CTCP Beton 6 (BT6) công bố báo cáo tài chính năm 2020 với doanh thu thuần tăng khá hơn 50% so với năm 2019 lên 89 tỷ đồng.
Tuy nhiên, giá vốn lại vọt lên tới 140 tỷ đồng, gấp 1,8 lần cùng kỳ. Do đó, BT6 bị lỗ gộp 50 tỷ đồng, cao hơn mức lỗ gộp của năm trước là 17 tỷ đồng.
Chi phí lãi vay tiếp tục là gánh nặng của BT6 khi chiếm tới 54 tỷ đồng. Ngoài ra, chi phí quản lý kỳ này đột biến gấp 10 lần cùng kỳ với 156 tỷ đồng.
Cộng thêm mức lỗ hơn 2 tỷ đồng từ hoạt động khác, BT6 ngậm ngùi báo lỗ nặng 261 tỷ đồng trong năm 2021, trong khi năm trước chỉ lỗ 82 tỷ đồng, ghi nhận mức lỗ năm thứ 5 liên tiếp.
Với kết quả này, lỗ luỹ kế của BT6 nâng lên 686 tỷ đồng, khiến vốn chủ sở hữu âm 284 tỷ đồng.
Tại thời điểm 31/12/2020, BT6 vẫn còn 343 tỷ đồng vay nợ tài chính ngắn hạn, còn dài hạn đã giảm xuống còn 161 triệu đồng.
Tổng tài sản của BT6 giảm 228 tỷ đồng xuống còn 663 tỷ đồng. Trong đó ghi nhận những khoản dự phòng khủng như hơn 300 tỷ phải thu ngắn hạn khó đòi; 121 tỷ đầu tư tài chính dài hạn.
Hồi đầu năm, BT6 trình cổ đông thông qua việc xóa khoản nợ phải thu khó đòi với tổng giá trị hơn 482 tỷ đồng. Dư nợ đáng kể nhất là đối với Công ty TNHH MTV 3D - Long Hậu (gần 124 tỷ đồng), Khu tái định cư Trương Đình Hội 2 (hơn 30 tỷ đồng), Công ty TNHH Đầu tư hạ tầng và xi măng HB (55 tỷ đồng), ông Trần Nguyên Vũ (33 tỷ đồng).
Tại báo cáo này, đơn vị kiểm toán từ chối đưa ra ý kiến do hàng loạt vấn đề không thể thu thập được bằng chứng kiếm toán thích hợp.
Cụ thể, số dư của một số khoản công nợ có giá trị sổ sách như Phải thu khách hàng 122 tỷ đồng, trả trước cho người bán ngắn hạn 69 tỷ, Phải trả người bán ngắn hạn 63 tỷ và Người mua trả tiền trước ngắn hạn 33 tỷ.
Kiểm toán cũng cho biết khả năng thu hồi các khoản công nợ phải thu quá hạn thanh toán và các khoản ứng trước cho nhà cung cấp tồn lâu với số tiền theo sổ sách lần lượt là 98 tỷ và 71 tỷ cũng như số dự phòng cần phải trích lập cho các khoản nợ phải thu quá hạn này, nếu có.
Giá trị thuần của hàng tồn kho chậm luân chuyển tồn lâu có giá trị 38 tỷ và số dự phòng phải trích lập có liên quan.
Ngày 9/12/2019, công ty đã có đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản gửi Toà án Nhân dân tỉnh Bình Dương do BT6 đã mất khả năng thanh toán và không có khả năng để thanh toán những khoản nợ đến hạn cho các chủ nợ là các tổ chức tín dụng, nhà cung cấp, đối tác.
Ngày 16/1/2020, Toà án đã có quyết định mở thủ tục phá sản. Tuy nhiên, BT6 chưa thực hiện đánh giá lại toàn bộ tài sản và nợ phải trả theo quy định và chưa thực hiện lập báo cáo theo nguyên tắc lập và trình bày báo cáo tài chính của doanh nghiệp không đáp ứng giả định hoạt động liên tục.
Với các bẳng chứng hiện có, đơn vị kiểm toán chưa thể đánh giá được giá trị của tài sản và nợ phải trả theo đúng quy định.
Dù từ chối đưa ra ý kiến kiểm toán, song đơn vị kiểm toán nhấn mạnh, hiện nay, BT6 không thể sử dụng hoá đơn của Cục Thuế tỉnh Bình Dương ngày 23.12.2020 về việc cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế bằng biện pháp ngừng sử dụng hoá đơn do không chấp hành thông báo tiền thuế nợ, tiền phạt và tiện phạt chậm nộp. BT6 tiếp tục được sử dụng các hoá đơn tương ứng với việc thanh toán khoản nợ thuế.
BT6 đã ghi nhận khoản đầu tư vào CTCP 3D bằng việc cấn trừ công nợ phải thu từ hợp đồng hợp tác đầu tư năm 2014 với Công ty TNHH Đầu tư và Xây dựng Phát triển Tân Việt và công nợ cá nhân ông Vũ Đức Lợi số tiền 118 tỷ, đồng thời dự phòng 100% cho khoản đầu tư này do đánh giá không có khả năng thu hồi khoản đầu tư này từ tài sản thuần hiện có của CTCP 3D.
Theo Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp ngày 28/12/2016, BT6 đầu tư vào CTCP Xây dựng và Kỹ thuật H&B 200 tỷ đồng, tương đương 44,44% vốn bằng tài sản với giá trị hơn 5,69 tỷ và theo giá trị định giá lại tại thời điểm góp là 200 tỷ. Hiện BT6 vẫn chưa thực hiện các thủ tục để chuyển quyền sở hữu các tài sản góp vốn cho bên nhận vốn góp.