được hàng dẫn đến mất giá sản phẩm (FRT có tỷ lệ hàng tồn kho lớn do trong thời gian vừa qua liên tục mở rộng chuỗi Long Châu phải nâng tồn kho mảng thuốc, thực tế tồn kho ICT cũng đang về mức khá thấp).
Ngành hàng chủ lực của DGW là ICT bao gồm điện thoại và laptop gặp nhiều khó khăn trong thời gian qua do ảnh hưởng của suy giảm sức mua lên các sản phẩm không thiết yếu. Doanh thu giảm mạnh so với cùng kỳ một phần do sức mua yếu và do mức nền rất cao của cùng kỳ (nhu cầu ICT cao đột biến trong và ngay sau đại dịch).
Ngành hàng laptop sau nửa đầu năm giảm mạnh do mức nền cao đã lấy lại doanh thu so với cùng kỳ. Ở quý 3 do nhu cầu mua sắm cao điểm vào mùa tựu trường khá thiết yếu làm doanh thu không sụt giảm nhiều, kết thúc quý 3 ngành hàng laptop đã đạt 88% kế hoạch. Dù quý 4 không phải là mùa cao điểm của laptop nhưng dự báo công ty sẽ hoàn thành kế hoạch trong quý 4.
Ngành hàng điện thoại sau 3 quý mới chỉ hoàn thành 67% kế hoạch, các dòng điện thoại phân khúc tầm thấp và trung bị ảnh hưởng do phân khúc khách hàng đối với các sản phẩm này bị ảnh hưởng lớn bởi kinh tế giảm tốc, các dòng sản phẩm phân khúc cao (iPhone) ít ảnh hưởng hơn. Thời điểm quý 4 là thời điểm ra mắt iPhone thế hệ mới thường là thời điểm bùng nổ doanh số điện thoại, ngoài ra năm nay nguồn cung iPhone đã trở nên ổn định hơn so với thời điểm năm ngoái khi Trung Quốc thực hiện chính sách Zero Covid làm nguồn cung bị ảnh hưởng. Dự báo doanh thu điện thoại trong quý 4 sẽ tăng trưởng dương so với cùng kỳ nhờ đảm bảo nguồn cung iPhone ổn định.
Sức mua giảm mạnh và phục hồi chậm ảnh hưởng kết quả kinh doanh 2023, dự báo DGW sẽ lấy lại đà tăng trưởng
Chiến lược của DGW giai đoạn tới là tiếp tục phát triển theo chiều ngang, liên tục phân phối thêm nhãn hàng mới cũng như gia nhập ngành hàng mới. Nhờ lợi thế của mô hình MES sau khi hoàn thiện chuỗi cung ứng của một ngành hàng, DGW sẽ tiếp tục tìm kiếm những nhãn hàng tiếp theo ở cùng ngành hàng đó hoặc có thể tiếp tục phát triển những ngành hàng mới nhờ tận dụng hệ thống logistic và kênh phân phối có sẵn.
Trong quý 3 vừa qua và trong thời gian tới, DGW đã bắt tay hợp tác với nhiều thương hiệu.
Theo đó, với ngành hàng điện thoại di động DGW có thêm thương hiệu ZTE thuộc phân phúc giá rẻ. Với lộ trình Bộ Thông tin và Truyền thông đặt mục tiêu dừng công nghệ di động 2G chậm nhất đến tháng 9/2024, DGW liên tục tìm kiếm những dòng điện thoại giá rẻ có thể thay thế các sản phẩm điện thoại 2G đón đầu làn sóng này. Theo thống kê đến thời điểm hiện tại vẫn còn hơn 20 triệu máy điện thoại sử dụng 2G và sau khi tắt sóng 2G sẽ gần như phải thay thế hoàn toàn, đây là cơ hội cho DGW để phân phối các dòng smartphone giá rẻ thay thế cho các dòng điện thoại cũ sử dụng 2G. Với danh mục điện thoại giá rẻ của các hãng như Xiaomi, TCL và mới đây là ZTE, DGW cho thấy họ có sự chuẩn bị kĩ càng để đón đầu làn sóng này.
Đối với ngành hàng thiết bị gia dụng, DGW dự kiến trong năm 2024 sẽ phân phối thêm sản phẩm máy điều hòa nhiệt độ và tủ lạnh thương hiệu Xiaomi. Như dự đoán của KBSV, sau khi DGW và Xiaomi hợp tác thành công với mảng điện thoại, Xiaomi sẽ tiếp tục đưa những sản phẩm của mình vào thị trường Việt Nam thông qua đối tác tin cậy nhất là DGW với hầu hết sản phẩm độc quyền phân phối bởi DGW. Với danh mục sản phẩm đa dạng cùng mức giá hợp lý đã chứng minh thành công tại nhiều thị trường, các sản phẩm của Xiaomi dự báo sẽ tiếp tục mang lại thành công, ngày càng đóng góp doanh thu đáng kể cho DGW. Ngành hàng này đang tạm thời gặp khó khăn do sức mua các sản phẩm không thiết yếu sụt giảm mạnh, tuy nhiên trong tương lai với danh mục sản phẩm đang có cùng với tiềm năng lớn ở nhiều nhóm sản phẩm, dự kiến sẽ có sự tăng trưởng ổn định đóng góp doanh thu cho DGW.
