Theo BCTC quý 2, PAP lỗ ròng hơn 1 tỷ đồng, do không có doanh thu, nhưng phải trả chi phí quản lý doanh nghiệp, chi phí tư vấn và quản lý dự án, chi phí tài chính phát sinh từ hoạt động huy động vốn để đầu tư vào dự án và các chi phí khác.
Theo giải trình, PAP là doanh nghiệp dự án, hiện đang trong quá trình đầu tư, chưa đi vào hoạt động, do đó chưa có doanh thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh. Bên cạnh đó, Công ty đang dần bước vào giai đoạn thi công dự án nên chi phí quản lý doanh nghiệp cũng do đó mà phát sinh tăng lên.
Mặt khác, trong quý 2/2022, Công ty có phát sinh thu lãi tiền gửi tại các ngân hàng thương mại, đồng thời phát sinh khoản tiền đi vay để chi trả cho công tác giải phóng mặt bằng và hợp đồng thực hiện dự án.
Tuy nhiên, theo Thông tư 78/2014 của Chính phủ quy định và hướng dẫn thi hành luật thuế thu nhập doanh nghiệp: “Trường hợp trong giai đoạn đầu tư, doanh nghiệp có phát sinh khoản chi trả tiền vay thì khoản chi này được tính vào giá trị đầu tư. Trường hợp trong giai đoạn đầu tư, doanh nghiệp phát sinh cả khoản chi trả lãi tiền vay và thu từ lãi tiền gửi thì được bù trừ giữa khoản chi trả lãi tiền vay và thu từ lãi tiền gửi, sau khi bù trừ phần chênh lệch còn lại ghi giảm giá trị đầu tư”.
Căn cứ quy định trên, với khoản tiền gửi phát sinh trong quý 2, Công ty không hạch toán vào doanh thu tài chính, dẫn đến tổng các khoản doanh thu trên báo cáo kết quả kinh doanh bằng 0.
Sau 2 quý đầu năm lỗ liên tiếp, PAP ghi nhận lỗ ròng bán niên 2022 hơn 1 tỷ đồng.
Trái ngược với kết quả kinh doanh thua lỗ, cổ phiếu PAP tăng trần trong phiên 14/7 khi tăng 15% lên 13.300 đồng/cp.