Điều chỉnh là cần thiết để hỗ trợ xu hướng tăng bền vững
Thị trường chứng khoán Việt Nam tăng mạnh trong tháng 8, tháng 9 và có kết quả tốt hơn so với các thị trường chứng khoán khác như Hàn Quốc, Mỹ, Thái Lan. Theo VDSC, diễn biến này đã phản ánh phần nào thông tin tích cực về tăng trưởng GDP quý 3 của Việt Nam so với các nước khác.
Cụ thể, theo báo cáo của Nikkei Asian, Việt Nam đứng đầu Đông Nam Á về kết quả hoạt động kinh tế với mức tăng trưởng GDP quý 3 dương (2,12%) trong khi các nước trong khu vực dự kiến sẽ có GDP thấp hơn hoặc âm.
Một yếu tố đáng chú ý khác làm tăng khả năng điều chỉnh của VN-Index là việc công bố KQKD quý 3 của tất cả các cổ phiếu niêm yết trong tháng 10.
VDSC lo ngại hiệu ứng “Tin ra là bán” sẽ tạo áp lực cho VN-Index khi một số cổ phiếu VN30 (chủ yếu quyết định diễn biến của VN-Index) đã tăng mạnh trong tháng 8 và tháng 9 trước những tin đồn về kết quả kinh doanh khả quan trong quý 3/2020, phát hành riêng lẻ cho cổ đông chiến lược, đặc biệt là ở các cổ phiếu ảnh hưởng đến VN-Index như ngân hàng.
Theo đánh giá từ các chuyên gia phân tích, KQKD của nhóm cổ phiếu ngân hàng trong quý 3 sẽ không tiêu cực như dự đoán, đặc biệt là các ngân hàng tư nhân bao gồm VPB, HDB, TPB, TCB khi được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chấp thuận nới hạn mức tín dụng lên 20%.
Mới đây, NHNN đã công bố quyết định giảm lãi suất điều hành. Tuy nhiên, theo VDSC, điều này sẽ không có tác động đáng kể do một số ngân hàng đã giảm lãi suất trước đó khi có thông tin này.
Hiện tại, VDSC đang xem xét kỹ lưỡng về kết quả cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm nay. Nguyên nhân chính là do tác động của nó đã có tiền lệ trên thị trường chứng khoán Mỹ. Cụ thể, S&P 500 đã tăng 5% trong một tháng sau khi Trump giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2016.
Khi đó, các nhà đầu tư đặt cược vào việc cắt giảm thuế quan và tăng tốc chi tiêu của chính phủ vào cơ sở hạ tầng khi Trump đắt cử. Tuy nhiên, câu chuyện sẽ khác nếu Biden chiến thắng. Ảnh hưởng trực tiếp đến thị trường chứng khoán Việt Nam là khó lường.
VDSC cho rằng thị trường có thể đi ngang trong bối cảnh khối ngoại liên tục bán ròng và hiệu ứng “Tin ra là bán” khi các doanh nghiệp niêm yết công bố KQKD quý 3 trong tháng 10.
Mặt khác, các diễn biến khó lường của thị trường chứng khoán thế giới đến từ kết quả bầu cử Tổng thống, gói kích thích kinh tế mới ở Mỹ và Covid-19 chưa cho thấy tín hiệu lạc quan nào cho VN-Index. Do đó, VDSC cho rằng chỉ số VN-Index có thể dao động trong khoảng từ 865 đến 920 điểm.
Kiên nhẫn chờ đợi cơ hội
Môi trường lãi suất thấp cùng với một loạt các tín hiệu vĩ mô bắt đầu chuyển sang gam màu tích cực hơn đã giúp thị trường chứng khoán Việt Nam nối dài chuỗi tăng điểm trong tháng 9.
Bên cạnh đó, số ca lây lan trong cộng đồng đã nhanh chóng được dập tắt kể từ đầu tháng 9 cũng đã củng cố cho tâm lý nhà đầu tư. Theo đó, VN-Index không hề giảm sâu dù chứng khoán Mỹ có những phiên điều chỉnh mạnh, hay thống kê khối ngoại bán ròng liên tục.
|
Nhà đầu tư nên kiên nhẫn chờ cơ hội. |
Sang tháng 10, NHNN tiếp tục giảm một loạt các lãi suất điều hành cũng như trần lãi suất tiền gửi. Mặc dù tác động thực tế của đợt giảm lãi suất lần này được cho là hạn chế khi mà thanh khoản trong hệ thống ngân hàng vẫn đang rất dồi dào, động thái từ NHNN lần này củng cố thêm quan điểm về tính hấp dẫn của thị trường chứng khoán tương quan với các kênh đầu tư khác như vàng hay bất động sản.
Bên cạnh chính sách tiền tệ nới lỏng, VCSC kỳ vọng rằng chính sách tài khóa sẽ đóng vai trò quan trọng hơn trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới, cũng như tạo tâm lý tích cực hơn trên thị trường chứng khoán.
Tiến độ giải ngân vốn đầu tư công được cải thiện rõ rệt. Lũy kế 9 tháng, giải ngân đầu tư công đạt 485 nghìn tỷ, tăng 13,6% so với cùng kỳ, đây là mức tăng trưởng lũy kế tích cực nhất kể từ năm 2011.
VDSC cho rằng kết quả kinh doanh của các công ty sẽ không quá tệ như dự báo trước đây khi mà các tín hiệu vĩ mô đã cho thấy nhiều tín hiệu tích cực hơn dự kiến trong thời gian qua. Tuy nhiên, các nhóm ngành sẽ có những sự phân hóa.
Kỳ vọng vào KQKD quý 3 khả quan hơn kỳ vọng ở một số nhóm cổ phiếu (tôn mạ, phân bón, chứng khoán và nhóm ngân hàng tư nhân) đã dần được phản ảnh và dẫn dắt giá cổ phiếu tăng mạnh mẽ hơn so với thị trường chung trong những tuần qua.
Ở một khía cạnh khác, điều này cũng hàm ý về khả năng của một đợt điều chỉnh của thị trường khi các thông tin về KQKD dần được hé lộ và bước vào vùng trống thông tin hỗ trợ sau đó.
Bên cạnh đó, VDSC cũng nhận thấy yếu tố rủi ro từ thị trường quốc tế với nhiều biến động trước thềm cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ diễn ra vào đầu tháng 11.
Tựu chung lại, VDSC cho rằng chiến lược đầu tư thận trọng là phù hợp trong giai đoạn này khi mà nhiều giá của nhiều cổ phiếu có thể đã phản ánh sớm KQKD quý 3.
Theo đó, nhà đầu tư nên hiện thực hóa lợi nhuận trong các phiên tăng điểm và kiên nhẫn chờ đợi các nhịp điều chỉnh để giải ngân vào những cổ phiếu có những chuyển biến tích cực hơn trong hoạt động kinh doanh trong khoảng thời gian cuối năm 2020.