Tổng CTCP Bia Rượu Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco, HoSE: SAB) công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 2/2021 với doanh thu thuần 7.226 tỷ đồng, nhích nhẹ 1% so cùng kỳ.
Giá vốn chiếm 4.963 tỷ nên lợi nhuận gộp vẫn đạt 2.263 tỷ đồng, tăng 3% so cùng kỳ. Tương ứng tỷ suất lãi gộp biên đạt 31,3% so mức 30,9% của cùng kỳ.
Kỳ này, doanh thu tài chính của Sabeco giảm nhẹ 4% về mức 217 tỷ đồng. Tuy nhiên lại được hoàn nhập hơn 7 tỷ đồng chi phí tài chính, trong khi cùng kỳ chiếm 19 tỷ đồng.
Ngược lại, Sabeco ghi nhận lãi từ liên doanh liên kết lao dốc 78% xuống gần 13 tỷ đồng.
Trong khi chi phí bán hàng tăng mạnh 39% lên 1.100 tỷ đồng, trong đó chi phí quảng cáo khuyến mại gấp 1,6 lần lên 1.246 tỷ đồng. Chi phí quản lý được cắt giảm mạnh 54% còn 96 tỷ đồng.
Cuối cùng, Sabeco ghi nhận 1.071 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, giảm 12% so cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ ghi nhận gần 999 tỷ đồng, giảm 14% so cùng kỳ.
Theo Sabeco, sự bùng phát làn sóng thứ 4 của dịch bệnh Covid-19 đã làm ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của công ty.
Luỹ kế 6 tháng, doanh thu của Sabeco lại tăng 9% lên mức 13.087 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế tăng 6% lên 2.057 tỷ đồng. Lãi ròng 6 tháng 1.919 tỷ, tăng nhẹ gần 3%. Với mức lãi đó, Sabeco ghi nhận lợi nhuận sau thuế chưa phân phối lên tới con số 13.255 tỷ đồng.
Trong 6 tháng, Sabeco cho biết đã thực hiện nhiều giải pháp toàn diện để tối ưu hoá việc quản lý kinh doanh và tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động bán hàng, từ đó góp phần giảm thiểu ảnh hưởng từ làn sóng thứ 3 và thứ 4 của đại dịch Covid-19 và nâng cao hiệu quả kinh doanh.
Tại ngày 30/6/2021, tổng tài sản của Sabeco tăng thêm 1.185 tỷ lên 28.560 tỷ đồng, trong đó chiếm lớn nhất là đầu tư tài chính ngắn hạn (tiền gửi ngân hàng) với 15.290 tỷ đồng; hàng tồn kho tăng nhẹ lên 1.643 tỷ đồng. Ngoài ra, Sabeco đã đầu tư 1.936 tỷ đồng vào liên doanh liên kết nhưng cũng phải dự phòng tới 413 tỷ đồng.
Trong cơ cấu vốn, Sabeco đang vay nợ ngắn hạn 363 tỷ và dài hạn là 455 tỷ đồng, đều giảm nhẹ so đầu kỳ.