Ngăn các ngân hàng bỏ vốn vào một giỏ

Một điểm mới của Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) là từ ngày 1/7, lộ trình giảm giới hạn cấp tín dụng chính thức bắt đầu. 

Ngan cac ngan hang bo von vao mot gio

Lộ trình giảm giới hạn cấp tín dụng trong 5 năm sẽ không gây đứt gãy đột ngột nguồn vốn kinh doanh của doanh nghiệp

Sắp siết tỷ lệ cấp tín dụng cho khách hàng lớn

Văn phòng Chủ tịch nước vừa công bố lệnh của Chủ tịch nước về Luật Các tổ chức tín dụng 2024. Luật đã đưa ra lộ trình giảm mạnh giới hạn cấp tín dụng với khách hàng lớn. Theo đó, trong 5 năm tới, tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với một khách hàng sẽ giảm từ mức tối đa 15% hiện nay xuống 10% vốn tự có của ngân hàng (mỗi năm giảm 1%). Tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với một khách hàng và người có liên quan cũng giảm từ tối đa 25% về 15% (mỗi năm giảm 2%).

Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty luật ANVI cho rằng, việc giảm giới hạn cấp tín dụng ảnh hưởng nhất định đến ngân hàng và doanh nghiệp, song do lộ trình siết giảm này kéo dài tới 5 năm, nên doanh nghiệp và ngân hàng có thời gian để chuẩn bị. Việc siết chặt tỷ lệ này là rất tích cực, thậm chí còn phải chặt hơn nữa. Lời khuyên “không bỏ trứng vào một giỏ” rất đúng với ngành ngân hàng.

“Nếu một ngân hàng cho 5-6 khách hàng vay vốn ở giới hạn tín dụng tối đa, mà 2-3 khách, nhóm khách hàng đó vỡ nợ, thì rủi ro của ngân hàng là rất lớn. Cho nên, giảm giới hạn cấp tín dụng, khuyến khích đồng tài trợ chính là để giảm rủi ro cho các ngân hàng. Nhiều ngân hàng tham gia tài trợ vốn đồng nghĩa nhiều người tham gia thẩm định, kiểm tra, xem xét, thì sẽ khách quan hơn, minh bạch hơn”, luật sư Trương Thanh Đức bình luận.

Lãnh đạo Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cũng nhận định, mức độ giảm giới hạn cấp tín dụng 1-2% mỗi năm như trên là cần thiết. Trong hoạt động của tổ chức tín dụng, cần hạn chế tập trung vốn tín dụng vào một khách hàng hay nhóm khách hàng. Giảm giới hạn cấp tín dụng cho khách hàng, nhóm khách hàng sẽ thúc đẩy phát triển thị trường vốn, tránh doanh nghiệp quá phụ thuộc vào vốn ngân hàng. Ngoài ra, giảm giới hạn cấp tín dụng đồng nghĩa với khuyến khích các tổ chức tín dụng tăng cường đồng tài trợ.

“Ngân hàng không nên tập trung dồn vốn cho một khách hàng, một nhóm khách hàng. Với dự án lớn, Nhà nước đã có cơ chế cho vay đồng tài trợ, vậy tại sao các ngân hàng không đẩy mạnh đồng tài trợ, cùng kiểm tra, cùng kiểm soát? Làm được như vậy sẽ tăng cường minh bạch, doanh nghiệp cũng phải quen dần, tránh phụ thuộc vào một tổ chức tín dụng”, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam nhận định.

Theo khuyến cáo của ông Hùng, khi Luật Các tổ chức các tín dụng (sửa đổi) có hiệu lực, các doanh nghiệp cần có sự chuẩn bị để tiếp cận nhiều tổ chức tín dụng, thay vì chỉ một vài tổ chức tín dụng như hiện tại, hoặc cũng có thể các tổ chức tín dụng đứng ra làm đầu mối mời các ngân hàng bạn tham gia để đồng tài trợ tiếp cho khách hàng, nhóm khách hàng đó.

Không để doanh nghiệp dựa quá nhiều vào vốn ngân hàng

Việc giảm giới hạn cấp tín dụng cho khách hàng lớn sẽ khiến doanh nghiệp phải tiếp cận cùng lúc nhiều ngân hàng mới đảm bảo đủ nguồn lực tài chính để triển khai dự án. Thủ tục và chi phí liên quan đến tài chính cũng sẽ bị đội lên.

Theo chuyên gia phân tích Maybank IBG Research, giảm giới hạn cấp tín dụng sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch cho vay của một số ngân hàng, cũng như tạo thách thức cho các doanh nghiệp trong việc đảm bảo nguồn vốn lớn.

Dù vậy, đa phần ý kiến cho rằng, lộ trình giảm giới hạn cấp tín dụng kéo dài trong 5 năm là phù hợp, không gây đứt gãy đột ngột nguồn vốn hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp. Hơn nữa, có một thực tế là hiện nay, nhiều doanh nghiệp - đặc biệt là doanh nghiệp bất động sản - đang dựa quá lớn vào tín dụng ngân hàng, gây rủi ro cho cả ngân hàng lẫn doanh nghiệp. Do đó, việc giảm bớt cấp tín dụng cho khách hàng lớn sẽ làm giảm bớt tình trạng này.

Theo PGS-TS. Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế, nếu năm 2021, nguồn vốn trái phiếu doanh nghiệp chiếm 31% tổng nguồn vốn của doanh nghiệp bất động sản, thì đến năm 2022, vốn trái phiếu doanh nghiệp chỉ còn chiếm 7,7% tổng nguồn vốn của doanh nghiệp. Ngược lại, năm 2021, tín dụng mới chiếm 46% tổng nguồn vốn của doanh nghiệp bất động sản, thì năm 2022 đã tăng lên gần 74%. Xu hướng này tiếp tục diễn ra trong năm 2023.

Chính vì vậy, các chuyên gia kinh tế cho rằng, doanh nghiệp cần giảm tư duy lệ thuộc vào nguồn vốn ngân hàng. Ngược lại, để hạn chế rủi ro, doanh nghiệp cần đẩy mạnh tiếp cận vốn thông qua thị trường vốn. Giảm giới hạn cấp tín dụng là một trong các giải pháp khiến doanh nghiệp buộc phải giảm bớt sự phụ thuộc vào tín dụng ngân hàng, đa dạng kênh huy động vốn.

“Phải tiến tới đẩy mạnh và phát triển thị trường vốn một cách ổn định để các doanh nghiệp huy động được vốn trong sản xuất - kinh doanh trên thị trường vốn. Không thể đặt áp lực vốn kinh doanh lên các tổ chức tín dụng”, ông Nguyễn Quốc Hùng đề xuất.

Hiện nay, thị trường vốn, đặc biệt là thị trường trái phiếu doanh nghiệp còn nhiều khó khăn. Tuy vậy, do môi trường lãi suất thuận lợi cộng với niềm tin của nhà đầu tư đang dần quay lại, nhiều khả năng kênh huy động vốn này sẽ dần khởi sắc từ nửa cuối năm nay, giảm dần áp lực cho tín dụng ngân hàng.

Theo Hà Tâm/Đầu tư

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN