Cách nữ đại gia phố núi 'lướt sóng' bộ đôi dự án điện gió 4.000 tỷ

Nếu thông tin đúng như phía Eastern Power Group công bố, thì thương vụ "lướt sóng" tại 2 dự án điện gió sẽ giúp nữ "đại gia phố Núi" Nguyễn Thị Sen cùng nhóm nhà đầu tư của mình "bỏ túi" khoản lãi hàng trăm tỷ đồng chỉ trong thời gian ngắn.
Sáng 24/9, tại xã Bàu Cạn, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai đã diễn ra lễ động thổ dự án Nhà máy Điện gió phát triển Miền núi của CTCP Điện gió Chư Prông Gia Lai và dự án Nhà máy Điện gió chế biến Tây Nguyên của CTCP Năng lượng gió Chư Prông Gia Lai.
Dự kiến hoàn thành vào năm 2021, đây là hai dự án năng lượng tái tạo quy mô khá lớn trên địa bàn Gia Lai, với tổng sản lượng điện 319,5 triệu kW/năm, doanh thu 627,6 tỷ đồng, nộp ngân sách 125 tỷ đồng mỗi năm.
Lễ khởi công nhận được sự quan tâm lớn của lãnh đạo địa phương, cũng như từ phía các cơ quan truyền thông. Dù vậy, không nhiều thông tin về chủ đầu tư cũng như quá trình hình thành của bộ đôi dự án năng lượng tái tạo nghìn tỷ này.
Theo dữ liệu của Nhadautu.vn, hai doanh nghiệp dự án CTCP Điện gió Chư Prông Gia Lai và CTCP Năng lượng gió Chư Prông Gia Lai được thành lập vào trung tuần tháng 4/2020, trụ sở cùng đặt tại 18 Hùng Vương, Pleiku, Gia Lai.
Có cùng mức vốn điều lệ 25 tỷ đồng, song cơ cấu sở hữu của hai doanh nghiệp này lại có đôi chút khác biệt. Với CTCP Điện gió Chư Prông Gia Lai là các cá nhân Nguyễn Thị Sen (80%), Lê Thị Giang Hà (10%) và Nguyễn Hồng Minh (10%). Còn với CTCP Năng lượng Gió Chư Prông Gia Lai là Nguyễn Thị Phương Mai (45%), Phạm Ngọc Khánh (20%), Nguyễn Thị Sen (20%) và Nguyễn Thị Ngọc Minh (15%).
2 tháng sau, ngày 16/6/2020, cơ cấu sở hữu có sự thay đổi. Ở CTCP Điện gió Chư Prông Gia Lai, CTCP Kinh doanh và Phát triển Miền núi Gia Lai trở thành công ty mẹ với 55%, các cá nhân sáng lập Nguyễn Thị Sen, Lê Thị Giang Hà, Nguyễn Hồng Minh giảm về còn lần lượt 25%, 10% và 10%.
Cach nu dai gia pho nui 'luot song' bo doi du an dien gio 4.000 ty
Lễ khởi công bộ đôi dự án điện gió ở Gia Lai
Tương tự tại CTCP Năng lượng Gió Chư Prông Gia Lai, 55% thuộc về Công ty TNHH Kinh doanh và Chế biến Tây Nguyên, bà Nguyễn Thị Phương Mai giảm về 20%, bà Nguyễn Thị Sen và Nguyễn Thị Ngọc Minh nắm 15% và 10% còn lại.
Tới ngày 25/6/2020, dự án điện gió Chế biến Tây nguyên và Phát triển Miền núi được chấp thuận bổ sung vào quy hoạch phát triển điện lực, theo công văn số 795/TTg-CN của Thủ tướng Chính phủ.
Chưa đầy một tháng sau, ngày 21/7/2020, UBND tỉnh Gia Lai có các quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư hai dự án này. Theo đó, tiến độ triển khai từ tháng 6/2020 đến tháng 11/2021. Đáng chú ý, vốn đầu tư dự kiến của mỗi dự án là 1.917 tỷ đồng, trong đó vốn góp của nhà đầu tư chiếm 20%, tương đương 383 tỷ đồng, vượt xa mức vốn điều lệ của các doanh nghiệp dự án (25 tỷ đồng).
