Chủ tịch FiinGroup: Mất 3-5 năm để xử lý các ảnh hưởng từ đại án SCB

Ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch FiinGroup cho biết đại án SCB - Vạn Thịnh Phát đã ảnh hưởng đến nền kinh tế và thị trường chứng khoán từ năm 2022. 
Như đã đưa tin, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an đã có Bản kết luận điều tra vụ án Tham ô tài sản, vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt đông khác liên quan đến hoạt động ngân hàng, đưa hối lộ, nhận hối lộ, lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát (VTP), ngân hàng SCB và các đơn vị, tổ chức có liên quan.
Theo kết luận điều tra, bà Trương Mỹ Lan, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát bị cáo buộc chi phối hoạt động của Ngân hàng SCB để chiếm đoạt 304.096 tỷ đồng (khoảng 12,36 tỷ USD) và bị đề nghị truy tố về ba tội: Đưa hối lộ, vi phạm quy định về hoạt động của ngân hàng và tham ô tài sản.
Chu tich FiinGroup: Mat 3-5 nam de xu ly cac anh huong tu dai an SCB
 
Đánh giá về vụ án Vạn Thịnh Phát và SCB, tại hội thảo Triển vọng kinh tế vĩ mô và thị trường chứng khoán năm 2024 tổ chức vào chiều 22/11, ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch FiinGroup cho biết đại án này đã ảnh hưởng đến nền kinh tế và thị trường chứng khoán (TTCK) từ năm 2022.
"Do vậy, tác động đến biến động thị trường chứng khoán tôi nghĩ đã qua rồi. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa mọi thứ sẽ được hấp thụ nhanh, vấn đề bây giờ là xử lý nợ xấu để thu hồi tổn thất và có thể sẽ phải mất đến 3-5 năm để có thể giải quyết các ảnh hưởng", ông Thuân nói.
Liên quan đến triển vọng kinh tế vĩ mô năm 2024, ông Nguyễn Quang Thuân nhận định sẽ có 4 yếu tố dẫn dắt, bao gồm xuất khẩu tăng trở lại; đầu tư FDI tiếp tục cải thiện, cầu tiêu dùng hồi phục và giải ngân đầu tư công tiếp tục tăng.
Dù vậy, cũng có không ít rủi ro như kinh tế Mỹ và Trung Quốc hồi phục chậm hơn dự báo. Trong khi Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất, Trung Quốc đứng đầu nhóm các nền kinh tế đầu tư nhiều nhất vào nước ta.
Về rủi ro với tăng trưởng xuất phát từ vấn đề nội tại của kinh tế Việt Nam, đại diện FiinGroup nhấn mạnh rủi ro chính là thị trường bất động sản đóng băng dài hơn dự kiến. Hai rủi ro khác được ông đề cập đến là huy động vốn của doanh nghiệp vẫn khó khăn và và thực thi chính sách trong nước.
Cũng tại hội thảo, về triển vọng thị trường trái phiếu doanh nghiệp năm 2024, ông Trần Phú Việt, Trưởng phòng nghiên cứu & phát triển sản phẩm FiinGroup đánh giá thị trường TPDN đã trở nên lành mạnh hơn sau giai đoạn thanh lọc. Theo đó, trong giai đoạn 2022-2023, việc các tổ chức phát hành (TCPH) yếu kém bộc lộ đã giúp thị trường sàng lọc, nhà đầu tư cũng có góc nhìn chính xác hơn về rủi ro tín dụng từng nhóm ngành, Do vậy, việc vi phạm sẽ ở mức thấp hơn và thị trường ít biến động hơn trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, một số TPDN đầu ngành, cũng như TPDN của nhóm ngân hàng vẫn có mức coupon phát hành và lợi suất đầu tư trên thị trường thứ cấp hấp dẫn.
Dù vậy, một số yếu tố tiêu cực ảnh hưởng đến thị trường trái phiếu năm 2024 là các nhà đầu tư tổ chức định chế phi tài chính và nhà đầu tư cá nhân còn thiếu sự tham gia mạnh mẽ. Ngoài ra, môi trường kinh doanh có thể tiếp tục khó khăn, phục hồi chậm sẽ dẫn đến gia tăng rủi ro, đặc biệt là nhóm TCPH ngành bất động sản và năng lượng do triển vọng kinh doanh kém.
Nói thêm về vấn đề này, Chủ tịch FiinGroup cho rằng áp lực đáo hạn TPDN vẫn lớn trong năm 2024 và đây là rủi ro cho thị trường tài chính nói chung, do vậy vẫn cần theo dõi diễn biến thời gian tới. Về dài hạn, theo ông Thuân, để nhà đầu tư quay lại với thị trường trái phiếu thì cần nhiều nỗ lực từ tổ chức phát hành, cơ chế chính sách cũng như sự minh bạch thông tin.
Bàn về thị trường chứng khoán, bà Đỗ Hồng Vân, Trưởng nhóm Phân tích dữ liệu FiinGroup cho biết P/E của thị trường hiện nay đang thấp hơn mức trung bình giai đoạn 2015 đến nay nhưng khối phi tài chính (loại trừ bất động sản) đang ở vùng đỉnh. Để định giá quay về mặt bằng hấp dẫn hơn, theo bà Vân có 2 cách: Thị trường phải chiết khấu sâu về điểm số hoặc phải có câu chuyện tăng trưởng lợi nhuận trong thời gian tới.
Theo vị chuyên gia này, xu hướng hồi phục về lợi nhuận đang tiếp diễn nhưng có sự phân hóa, do đó nhà đầu tư cần chọn lọc và tìm hiểu sâu.
"Nhóm ngành dự kiến có lợi nhuận tăng là công nghệ thông tin, dầu khí, thủy sản, may mặc, thép, hóa chất, bất động sản KCN. Ngược lại, ngành dự kiến có lợi nhuận suy giảm là ngân hàng, bất động sản dân cư, bán lẻ, phân bón và đồ uống", bà Đỗ Hồng Vân chia sẻ.
Theo Nhật Huỳnh/Nhà đầu tư

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN