Cổ phiếu Vietnam Airlines phi mã khi được SCIC giải ngân, Vietjet quay đầu

Trong khi cổ phiếu HVN của Vietnam Airlines đang khiến nhà đầu tư hứng khởi thì VJC của Vietjet lại lình xình với thanh khoản yếu.
SCIC đã giải ngân gần 6.895 tỷ đồng mua cổ phiếu Vietnam Airlines 
SCIC cho biết, trước yêu cầu cấp bách phải khẩn trương tháo gỡ khó khăn cho Tổng công ty Hàng không Việt Nam – CTCP (Vietnam Airlines, HoSE: HVN) do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, thực hiện nhiệm vụ chính trị - xã hội, ngày 13/9/2021, SCIC đã giải ngân số tiền 6.894,9 tỷ đồng mua cổ phiếu để nắm giữ tối thiểu 31,08% vốn điều lệ của Vietnam Airlines.
Việc SCIC đầu tư mua cổ phiếu tại Vietnam Airlines góp phần bổ sung vốn phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh và cải thiện khả năng thanh toán trong ngắn hạn của Vietnam Airlines, hạn chế các tác động, ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Trong thời gian tới, Vietnam Airlines sẽ sớm hoàn tất Đề án tái cơ cấu tổng thể để đảm bảo thích nghi với tình hình mới, vượt qua khó khăn, sớm phục hồi và phát triển bền vững.
Trước đó, năm 2020, Quốc hội đã thông qua gói giải pháp hỗ trợ 12.000 tỷ đồng để bù đắp thanh khoản và tăng vốn chủ sở hữu cho Vietnam Airlines. Trong đó 4.000 tỷ là vay tái cấp vốn lãi suất 0% từ các tổ chức tín dụng còn 8.000 tỷ để tăng vốn điều lệ đến từ phương án phát hành cổ phiếu chào bán cho cổ đông hiện hữu.
Theo đó, Vietnam Airlines sẽ chào bán cổ phần cho cổ đông hiện hữu tăng vốn thêm 8.000 tỷ đồng.
3 ngân hàng gồm SeaBank, MSB và SHB có cam kết tài trợ cho Vietnam Airlines vay với tổng số tiền 4.000 tỷ đồng từ nguồn tái cấp vốn của Ngân hàng Nhà nước.
Sở dĩ Vietnam Airlines được "giải cứu" do tình hình tài chính khá bi đát. Cụ thể, Vietnam Airlines đã ghi nhận 6 quý liên tiếp thua lỗ nặng do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, riêng 6 tháng 2021 lỗ khủng 8.585 tỷ đồng. Tại thời điểm 30/6/2021, lỗ luỹ kế lên tới 17.772 tỷ đồng khiến vốn chủ sở hữu của Vietnam Airlines âm 2.750 tỷ đồng.

Năm 2021, Vietnam Airlines dự kiến bán 11 tàu bay A321, mở rộng bán combo cách ly tự nguyện, điều chỉnh khấu hao và phân bổ chi phí sửa chữa bảo, giải ngân gói hỗ trợ 12.000 tỷ đồng…mục tiêu cắt giảm được 6.800 tỷ chi phí. Dù vậy, Công ty vẫn đặt kế hoạch khá bi quan với lợi nhuận sau thuế hợp nhất âm 14.304 tỷ đồng, tăng lỗ thêm 30,5% so với năm 2020. 

Dù bức tranh tài chính bi quan là vậy, song vừa được SCIC "rót vốn" cùng với việc ngày 8/9, Cục Hàng không Việt Nam đề xuất nối lại các chuyến bay nội địa theo 2 giai đoạn và Bộ Giao thông Vận tải có dự thảovề việc nâng giá sàn vé máy bay... là những thông tin tích cực đẩy cổ phiếu HVN của Vietnam Airlines liên tục tăng mạnh trong thời gian gần đây.
Cụ thể, cổ phiếu HVN của Vietnam Airlines giảm mạnh từ mức 30.000 đồng/cp xuống chỉ còn 15.000 đồng/cp trong giai đoạn 2 năm dịch bùng phát.
Tuy nhiên, từ ngày 6/9 đến nay, HVN đã liên tục đi lên, thậm chí bật trần để phục hồi về vùng 26.800 đồng/cp chốt phiên ngày 13/9, tức tăng hơn 24% chỉ trong vòng 1 tuần qua. Đây cũng là mức giá đóng cửa cao nhất mà HVN đạt được kể từ đầu năm 2020. Thanh khoản cũng tăng đột biến lên bình quân hơn 2,5 triêu đơn vị mỗi phiên. 
Co phieu Vietnam Airlines phi ma khi duoc SCIC giai ngan, Vietjet quay dau
 
Cổ phiếu Vietjet lình xình dù 6 tháng vẫn có lãi
Ngược lại, cổ phiếu VJC của hãng hàng không Vietjet lại ghi nhận biến động sụt sùi trong những phiên vừa qua, tựu trung lại chỉ nhích nhẹ gần 2% trong vòng 1 tuần qua khi dừng ở mức 128.000 đồng/cp chốt phiên 13/9. Khối lượng giao dịch khá èo uột khi bình quân chỉ được gần 1 triệu đơn vị mỗi phiên.
Dù vậy, đây cũng là con số khả quan của VJC trong vòng 1 năm qua khi có lúc rơi xuống đáy 92.000 đồng/cp. 

Về tình hình tài chính, 6 tháng 2021, Vietjet vẫn ghi nhận lãi ròng 130 tỷ đồng, gấp 2,8 lần cùng kỳ 2020. Tuy nhiên, lợi nhuận của Vietjet chủ yếu nhờ hoạt động tài chính khi doanh thu mang về 3.151 tỷ đồng, trong khi vẫn lỗ gộp tới 2.291 tỷ đồng. Tại thời điểm 30/6/2021, Vietjet ghi nhận vay nợ tài chính ngắn và dài hạn ở mức 11.765 tỷ đồng

Chính làn sóng dịch Covid-19 thứ tư tại Việt Nam đã ảnh hưởng đà phục hồi của Vietjet. Ban lãnh đạo Vietjet chia sẻ trước khi dịch Covid-19 tái bùng phát vào cuối tháng 4/2021, sản lượng vận chuyển trong nước của Vietjet vào đầu năm 2021 đã vượt qua mức trước khi dịch bệnh khởi phát.
Tuy nhiên, làn sóng dịch C0vid-19 này có tác động nghiêm trọng khi bùng phát tại TP. HCM, 1 trung tâm vận tải hàng không lớn tại Việt Nam. Do đó, Vietjet phải điều chỉnh lại kế hoạch cho năm 2021.
Trước thời điểm dịch Covid-19 tái bùng phát, Vietjet đặt kế hoạch năm 2021 doanh thu đạt 32 nhìn tỷ đồng, tăng mạnh 76% và lợi nhuận ròng đạt 1.000 tỷ đồng trong năm 2021. Tuy nhiên, sau đó, hãng này chỉ còn đưa ra con số doanh thu 22.000 tỷ, tăng 20% và hoà vốn ở mức lợi nhuận sau thuế trong năm 2021.
Trong bối cảnh đó, Vietjet đã thông qua kế hoạch phát hành riêng lẻ tối đa 15% tổng số cổ phiếu đang lưu hành, tương đương 81 triệu cổ phiếu để huy động vốn. Với giả định giá phát hành bằng với giá hiện tại, đợt phát hành riêng lẻ sẽ mang về cho Vietjet 10.000 tỷ đồng.
Ngoài ra, Vietjet sẽ huy động 300 triệu USD trái phiếu có kỳ hạn 5 năm trong năm 2021. Ban lãnh đạo cho biết rằng các đợt phát hành sẽ giúp Vietjet đảm bảo nguồn lực để mở rộng đội bay với máy bay tiết kiệm nhiên liệu có thể thúc đẩy lợi thế về chi phí và tăng khả năng cạnh tranh của Vietjet. Ngoài ra, Vietjet đang tìm kiếm cơ hội đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng hàng không.
Minh An

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN