‘Dấu ấn’ ông Trịnh Thanh Huy sau thâu tóm khiến Descon và Beton 6 phá sản

Trước khi Beton 6 phá sản, Descon do nhóm ông Trịnh Thanh Huy thâu tóm cũng đã bị nhà cung cấp là Siam City Cement Ltd kiện khiến Toà án Nhân dân TP HCM quyết định mở thủ tục phá sản hồi tháng 12/2018.

CTCP Beton 6 (UPCoM: BT6) đã làm thủ tục phá sản gửi đến cơ quan chức năng và đang chờ giải quyết. Hiện, toàn bộ tài sản trong công ty đều bị ngân hàng niêm phong để siết nợ với khoản nợ lên đến hơn nghìn tỷ đồng. Người lao động nghỉ việc chưa được trả trợ cấp với số tiền hàng tỷ đồng.

Trước đó, vào tháng 11/2019, Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam (DATC) cho biết đang xây dựng phương án mua, xử lý khoản nợ tại Beton 6.

VietinBank, Vietcombank và NCB đang “mắc kẹt” hàng trăm tỷ tại Beton 6

Theo công bố gần đây nhất là báo cáo tài chính quý 3/2019, ghi nhận 9 tháng 2019 Beton 6 lỗ ròng 42 tỷ đồng, tăng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối lên mức âm 385 tỷ đồng, vượt cả vốn góp của chủ sở hữu là 330 tỷ đồng.

Tại thời điểm 30/9/2019, tổng tài sản của Beton 6 giảm xuống còn 909 tỷ đồng, trong đó đầu tư tài chính dài hạn chiếm 234 tỷ đồng nhưng cũng phải trích lập gần 120 tỷ đồng; hàng tồn kho ở mức cao 122 tỷ đồng và phải dự phòng giảm giá 3,5 tỷ đồng; phải thu ngắn hạn khách hàng 420 tỷ đồng. Tiền mặt chỉ còn vỏn vẹn gần 2 tỷ đồng.

Beton 6 vay nợ tài chính ngắn và dài hạn lần lượt là 348 tỷ đồng và 2,6 tỷ đồng. Trong đó, Beton 6 vay của VietinBank nhiều nhất với 188 tỷ đồng, tiếp theo là Vietcombank gần 64 tỷ, Eximbank 63 tỷ, NCB gần 30 tỷ. Các khoản vay này là tín chấp và được đảm bảo bằng các khoản phải thu khách hàng cũng như quyền đòi nợ từ các hợp đồng thi công và các tài sản máy móc. 

Các khoản vay này đã quá hạn thanh toán do "Công ty đang gặp khó khăn về tài chính nên chưa có luồng tiền để thanh toán", Beton 6 cho biết.

Đối với nợ vay tài chính dài hạn, Beton 6 chỉ còn 2,6 tỷ đồng chủ yếu từ Công ty TNHH Cho thuê tài chính quốc tế Việt Nam (2,2 tỷ) và Công ty TNHH MTV Cho thuê tài chính Ngân hàng Á Châu (326 triệu đồng). 

‘Dau an’ ong Trinh Thanh Huy sau thau tom khien Descon va Beton 6 pha san
 Những ngân hàng đang cho Beton 6 vay nợ tại thời điểm 30/9/2019.

Trước đó, không chỉ tại báo cáo tài chính 2018 mà báo cáo bán niên 2019 của Beton 6 cũng bị đơn vị kiểm toán từ chối đưa ra kết luận. 

Cụ thể, đơn vị kiểm toán cho biết không thể đánh giá khả năng thu hồi các khoản công nợ phải thu quá hạn thanh toán là hơn 40 tỷ đồng cũng như số dư dự phòng cần trích lập cho các khoản nợ phải thu quá hạn này. 

Thêm vào đó, kiểm toán không đánh giá được giá trị thuần có thể thực hiện cũng như mức dự phòng cho khoản hàng tồn kho chậm luận chuyển và hàng hoá tồn lâu theo sổ sách là gần 33 tỷ đồng.

6 tháng 2019, Beton 6 lỗ hơn 36 tỷ đồng và lỗ luỹ kế tới 379 tỷ đồng, nợ ngắn hạn lớn hơn tài sản ngắn hạn số tiền 345 tỷ đồng. Do đó, đơn vị kiểm toán không thu thập được đầy đủ bằng chứng để đánh giá khả năng hoạt động liên tục của Beton 6. 

Đồng thời, kiểm toán cũng nhấn mạnh, hiện Beton 6 không thể sử dụng hoá đơn do đã bị Cục thuế tỉnh Bình Dương cưỡng chế thi hành bằng biện pháp thông báo hoá đơn không còn giá trị sử dụng do không chấp hành tiền nợ thuế, phạt và chậm nộp hồi tháng 11/2018. 

Ngoài ra, năm 2018, Beton 6 đã đầu tư 118 tỷ đồng vào CTCP 3D nhưng cũng phải dự phòng 100% do đánh giá không có khả năng thu hồi. 

Với khoản đầu tư 200 tỷ đồng, tương đương 44,44% vốn vào CTCP Xây dựng và Kỹ thuật H&B nhưng giá trị còn lại của tài sản góp vốn chỉ 5,6 tỷ đồng và theo giá trị định giá lại, hiện Beton 6 vẫn chưa thực hiện thủ tục để chuyển quyền sở hữu các tài sản góp vốn cho bên nhận góp vốn.

‘Dau an’ ong Trinh Thanh Huy sau thau tom khien Descon va Beton 6 pha san-Hinh-2
Ông Trịnh Thanh Huy đều giữ những vị trí quan trọng tại HB Group, Descon và Beton 6 
Descon và Beton 6 phá sản và "dấu ấn" ông Trịnh Thanh Huy

Beton 6 được thành lập năm 1958, Công ty từng là một trong những doanh nghiệp hàng đầu tại khu vực phía Nam trong lĩnh vực sản xuất cấu kiện bê tông đúc sẵn cung ứng cho các công trình cầu đường. Công ty cũng tiên phong chào sàn từ đầu năm 2002 và một thời gian dài được nhiều nhà đầu tư lớn (đặc biệt nhà đầu tư nước ngoài) ưa thích. 

Đáng chú ý, năm 2008, nhóm nhà đầu tư chiến lược HB Group đã nhảy vào Beton 6 với sự tham gia vào HĐQT của ông Trịnh Thanh Huy (cũng chính là Chủ tịch HĐQT HB Group).

Tuy nhiên, không biết tình hình cải tổ Beton 6 của nhóm nhà đầu tư mới này như thế nào mà công ty bắt đầu sa sút kể từ năm 2010-2011.

Và tới năm 2017, Beton 6 chính thức báo lỗ 139 tỷ đồng và năm 2018 tăng lên 323 tỷ đồng.

Với tình hình kinh doanh bi đát, năm 2015, Beton 6 quyết định hủy niêm yết cổ phiếu trên HoSE, và tới tháng 3/2017 mới trở lại sàn UPCoM. Hiện cổ phiếu BT6 đang giao dịch èo uột với mức giá 1.300 đồng/cp với thanh khoản hầu như không có. 

Nói thế để thấy rằng “mắt xích” quan trọng trong Beton 6 chính là Thành viên HĐQT Trịnh Thanh Huy (nắm giữ gần 14% vốn tại Beton 6 hồi năm 2016 và đã giảm xuống 1% năm 2018). 

Ông Huy từng học Học viện kỹ thuật quân sự tại Nga và là người cùng ông Nguyễn Đăng Quang và Hồ Hùng Anh xây dựng Tập đoàn Masan thành công tại Nga trước khi về Việt Nam. Ông Huy từng là Phó Chủ tịch Tập đoàn Masan từ năm 1997 đến năm 2002.

Sau khi về nước, ông Huy đã tham gia thâu tóm một số công ty trên sàn chứng khoán như Bê tông 620 Châu Thới (Beton 6 hiện nay) và Xây dựng Công nghiệp Descon (DCC) gây rất nhiều ồn ào khi đó. 

Ngoài ra, ông Huy cùng với nhóm Kusto đã tham gia thành lập công ty Bình Thiên An - chủ đầu tư dự án Đảo Kim Cương (vốn đầu tư hơn 400 triệu USD) và Metropolis Thảo Điền (hơn 600 triệu USD) tại TP.HCM.

Ông Huy chính là Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc CTCP Bất động sản Bình Thiên An (BTA), và là Phó Chủ tịch kiêm Thành viên hội đồng sáng lập của CTCP Thương mại Đầu tư HB.

Trước khi Beton 6 phá sản, Descon do nhóm ông Trịnh Thanh Huy thâu tóm cũng đã bị nhà cung cấp là Siam City Cement Ltd kiện khiến Toà án Nhân dân TP HCM quyết định mở thủ tục phá sản hồi tháng 12/2018.

Điều này có lẽ cũng dễ hiểu khi mà nhìn vào chỉ số tài chỉnh của Descon tại thời điểm cuối năm 2017 cho thấy, tổng tài sản của Descon là 2.862 tỷ đồng, tăng 44,8% so với năm 2016. Lãi sau thuế đạt 24,6 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm trước chỉ có 8,4 tỷ.

Mặc dù lợi nhuận tăng, tuy nhiên tổng các khoản nợ Công ty phải trả lên đến 2.372 tỷ đồng, tăng gần 900 tỷ đồng so với năm trước, trong đó vay ngắn hạn tăng 271 tỷ và vay dài hạn tăng 590 tỷ.

Tại ngày 31/12/2017, Descon có vốn điều lệ 356 tỷ đồng trong đó cổ đông lớn là ông Trịnh Thanh Huy góp vào 200 tỷ đồng tương ứng với tỷ lệ 56,2%. Ông Huy cũng từng là Thành viên HĐQT Descon và từ nhiệm vào năm 2012 sau khi đưa cổ phiếu DCC rời khỏi sàn chứng khoán năm 2011.
Minh An

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN