Coteccons: Vang danh Landmark 81, mâu thuẫn nội bộ và sự ra đi của nhà sáng lập Nguyễn Bá Dương

Sự việc “dứt áo ra đi” của Chủ tịch HĐQT cũng là nhà sáng lập Nguyễn Bá Dương khiến nhiều người không khỏi tiếc nuối cho một Coteccons đã từng hùng mạnh.

Tối muộn ngày 5/10, CTCP Xây dựng Coteccons (CTD) đã chính thức công bố đơn từ nhiệm của ông Nguyễn Bá Dương – Chủ tịch HĐQT Coteccons. Với nguyện vọng cá nhân, ông Dương sẽ thôi giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT và vai trò thành viên HĐQT kể từ ngày 2/10.

Đồng thời, HĐQT cũng thống nhất bầu ông Bolat Duisenov đảm nhận trọng trách này, trở thành Chủ tịch HĐQT kể từ ngày 5/10.

Ông Nguyễn Bá Dương là người sáng lập và điều hành Coteccons kể từ năm 2004, ban đầu giữ vị trí Tổng Giám đốc và sau đó là Chủ tịch HĐQT Coteccons. Trong hơn 17 năm lãnh đạo, ông đã cùng đội ngũ của mình đạt được nhiều dấu mốc quan trọng, góp phần khẳng định vị thế Công ty xây dựng số 1 Việt Nam.

Coteccons: Vang danh Landmark 81, mau thuan noi bo va su ra di cua nha sang lap Nguyen Ba Duong
Ông Nguyễn Bá Dương chính thức rời khỏi Coteccons.

Những ngày cuối còn gắn bó với Coteccons, ông Nguyễn Bá Dương đã mua vào 555.000 cổ phiếu CTD trong tổng số 1 triệu cổ phiếu đăng ký do "tình hình thị trường diễn biến không thuận lợi". Sau giao dịch, ông Dương nắm hơn 4,45 triệu cổ phiếu, tương đương 5,62% vốn và trở thành cổ đông cá nhân lớn nhất tại Coteccons.

Việc tăng sở hữu được ông Dương thực hiện như cam kết với cổ đông tại phiên họp thường niên cuối tháng 6. Thời điểm đó, một số cổ đông lo ngại cơ cấu HĐQT gồm năm người liên quan đến Kustocem, The8th và hai người Việt là chưa hợp lý bởi nhân sự nước ngoài không có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực xây dựng và thấu hiểu đặc thù thị trường.

Tuy nhiên, ông Dương trấn an đây không phải vấn đề đáng lo ngại, bởi điều quan trọng hiện tại là các thành viên đã ngồi lại và tìm được tiếng nói chung. Tuy nhiên, việc bất ngờ từ nhiệm của ông Dương khiến không ít nhà đầu tư bất ngờ và tiếc nuối. 

Bên cạnh sự việc dứt áo ra đi tại Coteccons thì trong giữa tháng 9, ông Nguyễn Bá Dương đã có đơn từ nhiệm chức vụ Thành viên HĐQT CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk, VNM).

Nguyên nhân ông Nguyễn Bá Dương từ nhiệm là do sức khỏe cá nhân nên không thể sắp xếp đủ thời gian để hoàn thành tốt công việc. Ông Nguyễn Bá Dương là thành viên HĐQT độc lập tại Vinamilk từ tháng 4/2017. Tại Vinamilk, ông Dương còn làm Trưởng ban Lương thưởng và là thành viên trong Tiểu ban Chiến lược.

Dấu ấn tại “toà nhà chọc trời” Landmark 81

Ông Nguyễn Bá Dương sinh năm 1959, tốt nghiệp chuyên ngành Kiến trúc sư xây dựng tại Trường Đại học Xây dựng Kiev – Ucraina năm 1984. Từ năm 1988 -1990, ông Dương công tác tại Công ty Giày Phú Lâm thuộc Bộ Xây dựng.

Từ năm 1990-2002, ông Dương công tác tại Công ty Công Nghiệp nhẹ số 2, Descon. Từ năm 2002, ông Dương đảm nhiệm chức vụ Phó giám đốc Công ty kỹ thuật xây dựng và vật liệu xây dựng (Cotec), một công ty thuộc Bộ Xây dựng và cũng là tiền thân của Coteccons hiện tại.

Coteccons được thành lập ngày 24/8/2004, là công ty xây dựng ra đời từ quá trình cổ phần hóa một công ty thành viên thuộc Tổng công ty Fico.

Năm 2004, ông Nguyễn Bá Dương chính thức giữ vị trí Chủ tịch HĐQT cho đến hiện nay. Sau cổ phần hóa, Coteccons có số vốn điều lệ chỉ 15,2 tỷ đồng, khi Coteccons niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam vào đầu năm 2010, vốn điều lệ đã tăng lên tới 307,5 tỷ đồng, tức gấp 20 lần.

Hiện tại, sau nhiều đợt tăng vốn, vốn điều lệ của Coteccons đã đạt 792,5 tỷ đồng. Tổng tài sản của Coteccons tính đến thời điểm 30/6/2020 là 15.006 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu hơn 8.471 tỷ đồng.

Coteccons: Vang danh Landmark 81, mau thuan noi bo va su ra di cua nha sang lap Nguyen Ba Duong-Hinh-2
 Landmark 81 - Nơi vang danh nhà thầu Coteccons.

Dấu ấn lớn nhất mà ông Trần Bá Dương và Coteccons đạt được đó chính là xây dựng và bàn giao công trình được xem như “biểu tượng của Việt Nam” - Landmark 81 của Tập đoàn Vingroup.

