Ngoài Tập đoàn Hoành Sơn, đại gia Phạm Hoành Sơn còn nắm doanh nghiệp nào?
Tập đoàn Hoành Sơn được biết đến là công ty do ông Phạm Hoành Sơn, một doanh nghiệp có tiếng ở Hà Tĩnh lập nên vào năm 2001, hoạt động đa ngành nghề như phân bón, cảng biển, bất động sản...
Tính đến năm 2017, Tập đoàn Hoành Sơn có quy mô vốn lên tới 25.000 tỷ đồng, trong đó Chủ tịch Phạm Hoành Sơn nắm 95% vốn, tương ứng giá trị 2.375 tỷ đồng.
Tập đoàn Hoành Sơn nổi tiếng với việc đầu tư vào hàng loạt dự án ở khu vực miền Trung như hệ thống cấp nước cho Khu kinh tế Vũng Áng với tổng mức đầu tư hơn 5.000 tỷ đồng.
Gần đây nhất, năm 2019, Hoành Sơn khởi công xây dựng Dự án Nhà máy điện mặt trời tại xã Cẩm Hòa, huyện Cẩm Xuyên, với tổng mức đầu tư 1.458 tỷ đồng, trên diện tích xây dựng 60 ha, công suất 50 MWp.
Trước đó là hàng loạt dự án như nhà máy sản xuất phân lân và NPK công suất 800.000 tấn sản phẩm/năm, Dự án Cảng biển quốc tế công suất xếp dỡ trên 3 triệu tấn/năm, Dự án xây dựng nạo vét khu neo đậu tránh trú bão tàu biển Cửa khẩu Hà Tĩnh, Dự án hồ chứa nước và thủy điện tại phía Tây thành phố Đà Nẵng, Dự án nhà máy sản xuất chế biến kaly tại Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào công suất 2 triệu tấn/năm…
Năm 2015, Tập đoàn Hoành Sơn gây chú ý với việc thâu tóm hơn 6 ha đất vàng của CTCP Cao su Sao Vàng trên đường Nguyễn Trãi (Hà Nội) khi đưa ra mức giá đấu cao nhất là 435 tỷ đồng, để phát triển tổ hợp bất động sản cao cấp tại đây.
Chưa dừng lại ở đó, năm 2016, Hoành Sơn còn thâu tóm nắm quyền chi phối khi bỏ ra 460 tỷ đồng sở hữu 46 triệu cổ phần Cảng Phước An. Ngay sau đó, Hoành Sơn đã khởi công xây dựng cảng tổng hợp quốc tế, thuộc Cảng Vũng Áng, dự kiến hoàn thành vào tháng 6/2017. Dự án có tổng mức đầu tư 1.489 tỷ đồng, được xây dựng trên diện tích 16,1 ha…
|
Chủ tịch Phạm Hoành Sơn |
Cao su Sao Vàng làm ăn ra sao khi về tay Chủ tịch Phạm Hoành Sơn?
Để phát triển dự án bất động sản trên đường Nguyễn Trãi, hai bên đã hợp tác lập Công ty TNHH Sao Vàng- Hoành Sơn với số vốn điều lệ 100 tỷ đồng (trong đó SRC góp 26%, Hoành Sơn 74%) để đầu tư phát triển khu hỗn hợp, bao gồm TTTM- Dịch vụ- Văn phòng- Căn hộ cao cấp để bán và cho thuê.
Theo thỏa thuận, Hoành Sơn cho Cao su Sao Vàng vay 26 tỷ đồng với lãi suất là 0% trong vòng 36 tháng để Cao su Sao Vàng góp vốn vào Công ty Dự án. Hết thời hạn vay vốn, Cao su Sao Vàng sẽ chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp của mình tại Công ty Dự án cho Tập đoàn Hoành Sơn theo quy định của pháp luật về chuyển nhượng vốn tại thời điểm chuyển nhượng.
Ngoài ra, Tập đoàn Hoành Sơn hỗ trợ kinh phí để Cao su Sao Vàng di dời Nhà máy về KCN Châu Sơn, Phủ Lý, Hà Nam: Tổng kinh phí là 435 tỷ đồng chưa bao gồm các loại thuế, chia thành 4 lần chuyển tiền, được thực hiện trong thời gian từ 2016 đến 2018.
Đến cuối năm 2019, ông Phạm Hoành Sơn được bổ nhiệm giữ chức Chủ tịch Cao su Sao Vàng. Song hiện ông Phạm Hoành Sơn không nắm giữ cổ phần tại SRC nhưng vợ ông là Nguyễn Thị Hằng Nga nắm 3,14%, còn em gái là Phạm Ngọc Hà cũng đang nắm 5%. Ngoài ra, Tập đoàn Hoá chất Việt Nam cũng đang sở hữu 36% vốn tại SRC.
Vừa ngồi ghế nóng Cao su Sao Vàng được 2 tháng, đầu năm 2020, ông Nguyễn Hoành Sơn đã nhanh chóng thành lập công ty về săm lốp có sự “kết hợp” của cả hai bên là CTCP Sao Vàng – Hoành Sơn. Vốn điều lệ của Sao Vàng – Hoành Sơn là 500 tỷ đồng, trong đó, Cao su Sao Vàng góp 50%, Tập đoàn Hoành Sơn 49% và bà Nguyễn Thị Hằng Nga góp 1%.
Ngoài khu đất trên, Cao su Sao Vàng hiện có quỹ đất sản xuất kinh doanh, thương mại, khu công nghiệp khá lớn.
Với đất trả tiền một lần, SRC có 43m2 đất thương mại văn phòng tại Quận 1, TP HCM; đất cơ sở sản xuất kinh doanh tại Đà Nẵng có diện tích 2.475m2 và có đến 212.538m2 đất khu công nghiệp tại KCN Châu Sơn, Hà Nam.
Với đất trả tiền thuê hàng năm, SRC sở hữu gần 31.644m2 đất làm trụ sở và kinh doanh tại Thái Bình; nắm giữ tổng cộng 84.735m2 đất sản xuất kinh doanh tại 3 khu vực tỉnh Vĩnh Phúc; và gần 2.700m2 đất văn phòng tại quận Thanh Xuân, Hà Nội.
Về hoạt động kinh doanh, năm 2019, Cao su Sao Vàng ghi nhận doanh thu 926 tỷ đồng, tương đương năm trước nhưng lợi nhuận sau thuế tăng gấp 3,2 lần lên 41,4 tỷ đồng.
Tuy nhiên, các năm trước đó, hoạt động kinh doanh của Cao su Sao Vàng theo chiều hướng ngày càng giảm sút về lợi nhuận. Kết thúc năm 2018, SRC ghi nhận lợi nhuận sau thuế chỉ hơn 12 tỷ đồng, giảm đến 64% so với 2017 và là năm thứ 3 liên tiếp lợi nhuận giảm. Điểm sáng là Cao su Sao Vàng vẫn duy trì mức doanh thu khá ổn định khoảng 900-1.000 tỷ đồng mỗi năm.
Năm 2020, Cao su Sao Vàng đặt chỉ tiêu giá trị sản xuất công nghiệp đạt 358 tỷ đồng, tăng nhẹ 3%. Trong đó, chỉ tiêu về sản xuất và tiêu thụ các loại lốp xe phần đa đều tăng so với kết quả thực hiện năm trước, lốp và săm xe đạp đạt 3.4 triệu chiếc và 4.3 triệu chiếc, lốp và săm xe máy đạt 1.1 triệu chiếc và 7.1 triệu chiếc, lốp và săm ô tô đạt 282 ngàn chiếc và 211 ngàn chiếc…
Tuy chỉ tiêu doanh thu tăng nhẹ so với năm trước, nhưng Cao su Sao Vàng lại đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế và sau thuế giảm tới gần 60% lần lượt đạt 21 tỷ đồng và 16.8 tỷ đồng.
Thêm vào đó, Công ty tiếp tục triển khai thực hiện các dự án đầu tư như đầu tư vốn góp vào Công ty TNHH Sao Vàng – Hoành Sơn, nâng vốn điều lệ từ 100 tỷ đồng lên 500 tỷ đồng bằng nguồn vốn vay của CTCP Tập đoàn Hoành Sơn. Trong đó, SRC sẽ góp 26%, CTCP Tập đoàn Hoành Sơn góp 45% và Công ty TNHH Hưng Thịnh Phát góp 29.4% vốn điều lệ.
Ngoài ra, SRC dự kiến chi cổ tức với tỷ lệ 8% cho năm 2019 và từ 3% trở lên cho năm 2020.
Cảng Phước An nhiều năm liền không có doanh thu thuần
Dự án Cảng Phước An có vị trí tại huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai, là trung tâm của vùng kinh tế trọng điểm Phía Nam với tổng mức đầu tư lên đến 19.000 tỷ đồng.
Từ tháng 7/2016 đã được Tập đoàn Hoành Sơn nắm quyền chi phối khi bỏ ra 460 tỷ đồng sở hữu 46 triệu cổ phần. Ông chủ Hoành Sơn sau đó được bầu làm Chủ tịch Hội đồng quản trị Cảng Phước An.
Tháng 10/2016, Hoành Sơn đã khởi công xây dựng cảng tổng hợp quốc tế, thuộc Cảng Vũng Áng, dự kiến hoàn thành vào tháng 6/2017. Dự án có tổng mức đầu tư 1.489 tỷ đồng, được xây dựng trên diện tích 16,1 ha, gồm một cầu cảng có thể tiếp nhận tàu chở hàng có trọng tải 50.000DWT, cùng hệ thống kho bãi và khu dịch vụ hậu cảng với công suất khai thác dự kiến 2,3 triệu tấn/năm.
Ngoài ra, Tập đoàn Hoành Sơn còn là cổ đông lớn của CTCP Đầu tư và Phát triển Vũng Áng (nắm 92%), công ty triển khai Dự án cung cấp nước Khu kinh tế Vũng Áng. Đáng chú ý, hồi tháng 9/2016, Thanh tra Chính phủ đã quyết định thanh tra toàn diện Dự án này sau khi đội vốn từ 1.850 tỷ đồng lên 4.400 tỷ đồng.
Hiện Cảng Phước An có tổng nguồn vốn 1.127 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là vốn góp của chủ sở hữu với 1.100 tỷ đồng.
Công ty TNHH MTV Hoành Sơn là công ty mẹ của Cảng Phước An với 60% vốn. Bên cạnh đó còn có cổ đông lớn là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) nắm 31,82%. Tổng công ty Phát triển Khu công nghiệp (Sonadezi) từng nắm 6,8% vốn nhưng năm 2019 đã thoái hoàn toàn vốn tại đây.
Vào tháng 11/2019, các cổ đông của Cảng Phước An đã thông qua việc chào bán 40 triệu cổ phiếu riêng lẻ với giá không thấp hơn 10.000 đồng/cổ phiếu nhằm bổ sung nguồn tiền thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng phần đất còn lại của dự án Cảng Phước An (khu vực dịch vụ hậu cần cảng). Hiện Công ty đang hoàn thiện hồ sơ trình Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận phương án phát hành này.
Về hoạt động kinh doanh, năm 2019, Cảng Phước An tiếp tục không ghi nhận doanh thu thuần như các năm trước. Tuy nhiên nhờ doanh thu hoạt động tài chính mang về 43 tỷ đồng, gấp 2,5 lần năm 2018.
Trong khi đó công ty không phát sinh chi phí lãi vay như năm trước do không còn vay nợ tài chính. Nhờ đó, Phước An lãi ròng 23 tỷ đồng, trong khi năm 2018 lỗ 7,6 tỷ đồng.
Tuy nhiên, do các năm trước thua lỗ nên Cảng Phước An vẫn còn lỗ luỹ kế hơn 4 tỷ đồng tại thời điểm cuối năm 2019.