Chủ tịch Hóa chất miền Nam: Không thể hoàn thành kế hoạch lãi 2020, lần đầu nhân viên bị hụt lương

Công ty lên kế hoạch lãi 257 tỷ đồng năm 2020, giảm 18,4% so thực hiện năm trước. Cổ tức kế hoạch 15%, giảm so với mức 25% năm 2019 và 36% năm 2018.
Năm 2020, Công ty Hóa chất Cơ bản miền Nam (HoSE: CSV) đề ra kế hoạch doanh thu hợp nhất 1.643 tỷ đồng, lợi nhuận 257 tỷ đồng; lần lượt tăng 2% và giảm 18,4% so với thực hiện năm trước.
Tại cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên sáng ngày 29/6, ông Lê Văn Hùng, Chủ tịch HĐQT cho biết đây là một kế hoạch kinh doanh vô cùng thách thức. Công ty chắc chắn không hoàn thành được con số 257 tỷ đồng mà chỉ có thể đạt được 200 tỷ đồng. 6 tháng đầu năm, doanh nghiệp mới thực hiện được 97 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Với tình hình như hiện nay, để đạt được thêm 100 tỷ đến 120 tỷ đồng lợi nhuận trong 6 tháng cuối năm là một vấn đề lớn.
Chu tich Hoa chat mien Nam: Khong the hoan thanh ke hoach lai 2020, lan dau nhan vien bi hut luong
 Lãnh đạo CSV khẳng định không thể thực hiện kế hoạch lãi 2020. Ảnh: MH
“Công ty phải chấp nhận để cán bộ công nhân viên hụt lương. Tôi làm việc ở công ty hơn 30 năm mà chưa năm nào để nhân viên bị hụt lương như năm nay”, Chủ tịch HĐQT chia sẻ.
Theo báo cáo HĐQT, hóa chất là ngành công nghiệp đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, cung cấp nguyên liệu đầu vào cho nhiều ngành như phân bón, sơn, mực in, thuốc bảo vệ thực vật, chất tẩy rửa… Chính sách kiểm soát môi trường tại Trung Quốc dẫn tới giảm sản xuất, giảm nguồn cung cấp hóa chất. Nhu cầu hóa chất tại Việt Nam cao nhưng nguồn cung trong nước chưa đáp ứng được, đặc biệt là sản phẩm xút. Các nguyên liệu đầu vào của ngành hóa chất cơ bản có xu hướng giảm giá như giá muối giảm do nhu cầu tiêu thụ yếu dần, giá lưu huỳnh kỳ vọng giảm dần trong dài hạn nhờ các nhà máy lọc hóa dầu tăng lên.
Tuy nhiên, những thách thức ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh doanh nghiệp là nguồn nguyên liệu trong nước để sản xuất hóa chất khan hiếm nên còn phụ thuộc vào nhập khẩu nước ngoài (chủ yếu là Trung Quốc), khó kiểm soát chi phí đầu vào; giá điện tăng; tính hình dịch bệnh diễn biến phức tạp khiến hoạt động kinh doanh của khách hàng gặp khó khăn, gián tiếp ảnh hưởng đến công ty.
Chủ tịch HĐQT thông tin thêm, Việt Nam có hơn 3.200 km bờ biển nhưng phải đi nhập muối để sản xuất do muối Việt Nam không phải là loại phù hợp cho sản xuất công nghiệp, muốn sản xuất từ muối trong nước thì phải thay đổi nhiều công nghệ, tốn nhiều chi phí. Trong khi đó, nhập khẩu phải theo hạn ngạch nếu không dẫn tới thuế cao.
Mặt khác, một điều sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến hiệu quả kinh doanh của là trong tương lại giá xút và hóa chất nhập khẩu từ Trung Quốc sẽ giảm rất nhiều. Công ty vẫn có lãi là nhờ dây chuyền sản xuất đầu tư từ 1995 nên hết khấu hao nhưng vẫn hoạt động tốt.
Năm 2020, doanh nghiệp đề ra kế hoạch cổ tức 15%, giảm so với mức 25% năm 2019 và 36% của năm 2018. Cổ đông mong muốn ban lãnh đạo đề ra mức cổ tức 2020 bằng năm 2019. Chủ tịch HĐQT phản hồi dịch Covid-19 khiến tình hình kinh doanh của doanh nghiệp kết sức khó khăn, ban lãnh đạo cùng cán bộ công nhân viên cố gắng hết sức để đem lại hiệu quả cao nhất cho cổ đông. Hơn nữa, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) sở hữu 65% vốn doanh nghiệp nên tỷ lệ cổ tức bao nhiêu do tập đoàn quyết định.
Mặt khác, để đáp ứng nhu cầu vốn cho năm 2020, HĐQ trình tăng trích lập quỹ đầu tư phát triển lên 50% lợi nhuận sau thuế năm 2019, tương đương 117,7 tỷ đồng; trong khi các năm trước tỷ lệ trích ở mức 30%.
Theo Ngọc Điểm/NDH

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN