Cuối ngày 12/5, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) ban hành một loạt quyết định điều chỉnh các mức lãi suất, có hiệu lực từ ngày 13/5.
Theo đó, NHNN giảm lãi suất tái cấp vốn từ 5.0%/năm xuống 4.5%/năm, lãi suất tái chiết khấu từ 3.5%/năm xuống 3%/năm; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với các ngân hàng từ 6.0%/năm xuống 5.5%/năm; lãi suất chào mua giấy tờ có giá qua nghiệp vụ thị trường mở từ 3.5%/năm xuống 3.0%/năm.
Lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng giảm từ 0.5%/năm xuống 0.2%/năm; lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 đến dưới 6 tháng giảm từ 4.75%/năm xuống 4.25%/năm.
Lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của TCTD giảm từ 5.5%/năm xuống 5.0%/năm.
Theo Chứng khoán BIDV (BSC), động thái giảm lãi suất điều hành của NHNN đồng điệu với NHTW các nước khác trong khu vực và trên thế giới.
Trong tháng qua, thị trường tài chính thế giới phục hồi mạnh mẽ. Tuy nhiên, nhiều nguy cơ tiềm ẩn gây biến động vẫn hiện hữu. Đồng thời, điều kiện vĩ mô của các nước chủ chốt đều suy giảm mạnh do tác động của lệnh giãn cách, phòng chống dịch bệnh Covid-19, và khó có thể hồi phục nhanh chóng. Đáng ngại hơn, nguy cơ dịch bệnh tái bùng phát vẫn hiện hữu.
Như vậy, việc giảm lãi suất của NHNN phù hợp với điều kiện vĩ mô thế giới cùng điều kiện vĩ mô nội địa, khi lạm phát – hỗ trợ bởi giá dầu – giảm mạnh trong tháng 4 xuống 2.93% so cùng kỳ.
Về đợt giảm lãi suất điều hành hồi tháng 3 vừa qua, BSC cho rằng, việc giảm lãi suất tiền gửi sẽ giúp các ngân hàng tiết kiệm chi phí vốn. Cụ thể, BSC ước tính việc giảm lãi suất tiền gửi này sẽ giúp toàn ngành tiết kiệm được 4,454 tỷ đồng, trong đó ACB (479 tỷ đồng), BIDV (682 tỷ đồng), VietinBank (746 tỷ đồng),..
Việc giảm lãi suất cho vay các ngành nghề ưu tiên sẽ không có tác động nhiều đến các ngân hàng do lãi suất cho vay các ngành nghề ưu tiên ở các ngân hàng đã ở mức thấp hơn mức trần.
BSC cho rằng dịch bệnh làm ảnh hưởng chung đến lợi nhuận các ngành sản xuất và dịch vụ (hiện chiếm khoảng 82% cơ cấu cho vay), từ đó ảnh hưởng đến khả năng trả nợ của các doanh nghiệp. Với giả định thận trọng, BSC điều chỉnh dự báo tăng nợ xấ của toàn hệ thống lên mức 1.7%, tăng so với mức giả định 1.4% ban đầu. Bên cạnh đó, chi phí trích lập dự phòng cũng điều chỉnh tăng do nhận định việc chất lượng tài sản suy giảm khiến ngân hàngsẽ phải trích lập dự phòng nhiều hơn.