Landmark 81 cao 461,3m với 81 tầng, trở thành tòa nhà cao nhất Việt Nam và nằm trong top 8 công trình chọc trời thế giới. Đây là công trình cao tầng nhất được xây dựng bởi một công ty Việt Nam.

Khoảng đầu tháng 6/2016, khi Coteccons thắng thầu dự án Landmark 81, nhà đầu tư càng phấn khích, tung hô và đặt niềm tin trọn vẹn vào cổ phiếu CTD. Khởi điểm từ những ngày đầu năm 2016 đến trước khi tòa nhà hoàn thành, cổ phiếu CTD vượt vũ bão với mức tăng trưởng gần 109%, chạm đỉnh 231.389 đồng/cp vào ngày 14/11/2017.

Không chỉ được tung hô trên thị trường chứng khoán, kết quả kinh doanh của Công ty cũng đạt được những thành tựu bứt tốc. Đỉnh điểm kết thúc năm 2017, Coteccons xác lập kỷ lục về lợi nhuận với 1.652 tỷ đồng. 

Cũng phải nhìn nhận, trong một thập kỷ trước đó, Coteccons cũng đã thu được kết quả kinh doanh khá khởi sắc so với các doanh nghiệp cùng ngành khi có sự xuất hiện của cổ đông ngoại Kusto Group.

Sau khi được bổ sung nguồn tiền từ phát hành vốn cho Kusto, doanh thu Coteccons cũng ghi nhận đà tăng trưởng nhanh, từ trên 4.000 tỷ đồng giai đoạn 2011-2012 lên tới hơn 27.000 tỷ đồng vào năm 2017, gấp 6 lần sau 5 năm.

Tăng trưởng doanh thu trung bình của nhà thầu xây dựng này giai đoạn 2013-2017 cũng lên tới 45%/năm. Cùng với đó, tăng trưởng lợi nhuận bình quân năm giai đoạn này là 54%/năm.

Trong đó, lợi nhuận đã tăng đột biến vào năm 2015-2016 với mức tăng gấp đôi mỗi năm.

Coteccons: Vang danh Landmark 81, mau thuan noi bo va su ra di cua nha sang lap Nguyen Ba Duong-Hinh-3
 Kết quả kinh doanh của Coteccons trong gần thập kỷ qua.

Lục đục nội bộ và sự trượt dốc của “đế chế xây dựng” Coteccons

Nhưng cũng chính cổ đông ngoại này lại gây rắc rối cho Coteccons. Kể từ năm 2018, Công ty ghi nhận lợi nhuận giảm lần đầu sau 6 năm tăng trưởng liên tiếp.

Kết thúc năm 2019, Coteccons không hoàn thành chỉ tiêu kinh doanh và ghi nhận năm thứ 2 liên tiếp dòng tiền kinh doanh âm, dòng tiền thuần doanh nghiệp cũng âm năm thứ 3 liên tiếp.

Trong quý 1/2020, dù biên lợi nhuận được cải thiện, nhưng lợi nhuận của Coteccons cũng đã giảm về mức thấp nhất 5 năm, dòng tiền kinh doanh âm thêm 427 tỷ đồng, gấp hơn 4 lần cùng kỳ.

Đến quý 2, kết quả kinh doanh của Coteccons được cải thiện hơn nhờ biên lợi nhuận gộp tăng. Cụ thể, lợi nhuận gộp tăng 33% so với cùng kỳ năm trước, lên mức 244 tỷ đồng. Trong đó, biên lợi nhuận gộp cải thiện mạnh từ 3,2% lên mức 6,1%.

Luỹ kế 6 tháng đầu năm, mặc dù bị ảnh hưởng bởi tháng Tết và thực hiện giãn cách xã hội, Công ty vẫn thực hiện được 47% kế hoạch lợi nhuận năm 2020. Cụ thể, Coteccons ghi nhận doanh thu là 7.525 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế là 282 tỷ đồng.

Coteccons: Vang danh Landmark 81, mau thuan noi bo va su ra di cua nha sang lap Nguyen Ba Duong-Hinh-4
 Cái bắt tay ban đầu khi hợp tác giữa Coteccons và Kusto Group.

Đỉnh điểm mâu thuẫn nội bộ tại Coteccons là thời gian trước ĐHĐCĐ thường niên 2020, theo đó sau 8 năm gắn bó, từ mối quan hệ "đối tác chiến lược", Kusto và Coteccons chuyển sang "đối đầu", chủ yếu vì những bất đồng về Ricons (công ty thành viên của Coteccons).

Việc nội bộ các cổ đông của Coteccons “cơm không lành, canh không ngọt” cũng đang được cho là nguyên nhân khiến giá cổ phiếu ông lớn ngành xây dựng này đang chịu nhiều áp lực.

Cổ phiếu CTD lần đầu tiên mất mốc 100.000 đồng/cp trong suốt hơn 3 năm qua (kể từ ngày 15/2/2016) khi đóng cửa tại 99,100 đồng/cp kết phiên 17/6/2019.

Cho đến những phiên giao dịch gần đây, “ngài thị trường” có vẻ như không còn ưu ái cho cổ phiếu CTD khi cổ phiếu này liên tục đóng cửa trong sắc đỏ. Kết phiên sáng 6/10, cổ phiếu CTD cũng chìm trong sắc đỏ với đà giảm gần 2,4% so với thời điểm đầu phiên, đứng ở mức giá 65.400 đồng/cp.

Với việc thay thế bởi Tân Chủ tịch Bolat Duisenov, không biết nhà thầu xây dựng Coteccons sẽ như thế nào trong tương lai?

Anh Nhi

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN