Tóm tắt: Nền kinh tế Việt Nam năm 2023 đã phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức từ cả bên trong và bên ngoài, nhất là trong bối cảnh kinh tế thế giới trải qua nhiều biến động mạnh mẽ. Tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2023 chưa đạt được mục tiêu ban đầu của Chính phủ và thấp hơn mức tăng trưởng năm 2022. Cùng với đó là những khó khăn trong hoạt động xuất nhập khẩu do diễn biến kinh tế không thực sự khả quan của nhiều quốc gia lớn trên thế giới.
Mặc dù vậy, kinh tế Việt Nam vẫn cho thấy những điểm sáng trong năm qua với nhiều chính sách tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, phát triển thị trường tài chính; lạm phát được kiểm soát tốt; thu hút và giải ngân vốn FDI tăng trưởng tích cực; giải ngân đầu tư công tăng khá; công tác đối ngoại và hội nhập đạt nhiều thành tựu quan trọng, vị thế và uy tín của Việt Nam tiếp tục được nâng cao.
Bức tranh kinh tế Việt Nam năm 2023
GDP năm 2023 của Việt Nam ước tính tăng 5,05% so với năm trước, thấp hơn đáng kể so với năm 2022 và chỉ cao hơn tốc độ tăng trưởng của các năm 2020 và 2021. Trong mức tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế, khu vực dịch vụ có mức tăng cao nhất (6,82%), đóng góp nhiều nhất vào tăng trưởng GDP nói chung (62,29%). Quy mô GDP theo giá hiện hành năm 2023 ước đạt 10.221,8 nghìn tỷ đồng, tương đương 430 tỷ USD. GDP bình quân đầu người năm 2023 theo giá hiện hành ước đạt 101,9 triệu đồng/người, tương đương 4.284,5 USD, tăng 160 USD so với năm 2022.
Tính riêng trong quý IV/2023, GDP ước tính tăng 6,72% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn quý IV các năm 2012-2013 và 2020-2022 và với xu hướng tích cực, quý sau cao hơn quý trước. Các khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản; công nghiệp và xây dựng; dịch vụ có mức tăng cụ thể như trong hình 18, trong đó khu vực dịch vụ có mức tăng đóng góp nhiều nhất vào tăng trưởng GDP (49,91%).
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân năm 2023 tăng 3,25% so với năm 2022, thấp hơn nhiều so với mục tiêu đề ra cho cả năm 2023 (4,5%). CPI bình quân tăng 3,54% trong quý IV/2023 so với cùng kỳ năm 2022. CPI bình quân năm 2023 tăng so với năm trước chủ yếu do sự gia tăng của chỉ số giá nhóm một số lĩnh vực, mặt hàng như giáo dục, nhà ở và vật liệu xây dựng, lương thực, điện sinh hoạt, đồ uống và thuốc lá, thuốc và dịch vụ y tế,…
Bên cạnh đó, có một số yếu tố góp phần kiềm chế tốc độ tăng CPI năm 2023, bao gồm việc giảm chỉ số giá nhóm xăng dầu, gas, bưu chính, viễn thông; đồng thời, trong thời gian qua Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt các bộ, ngành, địa phương thực hiện đồng bộ các giải pháp bình ổn giá, hạn chế những tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội và qua đó giúp kiềm chế lạm phát của năm 2023.
Bình quân năm 2023, lạm phát cơ bản tăng 4,16% so với năm 2022, cao hơn mức tăng CPI bình quân chung (tăng 3,25%). Nguyên nhân chủ yếu do bình quân giá xăng dầu trong nước năm 2023 giảm 11,02% so với năm trước, giá gas giảm 6,94% là yếu tố kiềm chế tốc độ tăng của CPI nhưng thuộc nhóm hàng được loại trừ trong danh mục tính lạm phát cơ bản.
Khu vực doanh nghiệp chứng kiến những chuyển biến tích cực trong nửa cuối năm 2023. Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới năm 2023 đạt mức kỷ lục, với gần 160.000 doanh nghiệp, cao gấp 1,2 lần mức bình quân giai đoạn 2017-2022 và tăng 4,6% so với ước thực hiện cả năm.
Số lượng doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường tăng 4,5% so với cùng kỳ năm 2022, gấp 1,3 lần số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong 2023. Kết quả này cho thấy khu vực doanh nghiệp đang có sự cơ cấu lại, song niềm tin vào triển vọng kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp vẫn được củng cố.
Về xuất nhập khẩu, tính chung cả năm 2023, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu ước đạt 683 tỷ USD, giảm 6,6% so với năm trước, trong đó xuất khẩu giảm 4,4%; nhập khẩu giảm 8,9%. Cán cân thương mại hàng hóa năm 2023 ước tính xuất siêu 28 tỷ USD (năm trước xuất siêu 12,1 tỷ USD).
Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 21,74 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 49,74 tỷ USD. Về thị trường xuất, nhập khẩu năm 2023, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 96,8 tỷ USD, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 111,6 tỷ USD.
Trong năm 2023, xuất siêu sang nhiều thị trường có xu hướng giảm so với năm trước như Hoa Kỳ, EU, Trung Quốc, Hàn Quốc, ASEAN; riêng xuất siêu sang Nhật Bản có mức tăng trưởng mạnh, khoảng 90,3% so với năm trước.
Về tổng vốn đầu tư toàn xã hội, năm 2023, vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội theo giá hiện hành ước đạt 3.423,5 nghìn tỷ đồng, tăng 6,2% so với năm trước, trong đó: Vốn khu vực Nhà nước đạt chiếm 27,8% tổng vốn và tăng 14,6%; khu vực ngoài Nhà nước chiếm 56,1% và tăng 2,7%; khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài chiếm 16% và tăng 5,4%.
Tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam năm 2023 bao gồm: Vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 36,6 tỷ USD, tăng 32,1% so với năm trước, chủ yếu do vốn đăng ký cấp mới tăng mạnh (56,6%) với gần 3.200 dự án được cấp phép mới (tăng 62,2%) với nhiều dự án quy mô lớn (hàng trăm triệu USD đến 1,5 tỷ USD) từ Mỹ, Singapore, Trung Quốc, Hàn Quốc…v.v.
Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện tại Việt Nam năm 2023 ước đạt 23,2 tỷ USD, tăng 3,5% so với năm trước, là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất trong 5 năm qua. Trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 19,08 tỷ USD, chiếm tỷ lệ nhiều nhất (82,3%) tổng vốn FDI thực hiện.
Dự báo kinh tế Việt Nam năm 2024
Triển vọng kinh tế Việt Nam trong năm 2024 có những dấu hiệu cho thấy sẽ khả quan hơn năm 2023. Trong những tháng cuối cùng của năm 2023, các chỉ số kinh tế - xã hội của Việt Nam hầu hết đều có biến động tích cực, kinh tế vĩ mô được duy trì ổn định; lạm phát được kiểm soát; tăng trưởng được thúc đẩy.
Với đà phục hồi hiện tại cùng các biện pháp quyết liệt của Chính phủ, lãnh đạo các cấp, và triển vọng đang dần tích cực hơn của kinh tế thế giới, dự báo kinh tế Việt Nam năm 2024 sẽ phục hồi tốt hơn, và có thể đạt mức tăng trưởng 6 - 6,5% ở kịch bản cơ sở, theo đúng mục tiêu mà Chính phủ đã đặt ra.
Về lạm phát, sang năm 2024, với đà phục hồi kinh tế dự báo tốt hơn, cung tiền và vòng quay tiền cải thiện, trong khi lạm phát và giá cả thế giới (nhất là giá năng lượng, lương thực - thực phẩm và nguyên vật liệu cơ bản, dịch bệnh, thiên tai, căng thẳng địa chính trị còn phức tạp, khó lường) giảm nhưng còn ở mức cao, CPI bình quân của Việt Nam dự kiến sẽ tăng khoảng 3,5 - 4%, cao hơn năm 2023, nhưng trong ngưỡng mục tiêu cho phép.
Ngoài ra, năm 2024, một số mặt hàng do Nhà nước quản lý cũng dự kiến tiếp tục được điều chỉnh giá, như tăng lương tối thiểu vùng, học phí, giá điện tiếp tục đà tăng, giá dịch vụ y tế cũng có thể tăng mạnh do đề xuất thay đổi cách tính giá viện phí của Bộ Y tế gần đây, thực trạng có thể gây áp lực lên lạm phát. Tuy nhiên, các cơ quan quản lý có thể sẽ tính toán liều lượng và thời điểm điều chỉnh giá điện, dịch vụ y tế, giáo dục, phù hợp với mục tiêu kiểm soát lạm phát.
Tuy nhiên, trong năm 2024, kinh tế cả trong và ngoài nước vẫn có thể tiếp tục đối mặt với những khó khăn, thách thức khác chưa thể dự báo được hết. Mặc dù các tổ chức đánh giá cao khả năng phục hồi của nền kinh tế Việt Nam, nhưng vẫn tồn tại một số yếu tố có thể tác động tiêu cực.
Ví dụ như thách thức từ biến động giá năng lượng và giá điện có thể gây áp lực lạm phát; hay những biến động khó lường của ngành tài chính - ngân hàng có thể ảnh hưởng đến việc ổn định lãi suất, tỷ giá.
Ngoài ra, hoạt động xuất khẩu cũng sẽ phải tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn trong thời gian tới, bởi nền kinh tế toàn cầu đang bước vào thời kỳ đầy rủi ro; nguy cơ suy thoái kinh tế, lạm phát và lãi suất tiếp tục duy trì ở mức cao khiến nhu cầu tiêu dùng giảm mạnh tại các quốc gia trên thế giới, trong đó có khu vực châu Âu, châu Mỹ đều là những đối tác thương mại lớn của Việt Nam, cùng với đó là xu hướng dịch chuyển nguồn cung về gần thị trường tiêu thụ.
Như vậy, nếu những khó khăn của nền kinh tế như sức mua trong nước giảm, đơn hàng xuất khẩu không phục hồi như kỳ vọng, nguồn vốn hỗ trợ chưa tới được các doanh nghiệp… tiếp diễn trong năm 2024, số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường có thể sẽ tiếp tục gia tăng, từ đó, làm suy giảm hiệu quả sản xuất, kinh doanh chung của nền kinh tế. Do đó, các biện pháp duy trì ổn định kinh tế vẫn đòi hỏi sự nhạy bén và linh hoạt từ các nhà hoạch định chính sách, các cơ quan quản lý nhà nước.