Xét về cơ cấu, lần lượt Điện máy Xanh (ĐMX) đóng góp 47.4% doanh thu; Bách hóa Xanh (BHX) đóng góp 29.2%; Thế giới Di động (TGDĐ) - bao gồm cả TopZone - đóng góp 20.5%.
Tính đến cuối tháng 5, MWG ghi nhận giảm hoặc giữ nguyên số lượng cửa hàng tại hầu hết các chuỗi, trừ EraBlue. MWG hiện hoạt động với 1,070 cửa hàng TGDĐ, 2,180 cửa hàng ĐMX, 1,698 cửa hàng BHX, 526 nhà thuốc An Khang, 64 cửa hàng Ava Kids và 59 cửa hàng EraBlue.
Lũy kế 5 tháng đầu năm, tổng doanh thu chuỗi TGDĐ và ĐMX đạt 36.9 ngàn tỷ đồng, tăng gần 6% so với cùng kỳ.
Nhưng nếu xét riêng tháng 5, tổng doanh thu 2 chuỗi chỉ đạt 7.5 ngàn tỷ đồng, giảm 7% so với tháng liền trước, chủ yếu đến từ sự sụt giảm của sản phẩm máy lạnh do yếu tố mùa vụ mà cụ thể là mùa mưa đến vào cuối tháng 5. Diễn biến này hoàn toàn trái ngược với tình hình thời tiết nắng nóng trong những tháng trước đó, giúp thúc đẩy mạnh mẽ doanh thu sản phẩm máy lạnh.
Tuy nhiên, MWG cho biết các ngành hàng điện thoại và tivi vẫn tăng trưởng tốt về doanh số so với tháng 4, do Công ty triển khai chương trình khuyến mãi và nhờ sự kiện bóng đá diễn vào tháng 6/2024.
Còn nhớ tại buổi họp nhà đầu tư quý 1/2024 vừa diễn ra trong tháng 5, Chủ tịch HĐQT Nguyễn Đức Tài từng có chia sẻ và dự báo về xu hướng kết quả kinh doanh của các dòng sản phẩm: “Máy lạnh là sản mùa vụ rất cao, bước vào mùa mát của thu Hà Nội hay mùa mưa sẽ sụt giảm. Đến khoảng thời gian diễn ra Euro thì kỳ vọng ngành tivi tích cực, nhưng rõ ràng quý 3 thường sẽ là quý thấp điểm. Đến quý 4 sẽ trở lại mùa mua sắm để chuẩn bị đón năm mới”.
Liên quan đến yếu tố mùa vụ, ông Đoàn Văn Hiểu Em – thành viên HĐQT MWG cũng chia sẻ tại buổi họp: “Đa dạng nhóm hàng là lợi thế của TGDĐ và ĐMX, có những nhóm hàng bán quanh năm nhưng cũng có những nhóm hàng có yếu tố mùa vụ, điển hình như máy lạnh thường sẽ không có gì đột biến trong tháng 1, 2 và 3, nhưng từ tháng 4 đến 7 tăng trưởng rất mạnh, từ tháng 8 trở đi sẽ có điều chỉnh giảm. Tuy nhiên, tháng 1, 2, 3 và tháng 8, 9 lại là mùa vụ của những nhóm hàng khác. Nhìn chung, quanh năm MWG vẫn hưởng những lợi thế từ yếu tố mùa vụ”.
Về doanh thu online, 5 tháng đầu năm đạt khoảng 5.3 ngàn tỷ đồng, chiếm 14% tổng doanh thu của cả 2 chuỗi. Tuy nhiên MWG lưu ý rằng, trong tháng 5 có thay đổi cách tính doanh thu online, khi chỉ tính các giao dịch khách hàng đặt trực tiếp qua website và nhận hàng tại nhà, nên có sự dịch chuyển về tỷ trọng giữa online và offline, nhưng không làm ảnh hưởng đến hiệu quả chung của 2 phương thức bán hàng này.
Lũy kế 5 tháng đầu năm, chuỗi BHX đạt 15.8 ngàn tỷ đồng doanh thu, tăng 42% so với cùng kỳ. Riêng tháng 5, doanh thu đạt 3.4 ngàn tỷ đồng, tăng gần 6% so với tháng 4. Theo MWG, tăng trưởng chính đến từ cả 2 ngành hàng tươi sống và FMCGs.
Điều đặc biệt trong báo cáo tháng 5 là doanh thu bình quân của chuỗi BHX đã đạt 2 tỷ đồng/cửa hàng/tháng, tiến gần hơn đến mức kỳ vọng của lãnh đạo MWG.
Trước đó, cũng tại buổi họp nhà đầu tư quý 1, Tổng Giám đốc BHX Phạm Văn Trọng từng cho biết: “Với quy mô hiện tại, doanh thu trung bình mỗi cửa hàng BHX sẽ trên 2 tỷ đồng/tháng”.
Để cải thiện lợi nhuận BHX trong năm 2024, ông Trọng cho biết vẫn tiếp tục chiến lược đặt ra từ đầu năm là tăng trưởng về doanh thu và tập trung tối ưu chi phí, trong đó có 2 mảng lớn là chi phí vận hành cửa hàng và chi phí vận hành logistics.
Ông Trọng đánh giá sức mua tiêu dùng dự kiến không tăng hoặc tăng không đáng kể cho đến cuối năm. Tuy nhiên, điểm lợi cho BHX là xu thế chuyển dịch từ kênh truyền thống sang hiện đại vẫn đang tiếp diễn, đồng thời nhấn mạnh BHX đang trên lộ trình hướng đến đóng góp vào lợi nhuận cho Tập đoàn trong năm 2024.