Đối với ngành hàng tiêu dùng, DGW mới hợp tác thêm với thương hiệu Mitsuei Nhật Bản, đây là thương hiệu đã có tuổi đời 50 năm và chiếm thị phần thứ 2 ở Nhật Bản. Sau khi thiết lập mối quan hệ với các đối tác bán lẻ trong ngành hàng này, DGW liên tục hợp tác thêm với các nhãn hàng mới. Đặc thù ngành hàng FMCG ở Việt Nam thị phần các nhãn hàng lớn chiếm phần lớn (Unilever, P&G, Pepsico, Sabeco). Các nhãn hàng này đã có mặt lâu năm và rất quen thuộc với người tiêu dùng, hơn nữa kênh phân phối của các nhãn hàng rộng khắp và đi đến từng ngõ ngách. Do đó các nhãn hàng mới hợp tác với DGW trong ngành hàng tiêu dùng sẽ cần thời gian để xâm nhập thị trường và chứng minh độ hiệu quả.
Ngành hàng thiết bị văn phòng, DGW sẽ phân phối sản phẩm của thương hiệu Belkin gồm các sản phẩm tai nghe và cáp sạc thuộc phân khúc tầm trung và cao cấp. Ngành hàng này là ngành hàng có triển vọng nhất sau 2 ngành hàng chủ lực là điện thoại và laptop. Với danh mục sản phẩm đa dạng cả vật lý và phi vật lý của nhiều nhãn hàng hàng đầu thế giới như Microsoft, Apple, Logitech... phù hợp với nhiều nhu cầu và phân khúc khác nhau. Với thị phần chỉ chiếm khoảng 5%, dư địa tăng trưởng là rất lớn. DGW cũng mới gia nhập ngành thiết bị công nghiệp sau khi mua lại Achison, ngành hàng này cũng có dư địa tăng trưởng lớn khi hưởng lợi từ làn sóng FDI, dịch chuyển nhà máy và còn cộng hưởng với hệ sinh thái hiện có. Khi nền kinh tế phục hồi, các ngành hàng này sẽ có những tăng trưởng mạnh mẽ, đóng góp đáng kể vào doanh thu toàn công ty.
KBSV cho rằng sức mua giảm mạnh vào nửa đầu năm và phục hồi chậm vào nửa cuối năm 2023 ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của DGW. KBSV dự báo cả năm 2023 doanh thu thuần của DGW đạt 19.857 tỷ đồng (giảm 10% so cùng kỳ), biên lợi nhuận gộp giảm nhẹ đạt mức 7,4% cả năm. Lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 392 tỷ (giảm 43% so cùng kỳ) do sức mua yếu, công ty phải hỗ trợ các chi phí quảng cáo cho các nhà bán lẻ làm lợi nhuận giảm.
Dự báo trong năm 2024, với kỳ vọng hồi phục từ ngành hàng ICT cùng với tiềm năng từ các ngành hàng mới, DGW sẽ lấy lại đà tăng trưởng.
|
KBSV dự phóng KQKD DGW giai đoạn 2022-2024F |
2024 sẽ là một năm hồi phục với DGW tuy còn nhiều yếu tố bỏ ngỏ
Trong khi đó, Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho rằng bức tranh hồi phục năm 2024 còn nhiều gam màu chưa rõ nét.
VCBS cho rằng 2024 sẽ là một năm hồi phục với DGW tuy còn nhiều yếu tố bỏ ngỏ.
|
VCBS dự phóng kết quả kinh doanh của DGW |
Theo đó về doanh thu thuần, động lực phục hồi sẽ đến từ nhu cầu thay mới laptop (tăng 16% so cùng kỳ) và tăng trưởng mảng gia dụng (tăng 66% so cùng kỳ). Tuy nhiên, mảng doanh thu lõi điện thoại (40% doanh thu thuần) dự kiến hồi phục chậm (tăng 9% so cùng kỳ) do nhu cầu cho sản phẩm này chưa có động lực hồi phục rõ ràng.
Về lợi nhuận, biên lợi nhuận mảng ICT có thể thiết lập mặt bằng mới thấp hơn sau cuộc chiến giá 2023 (giảm 80 – 100 bps) sẽ tiếp tục tiêu cực đến lãi ròng DGW trong 2024. Tuy nhiên, việc dịch chuyển cơ cấu dần sang các mảng mới (HA, OE, CE) có biên cao sẽ hỗ trợ DN trong dài hạn.
Hiện nay DGW đang được giao dịch ở mức P/E fwd 2024F là 18.4 lần, cao hơn mức trung bình 5 năm gần nhất là 11.x. VCBS cho rằng đây chưa phải là một mức hấp dẫn ngay cả khi xét trên kì vọng phục hồi lợi nhuận doanh nghiệp trong 2024F.