Các thách thức vẫn ‘đeo bám’ Sabeco trong nửa cuối năm?

Sabeco dự kiến hàng tồn kho với chi phí cao hơn sẽ tiếp tục tác động đến lợi nhuận cho đến cuối năm 2023 hoặc đầu năm 2024 do lượng tiêu thụ bia thấp hơn dự kiến do những khó khăn kinh tế.
Chứng khoán VietCap (VCSC) vừa có chia sẻ thông tin xung quanh cuộc họp nhà đầu tư của Tổng CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco, UPCoM: SAB) vào ngày 3/8.
Theo đó, SAB tiếp tục từng bước lấy lại thị phần dù mức tiêu thụ thấp. Ban lãnh đạo cho biết SAB đã liên tục giành lại thị phần kể từ quý 1/2023 và công ty đang tiếp tục phát triển danh mục sản phẩm cận cao cấp.
Tháng 6/2023, Sabeco cho ra mắt lại “Bia Sài Gòn Export” với tên gọi mới “Bia Sài Gòn Export Premium”, với hương vị mới và bao bì mới. SAB cũng đang trong quá trình tung ra một loại bia pha mới vào nửa cuối năm 2023 với hy vọng sẽ nâng cao giá trị thương hiệu.
Ban lãnh đạo kỳ vọng vào sự phục hồi trong tiêu thụ bia trong nửa cuối năm 2024, chủ yếu do nền kinh tế vĩ mô của Việt Nam cải thiện từ việc ngành du lịch phục hồi và tạo thêm việc làm.
Trong khi đó, hàng tồn kho với chi phí cao hơn sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến biên lợi nhuận gộp. SAB dự kiến diễn biến này sẽ tiếp tục tác động đến lợi nhuận của công ty cho đến cuối năm 2023 hoặc đầu năm 2024 do lượng tiêu thụ bia thấp hơn dự kiến do những khó khăn kinh tế.
Mặc dù biên lợi nhuận gộp của SAB giảm so cùng kỳ, ban lãnh đạo cho rằng khả năng sinh lời vẫn có thể cải thiện trong dài hạn nhờ các sáng kiến cải thiện biên lợi nhuận như công thức mới và cách sử dụng năng lượng hiệu quả đang được triển khai và chi phí đầu vào giảm nhẹ.
Cac thach thuc van ‘deo bam’ Sabeco trong nua cuoi nam?
 

Đặc biệt, chi tiêu cho quảng cáo và khuyến mãi (A&P) của Sabeco cao ảnh hưởng đến thu nhập. Ban lãnh đạo cho rằng chi tiêu A&P cao trong nửa đầu năm 2023 trong bối cảnh sản lượng bán hàng giảm là do một số hợp đồng quảng cáo và chiến dịch tài trợ cố định hoặc dài hạn, vốn rất khó cắt giảm trong thời gian ngắn.
Ngoài ra, ban lãnh đạo cho biết sẽ tiếp tục đầu tư vào A&P nhưng sẽ quản lý chặt hơn khoản chi tiêu. Tuy nhiên, VCSC cho rằng động thái của các đối thủ trong ngành sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc quyết định công ty sẽ thực tế chi bao nhiêu. Ban lãnh đạo kỳ vọng chi phí A&P sẽ trở lại mức bình thường trong năm 2024.
Về cổ tức cổ phiếu năm 2022, Sabeco đang thực hiện các thủ tục để tiến hành chia cổ tức cổ phiếu tỷ lệ 1:1 và dự kiến sẽ hoàn tất trong quý 4/2023.
Đối với thương vụ mua lại CTCP Tập đoàn Bia Sài Gòn Bình Tây (Sabibeco), Ban lãnh đạo cho biết thương vụ này đang đi đúng với kỳ vọng được thông báo tại cuộc họp nhà đầu tư quý 1/2023. Thương vụ dự kiến sẽ hoàn tất trong quý 1/2024.
 
Trước đó, Sabeco công bố tình hình kinh doanh 6 tháng đầu năm với doanh thu thuần đạt 14.526 tỷ đồng, giảm 11% so cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ cũng giảm 25% về mức 2.126 tỷ đồng. 
Năm 2023, Sabeco đặt mục tiêu doanh thu 40.272 tỷ đồng và lãi sau thuế 5.775 tỷ đồng, lần lượt tăng 15% và 5% so với thực hiện năm 2022. Như vậy, sau 6 tháng, doanh thu của Sabeco đạt 36% kế hoạch và lợi nhuận là 38% mục tiêu.
Tại thời điểm cuối tháng 6/2023, tổng tài sản của Sabeco giảm nhẹ 2,3% về mức 33.646 tỷ đồng. Trong đó tiền mặt giảm nhẹ xuống 3.742 tỷ đồng và tiền gửi ngân hàng cũng ở mức 18.639 tỷ đồng. Các khoản phải thu ngắn hạn tăng nhẹ lên 983 tỷ đồng. Hàng tồn kho vẫn chiếm mức cao 2.430 tỷ đồng. Sabeco cũng chi 2.318 tỷ đồng đầu tư tài chính dài hạn nhưng đang phải dự phòng tới 409 tỷ đồng.
Minh An

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN