Chỉ còn 45 cổ đông, Diêm Thống Nhất đếm ngược ngày rời sàn chứng khoán

Việc hủy giao dịch là do Diêm Thống Nhất không còn đáp ứng điều kiện là công ty đại chúng.

Sở GDCK Hà Nội vừa có thông báo về việc hủy đăng ký giao dịch đối với cổ phiếu Diêm Thống Nhất (DTN) từ ngày 21/10. Như vậy, cổ phiếu này sẽ có phiên giao dịch cuối cùng trên sàn chứng khoán vào 20/10.

Việc hủy giao dịch là do Diêm Thống Nhất không còn đáp ứng điều kiện là công ty đại chúng. Theo báo cáo thường niên năm 2019, công ty chỉ còn có 45 cổ đông cá nhân, trong khi quy định của Luật chứng khoán yêu cầu công ty đại chúng phải có trên 100 cổ đông.

Cổ phiếu DTN của Diêm Thống Nhất bắt đầu được giao dịch trên UPCoM vào ngày 23/6/2014 với giá ngày 12.000 đồng/cp. Đến thời điểm hiện tại, cổ phiếu DTN đang được giao dịch trên thị trường với giá quanh mốc 74.000 đồng/cp, gấp hơn 6 lần so ngày đầu lên sàn.

Khai tử hộp Diêm Thống Nhất

Năm 1956, nhà máy Diêm Thống nhất được thành lập. Năm 1993, nhà máy chuyển sang hoạt động theo mô hình doanh nghiệp với tên gọi Công ty Diêm Thống Nhất. Từ tháng 1/2002 chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần với tên gọi CTCP Diêm Thống Nhất (Diêm Thống Nhất).

Trong thời kỳ đất nước còn khó khăn, Diêm Thống Nhất là công cụ gần như duy nhất giúp người Việt thắp lửa, là sản phẩm có mặt trong tất cả các quầy tạp hóa, thống trị thị trường lúc bấy giờ.

Tuy nhiên, cùng với thời gian khi các sản phẩm, bếp gas, bật lửa phát triển, Diêm Thống Nhất phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.

Chi con 45 co dong, Diem Thong Nhat dem nguoc ngay roi san chung khoan
 Diên Thống Nhất sẽ rời sàn chứng khoán ngày 1/10.

Theo Công ty, nguyên vật liệu đầu vào sử dụng trong sản xuất sản phẩm diêm chủ yếu là gỗ (chiếm tới gần 50% đối với diêm), giấy (khoảng 70% đối với bao bì) và các hóa chất, phụ liệu khác như mực in, dung môi, photpho, tinh bột biến tính, kaliclorat (lượng này chiếm 50% thuốc trên đầu que diêm;...).

Trong đó, các hóa chất, phụ liệu khác, chủ yếu công ty phải nhập khẩu từ nước ngoài, nên chịu ảnh hưởng rất lớn của giá cả nguyên vật liệu trên thế giới. Do vậy những biến động về giá cả ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty.

Mặt hàng chính của Công ty là diêm hộp các loại, bật lửa an toàn Thống Nhất, bao bì carton. Các mặt hàng này chịu ảnh hưởng nhiều từ sức mua của người tiêu dùng và sự thay thế của các loại sản phẩm khác.

Sản phẩm diêm nội địa vào chu kỳ suy thoái nhanh do nhu cầu tiêu dùng hạn chế chuyển sang dùng sản phẩm bật lửa nhiều hơn cùng với đó là sự giảm dần của sản phẩm que diêm xuất khẩu.

Do đó, Công ty quyết định sẽ dừng sản xuất diêm kể từ năm 2020.

Lãi thu về ngày càng giảm

Bắt đầu từ năm 2014, Diêm Thống Nhất sản xuất bật lửa và sản phẩm này tiêu thụ được 1,65 triệu chiếc, tăng mạnh lên thành 11 triệu chiếc năm 2017 và lên đến 14,67 triệu chiếc vào năm 2018. Trong khi đó số lượng bao diêm sản xuất được 103 triệu bao năm 2017, và giảm xuống còn 98,25 triệu bao vào năm 2018.

Kết thúc năm 2018, tổng doanh thu và lợi nhuận trước thuế của Diêm Thống Nhất đạt lần lượt 118 tỷ đồng và 2,7 tỷ đồng, lần lượt tăng 1% và giảm 6,8% so với năm 2017.

Tổng tài sản của Công ty tại ngày 31/12/2018 là 66.773 tỷ đồng, giảm 1,45 tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó, tài sản ngắn hạn là 48 tỷ đồng, tài sản dài hạn là 18,7 tỷ đồng.

Công ty đặt kế hoạch tổng doanh thu năm 2019 đạt 113 tỷ đồng, giảm 4,2% so với năm 2018. Trong đó, nhóm sản phẩm diêm nội địa và xuất khẩu đóng góp 29 tỷ đồng; nhóm bật lửa đóng góp 33 tỷ đồng (năm 2018, sản lượng nhóm này chỉ đạt 14,7 triệu chiếc so với kế hoạch 20,3 triệu chiếc của năm 2019) và nhóm bao bì, in đóng góp 43 tỷ đồng.

Diêm Thống Nhất cũng chỉ đặt kế hoạch lãi thực hiện đạt 2 tỷ đồng và dự chia cổ tức từ 5% đến 6%.

Chia sẻ về tầm nhìn năm 2019, Công ty nhận định tình hình sẽ còn khó khăn hơn năm 2018. Sản lượng diêm và bao bì khả năng cao sẽ tiếp đà giảm mạnh khiến cho Công ty gặp khó khăn trong việc giải quyết lao động dư thừa.

Sản phẩm bật lửa chưa thể phát triển mạnh và ồ ạt về số lượng do còn hạn chế về thị trường và sản phẩm nằm ở phân khúc trung bình khá nên không dễ cạnh tranh với các dòng sản phẩm cùng loại, giá rẻ.

Ngoài ra, nguồn vốn tiếp tục là bài toán nan giải khi cần mở thị trường, tăng sản lượng. Chi phí vay vốn có xu hướng cao hơn, giá cả nguyên vật liệu chưa ổn định.

Anh Nhi

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN