Cụ thể, doanh thu thuần quý 1/2021 của VEF chỉ vỏn vẹn hơn 2 tỷ đồng, giảm 37% so cùng kỳ 2020. Giá vốn lại ngốn tới 4,4 tỷ đồng khiến VEF lỗ gộp hơn 2 tỷ đồng, cao hơn mức lỗ 1,4 tỷ của cùng kỳ.
Tuy nhiên, nhờ ghi nhận gần 72 tỷ đồng doanh thu tài chính, gấp 3,7 lần cùng kỳ nên sau cùng VEF lãi ròng 53,5 tỷ đồng, gấp hơn 4 lần mức 12,5 tỷ của cùng kỳ.
Lưu chuyển tiền thuần sử dụng vào hoạt động kinh doanh kỳ này tiếp tục âm 4.904 tỷ, thấp hơn mức 9.412 tỷ của cùng kỳ chủ yếu do giảm các khoản phải trả (4,905 tỷ).
Tại thời điểm 31/3/2021, tổng tài sản của VEF tăng thêm 564 tỷ lên 7.473 tỷ đồng. Trong đó, tiền và các khoản tương đương chiếm tới 5.509,7 tỷ đồng.
Các khoản tương đương tiền chiếm 4.957 tỷ là tiền gửi VNĐ có kỳ hạn từ 1-3 tháng với lãi suất từ 2,9%/năm đến 3,8%/năm và các khoản đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp bằng VNĐ có thời gian thu hồi nhỏ hơn 3 tháng với lãi suất từ 5%/năm đến 6,2%/năm.
Hiện VEF đang ghi nhận 876 tỷ đồng chi phí xây dựng cơ bản dở dang, trong đó chiếm chủ yếu là 732 tỷ cho dự án Trung tâm Hội chợ Triển lãm Quốc gia mới và 129 tỷ dự án Tổ hợp Trung tâm Thương mại Dịch vụ và Nhà ở tại Ba Đình, Hà Nội. Ngoài ra còn có gần 14 tỷ đồng vào dự án khu chức năng Đô thị Nam Đại lộ Thăng Long.
VEF có vốn điều lệ 1.666 tỷ đồng, trong đó, Tập đoàn Vingroup (VIC) chiếm chủ yếu với 1.388 tỷ đồng, tương ứng hơn 83%. Còn Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch chiếm 166,6 tỷ, tức 10%.