Diễn biến này đặt ra nghi ngại về năng lực nhà đầu tư, nhất là trong bối cảnh các dự án gấp rút được cấp phép.
Xét theo cơ cấu cổ đông, cả hai dự án đều có nhiều liên hệ, nếu không muốn nói thuộc quyền sở hữu của nhóm nữ doanh nhân phố núi Nguyễn Thị Sen.
Bà Sen sinh năm 1956 tại Quảng Ngãi, song có nhiều gắn bó với miền đất Tây Nguyên, khi từ độ tuổi đôi mươi đã công tác tại CTCP Kinh doanh và Phát triển Miền núi Gia Lai, hiện nay là chủ sở hữu gần như toàn bộ cổ phần doanh nghiệp có vốn điều lệ chỉ vỏn vẹn 21 tỷ đồng và đăng ký hoạt động chính trong lĩnh vực mua bán hàng nông sản. Còn Công ty TNHH Kinh doanh và Chế biến Tây Nguyên mới được thành lập năm 2018, có vốn điều lệ 35 tỷ đồng và cũng hoạt động trong lĩnh vực bán buôn gạo.
Đặt cạnh tổng mức đầu tư gần 4.000 tỷ đồng và khoản vốn tự có yêu cầu ngót nghét 800 tỷ đồng, thì những chỉ tiêu vừa đề cập của nhóm nhà đầu tư Nguyễn Thị Sen khó có thể coi là tương xứng.
Vậy thì vì sao Gia Lai nhanh chóng chấp thuận, hay cơ sở nào để nữ doanh nhân Nguyễn Sen cùng các cộng sự tự tin với bộ đôi dự án quy mô rất lớn này? Câu trả lời không khó để đoán biết.
Theo dữ liệu của Nhadautu.vn, HĐQT Tập đoàn Eastern Power Group của Thái Lan ngày 7/8/2020 đã thông qua chủ trương mua 2,25 triệu cổ phần, tương đương 90% cổ phần CTCP Năng lượng Gió Chu Prông Gia Lai với giá phí 7,875 triệu USD; mua 2,5 triệu cổ phần, tương đương 100% cổ phần CTCP Điện gió Chư Prông Gia Lai với giá phí 8,75 triệu USD.
Tiến độ mua cổ phần sẽ được tiến hành qua 5 giai đoạn. Giai đoạn 1, ngày 15/8/2020, khi các dự án nhận được Giấy chứng nhận đầu tư, các giai đoạn sau vào ngày 30/8, 15/9, 30/9/2020 và cuối cùng là vào 30/10/2021 khi được cấp giấy phép hoạt động điện lực, dự án đi vào vận hành.
Cập nhật theo Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giai đoạn 1 đã được hoàn thành. Theo đó, EPVN W2 (HK) Company Limited - một công ty con của Eastern Power Group ngày 18/9/2020 đã trở thành cổ đông, sở hữu 9% Năng lượng Gió Chư Prông Gia Lai và 10% Điện gió Chư Prông Gia Lai.
Ông Yuth Chinsupakul, Chủ tịch Tập đoàn Eastern Power cũng được bổ sung vào HĐQT các doanh nghiệp dự án.
Đây là thương vụ M&A thứ hai của Eastern Power Group chỉ trong ít tháng ở Việt Nam. Trước đó, HĐQT tập đoàn này ngày 19/6/2020 cũng đã thông qua mua lại hai dự án Điện gió Hướng Linh 3 và Hướng Linh 4 ở Quảng Trị từ nhóm đại gia Mai Văn Huế, Tân Hoàn Cầu Group.
Về phía mình, nếu thông tin đúng như phía Eastern Power Group công bố, thì thương vụ "lướt sóng" tại 2 dự án điện gió sẽ giúp nữ đại gia phố Núi Nguyễn Thị Sen cùng nhóm nhà đầu tư của mình "bỏ túi" khoản lãi hàng trăm tỷ đồng chỉ trong thời gian ngắn.
Theo Văn Dũng-Minh Trang/Nhadautu

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN