Về kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2024, Tân Thuận ghi nhận doanh thu thuần sụt giảm 12% so cùng kỳ, về mức 14 tỷ đồng.
Tuy nhiên đáng kể nhất là doanh thu hoạt động tài chính với 929 tỷ đồng, gấp 2,2 lần cùng kỳ.
Do đó, Tân Thuận đạt lợi nhuận sau thuế 897 tỷ đồng, gấp 2,2 lần mức 402 tỷ đồng của cùng kỳ.
Theo Tân Thuận, vào tháng 3/2024, công ty được nhận 88 tỷ đồng lợi nhuận được chia từ Công ty TNHH Sepzone Linh Trung và đặc biệt là 800 tỷ đồng lợi nhuận được chia từ Công ty TNHH Phú Mỹ Hưng vào tháng 1/2024.
Vậy nhưng, tại thời điểm cuối tháng 6/2024, tổng tài sản của Tân Thuận giảm 1.593 tỷ đồng, xuống còn 4.754 tỷ đồng.
Nguyên nhân lớn nhất do ảnh hưởng từ khoản mục Các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn khi lao dốc 60,6% so mức 2.281 tỷ đồng của đầu kỳ, xuống còn 898 tỷ đồng. Thêm vào đó lượng tiền mặt và các khoản tương đương cũng giảm 96% từ 231 tỷ của đầu năm xuống vỏn vẹn 9 tỷ đồng.
Hàng tồn kho của Tân Thuận vẫn duy trì ở mức 232 tỷ đồng. Trong khi bất động sản đầu tư giảm nhẹ xuống 71,6 tỷ đồng. Tài sản dở dang dài hạn vẫn ở mức 1.592 tỷ đồng và Đầu tư tài chính dài hạn là 1.456 tỷ đồng.
Trong cơ cấu nợ phải trả 983 tỷ đồng (tăng mạnh 39% so đầu năm), nợ ngắn hạn chiếm phần lớn với 593 tỷ đồng, còn nợ dài hạn 390 tỷ đồng.
Trước đó, vào đầu năm 2024, UBND TPHCM đã yêu cầu Công ty Tân Thuận nộp khoản chênh lệch vốn chủ sở hữu vượt mức vốn điều lệ, với tổng số tiền 2.263 tỷ đồng.
Trong khi đó, Công ty Tân Thuận có đề xuất phương án tăng vốn điều lệ phục vụ cho hoạt động đầu tư với tổng nhu cầu đầu tư lên đến hơn 2.300 tỷ đồng. Trong đó, dự án khu dân cư Hiệp Phước 1 cần thêm 2.100 tỷ và tòa nhà văn phòng IPC giai đoạn 2 cần hơn 240 tỷ đồng.
Tuy nhiên, theo Công ty Tân Thuận, nếu phải nộp ngay khoản tiền hơn 2.200 tỷ đồng theo quyết định của UBND TP, công ty sẽ gặp khó khăn lớn trong việc tiếp tục triển khai các dự án này, do thiếu hụt nguồn vốn.
Do đó, Công ty Tân Thuận đã kiến nghị UBND TP.HCM xem xét cho giãn thời gian nộp khoản tiền hơn 2.200 tỷ đồng này.