Đà Nẵng liên tục đón dòng vốn đầu tư nước ngoài

Trong những tháng đầu năm 2021, Đà Nẵng liên tục cấp giấy chứng nhận đầu tư cũng như đón nhiều nhà đầu tư nước ngoài đến tìm hiểu cơ hội trong lĩnh vực công nghệ cao.
 
Cuối tháng 1/2021, Ban Quản lý Khu công nghệ cao (CNC) và các khu công nghiệp (KCN) Đà Nẵng (BQL) đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho dự án “Nhà máy sản xuất vật liệu bán dẫn United States Enterprises”, với tổng vốn đầu tư 110 triệu USD, diện tích 102.200 m2. Giai đoạn 1 có quy mô 61.578 m2, vốn đầu tư 66 triệu USD, dự kiến khởi công xây dựng quý II/2021 và hoạt động chính thức vào quý II/2023.
Dự án được đăng ký thực hiện bởi 2 nhà đầu tư ông Ha Vinh Ly và bà Nhe Thi Le (quốc tịch Mỹ), hiện là chủ sở hữu của Công ty HAYWARD QUARTZ TECHNOLOGY INC tại Thung lũng Silicon Mỹ, là nhà cung cấp hàng đầu hỗ trợ tất cả các OEM - Original Equipment Manufacturer (Nhà sản xuất thiết bị gốc) trong phân khúc kinh doanh chất bán dẫn.
Dự án Nhà máy sản xuất vật liệu bán dẫn United States Enterprises nằm trong khu sản xuất của Khu CNC Đà Nẵng, chuyên sản xuất khối silic tinh thể, các chi tiết, cụm chi tiết bằng silic, gốm, thạch anh, đá sa phia, thủy tinh, kim loại, hợp kim, phi kim, nhựa polymer và bằng các vật liệu bán dẫn khác cho các loại máy móc thiết bị sản xuất trong ngành công nghiệp bán dẫn/điện tử như hệ thống máy móc thiết bị để xử lý wafer.
Tiếp theo đó, đầu tháng 2, BQL cũng đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho Công ty TNHH Fujikin International (Nhật Bản) để đầu tư dự án Trung tâm Nghiên cứu, Phát triển và Sản xuất Fujikin Đà Nẵng với tổng vốn đầu tư là 35 triệu USD.
Dự án Trung tâm Nghiên cứu, Phát triển và Sản xuất Fujikin Đà Nẵng được xây dựng với mục tiêu nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trong các lĩnh vực khoa học kỹ thuật và công nghệ gồm các thế hệ robot, thiết bị bay không người lái, thiết bị năng lượng Hydro, thiết bị Nano, công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), hệ thống lọc nước, hệ thống tải điện không dây và phát triển vật liệu mới.
Bên cạnh đó, dự án cũng nghiên cứu và phát triển trong lĩnh vực công nghệ thông tin, thiết bị y tế, sản xuất mẫu (thử nghiệm) và sản xuất thiết bị không người lái, robot, thiết bị y tế nhằm mục đích thương mại sản phẩm và công nghệ sau khi nghiên cứu phát triển.
Mới đây, BQL cho biết, đơn vị đã giới thiệu vị trí lô đất A13 – Khu sản xuất công nghệ cao cho Dự án Nhà máy sản xuất máy in 3D, dịch vụ phần mềm, giải pháp thiết kế, sản xuất vật liệu và sản phẩm composite sợi carbon in 3D của AREVO INC. - Hoa Kỳ. Trước đó, nhà đầu tư đã đề xuất Dự án có quy mô vốn 135 triệu USD với diện tích 10,68 ha tại Khu CNC Đà Nẵng.
Theo đó, dự án sản xuất các sản phẩm chính bao gồm nhóm sản phẩm in 3D vật liệu composite sợi carbon nền polymer và nhóm sản phẩm thiết bị, phần mềm in 3D. Công nghệ chính được nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trong Dự án là công nghệ in 3D (hay còn gọi là công nghệ đắp dần) cho phép sản xuất các sản phẩm tiết kiệm vật liệu và thay thế các sản phẩm gia công truyền thống như CNC (theo quy định mới công nghệ gia công CNC không còn nằm trong danh mục công nghệ cao) và công nghệ sản xuất vật liệu composite vợi carbon nhanh.
Dự án áp dụng giải pháp công nghệ tối ưu, sáng tạo giữa sản phẩm và công nghệ cho phép khắc phục nhược điểm, phát huy ưu điểm của vật liệu composite nhờ công nghệ in 3D.
Ông Phạm Trường Sơn, Trưởng Ban Quản lý Khu CNC và các KCN Đà Nẵng cho biết, đây là dự án có quy mô lớn, có sức lan toả, dự kiến mang lại nhiều tác động tích cực đối với sự phát triển của Khu CNC Đà Nẵng trong giai đoạn mới như: Tác động hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, công tác xúc tiến đầu tư, phát triển nguồn nhân lực.
Theo BQL, từ đầu năm 2021 đến nay, Ban Quản lý Khu CNC và các KCN Đà Nẵng đã thu hút được 145 triệu USD nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), nâng tổng vốn đăng ký đầu tư FDI vào Khu CNC Đà Nẵng đạt 536,1 triệu USD. Lũy kế đến nay, Khu công nghệ cao Đà Nẵng đã thu hút được 24 dự án, trong đó có 12 dự án trong nước và 12 dự án FDI. Đây là một tín hiệu tích cực trong việc đẩy mạnh thu hút vốn đầu tư đầu tư FDI của TP. Đà Nẵng trong thời điểm dịch COVID-19 diễn biến phức tạp.
Theo Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Lê Trung Chinh, trong thời gian tới, thành phố sẽ tiếp tục xây dựng và hoàn thiện các thể chế, chính sách về tổ chức bộ máy, đổi mới nâng cao chất lượng, hiệu quả thực thi công vụ. Đồng thời đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách hành chính, trong năm 2021 sẽ hoàn thành trung tâm dữ liệu chung, chia sẻ, tích hợp cho các sở, ngành, địa phương.
Bên cạnh đó, Đà Nẵng cam kết tiếp tục tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng; hỗ trợ các dự án đang hoạt động trên địa bàn thành phố mở rộng hoạt động kinh doanh, tăng vốn đầu tư và tích cực tìm kiếm các dự án tiềm năng để làm cơ sở cho hoạt động xúc tiến và hỗ trợ đầu tư, cấp phép đầu tư trong những năm tiếp theo.
Đặc biệt, trong thời gian tới, TP. Đà Nẵng sẽ ưu tiên thu hút vốn FDI vào các ngành nghề đón đầu cách mạng công nghiệp 4.0 như: công nghiệp ICT, kỹ thuật số, kỹ thuật nano, công nghiệp sinh học, vật liệu mới, các ngành công nghiệp công nghệ cao và công nghiệp phụ trợ...
Ngoài ra, ưu tiên xúc tiến đầu tư vào sản xuất nông nghiệp theo hướng hiệu quả cao, ứng dụng công nghệ, phát triển bền vững; thu hút đầu tư vào các ngành dịch vụ chất lượng cao, góp phần đẩy nhanh tốc độ tái cơ cấu và chuyển dịch cơ cấu kinh tế; chuẩn bị các dự án khả thi để thu hút làn sóng đầu tư từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Hoa Kỳ… sau đại dịch COVID-19.
Theo Nhà đầu tư

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN