Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2020 của CTCP Cao su Phước Hòa (HoSE: PHR), lãnh đạo Công ty cho biết sẽ chuyển đổi 10.000 ha đất để phát triển sang các lĩnh vực khác như phát triển công nghiệp - đô thị - dịch vụ (6.000 ha); đầu tư cho nông nghiệp công nghệ cao (2.500 ha); và khoảng 1.500 ha bàn giao địa phương sử dụng đầu tư phát triển kinh tế xã hội.
Theo PHR, tỉnh Bình Dương phát triển mạnh về công nghiệp, dịch vụ và đô thị trong khi nông nghiệp chỉ chiếm 2-3%. Định hướng thời gian tới, tỉnh sẽ đẩy mạnh phát triển khu công nghiệp, khu công nghệ cao. Trong khi đó, Cao su Phước Hòa vốn làm nông nghiệp, nhưng cao su hiện nay giảm giá mạnh, lợi nhuận không đáng kể khiến thuế nộp ngân sách thấp.
Cao su Phước Hòa đã xây dựng chiến lược phát triển 2019-2025 theo định hướng phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh Bình Dương. Trọng điểm phát triển giai đoạn 2020-2025 của tỉnh Bình Dường nằm ở huyện Bắc Tân Uyên và Bàu Bàng.
Diện tích cao su của công ty là 14.000 ha nằm các vị trí phù hợp với quy hoạch phát triển của tỉnh Bình Dương như Bắc Tân Uyên, Bàu Bàng...
Tầm nhìn đến 2030, diện tích cao su của đơn vị giảm xuống 5.000 – 6.000 ha và phần còn lại khoảng 10.000 ha tiến hành chuyển đổi. Công ty đã xác định xong diện tích phân bổ từng phần để phục vụ các nhu cầu phát triển của tỉnh Bình Dương.
Tuy nhiên, việc giao đất sẽ tùy thuộc vào tốc độ phát triển của tỉnh, chủ trương phát triển dự án, tiến trình phê duyệt do vấn đề giao đất được tập đoàn và địa phương kiểm soát kỹ.
Song song đó, Đại hội cũng đặt kế hoạch cho năm 2020 đối với công ty mẹ Cao su Phước Hòa đạt 2.460 tỷ đồng doanh thu và 1.148 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, lần lượt tăng 46% và 115% so với thực hiện 2019. Kế hoạch đầu tư 575 tỷ đồng, trong đó, 352 tỷ đồng là tái cơ cấu vốn tại công ty Phước Hòa Kampong Thom.
Theo ban lãnh đạo Công ty, doanh thu trong năm 2020 sẽ đến từ các nguồn như bán mủ cao su, tiền đền bù, hỗ trợ khi giao đất để thực hiện dự án Khu công nghiệp (KCN) Nam Tân Uyên, cổ tức nhận được từ các dự án và thanh lý cao su…
Công ty đề ra mục tiêu sản lượng cao su sản xuất 11.500 tấn, cao su thu mua 16.000 tấn, tiêu thụ 39.528 tấn. Giá bán cao su giảm từ tức 33,41 triệu đồng/tấn năm 2019 xuống 32,34 triệu đồng/tấn.
Đại diện PHR còn cho biết thêm diện tích thanh lý cao su còn lại trong năm 2020 khoảng 400 ha phục vụ trồng tái canh năm 2021 và cao su thanh lý từ diện tích bàn giao các dự án, giá bán thanh lý theo mức đấu giá từng thời điểm.
Đại hội lần này cũng chính thức thông qua miễn nhiệm Chủ tịch Hội đồng quản trị Lê Phi Hùng (nghỉ hưu theo chế độ) và bầu thay thế ông Huỳnh Kim Nhựt từ ngày 10/3.
Đối với các dự án đầu tư của Cao su Phước Hòa, việc trả tiền hỗ trợ đền bù KCN Nam Tân Uyên sẽ được thực hiện xong trong năm 2020, ban lãnh đạo cho biết kế hoạch cho thuê đất diện tích 50 ha tại KCN này trong năm nay là có thể thực hiện được.
Dự án KCN Tân Bình đã cho thuê được 83%, tương đương 203 ha, còn khoảng 30 ha vướng đất dân sẽ cho thuê khi thực hiện xong đền bù. Việc mở rộng giai đoạn hai sẽ được bổ sung vào phát triển KCN tỉnh Bình Dương giai đoạn 2021 - 2025.
Đối với dự án VSIP III đã có thông báo thu hồi đất của tỉnh Bình Dương từ cuối năm 2019. Sau khi có quyết định thu hồi đất, công ty sẽ đàm phán thống nhất với VSIP tiến độ trả tiền đền bù, dự kiến cũng sẽ hoàn thành xong trong năm 2020.
Dự án KCN Tân Lập đang làm thủ tục pháp lý sớm trình Thủ tướng phê duyệt.
Năm 2019, Cao su Phước Hòa cũng điều chỉnh kế hoạch trả cổ tức từ 40% xuống còn 30% do lợi nhuận đạt được 534 tỷ đồng so với 1.246 tỷ đồng.
Nguyên nhân không đạt được chỉ tiêu cho phía Tập đoàn Cao su chủ trương không thoái vốn tại CTCP KCN Nam Tân Uyên và tỉnh Bình Dương chưa ban hành quyết định thu hồi đất để thực hiện các dự án VSIP III và Nam Tân Uyên, do đó chưa đủ điều kiện ghi nhận doanh thu.