“Cả nhà đều giỏi làm sao con tự kỷ được” - lời khẳng định chắc nịch của bố và cái kết đau lòng với con trai

Khi thấy con có biểu hiện bất thường, nhiều gia đình đã đưa đi khám nhưng lại không chấp nhận khi được thông báo mắc tự kỷ. Để rồi, chính sự “cố chấp” ấy đã khiến cho những đứa trẻ mất đi cơ hội vàng có được cuộc sống bình thường.

Thạc sĩ tâm lý lâm sàng Hoàng Quốc Lân, Trung tâm Trung tâm chăm sóc sức khoẻ tinh thần cho biết, qua truyền thông hiện nay nhiều phụ huynh đã nhận thức đúng và đủ về rối loạn phổ tự kỷ, khi thấy con có biểu hiện bất thường là sẽ cho đi khám sớm, để được can thiệp kịp thời. Thế nhưng, một số trường hợp dù có học thức nhưng lại không chấp nhận việc con bị tự kỷ, để rồi sau đó chính những đứa trẻ phải gánh chịu hậu quả.

Thạc sĩ Quốc Lân lấy ví dụ về một bé trai tên Huy (ở Hà Nội) đã buộc phải thôi học vì không được can thiệp tự kỷ từ sớm, nên không thể tham gia các hoạt động học tập và giao tiếp xã hội bình thường với các bạn cùng lớp. Theo chia sẻ từ gia đình, Huy từ nhỏ đã tỏ ra có năng khiếu tính toán và nghi nhớ khá giỏi. Thực tế, từ khi đi học mầm non và năm đầu tiểu học, em biết tính toán rất nhanh và vượt trội hơn các bạn cùng trang lứa.

Theo thạc sĩ tâm lý Hoàng Quốc Lân, trẻ tự kỷ cần can thiệp trước 3 tuổi là tốt nhất. 

Thế nhưng việc giao tiếp, nhận thức các vấn đề khác lại rất bất thường, gia đình đưa đi khám nhiều nơi nhưng mỗi nơi đánh giá một kiểu. Khi đưa đến gặp thạc sĩ Lân, qua đánh giá kỹ lưỡng, bé Huy được chẩn đoán bị tự kỷ và cần được can thiệp ngay.

Gia đình Huy khá nổi tiếng, khi bố và ông bà đều là người có học vị cao, vì thế khi được thông báo mắc tự kỷ không ai chấp nhận điều đó. Họ còn tự hào, gia đình nhiều thế hệ ai cũng giỏi và thông minh, làm sao có chuyện cháu bị tự kỷ được và quyết định đưa cháu về không điều trị”, thạc sĩ Lân chia sẻ.

Tại gia đình chỉ có mẹ của bé Huy làm trong lĩnh vực giáo dục là hiểu ra vấn đề, nhưng cô lạc lõng một mình nên không thể làm gì khi bị cả nhà phủ nhận. Đến khi Huy lớn hơn một chút, bước vào tuổi vị thành niên những biểu hiện này càng rõ rệt hơn và bộc lộ ra ngoài.

Khi đi học Huy rất hay đánh bạn trên lớp, dù đó chỉ là va chạm rất nhỏ nhưng em không kiềm chế được cảm xúc. Rồi sẵn sàng tè bậy vào đồ dùng của người khác, về nhà thì vệ sinh lên cả giường và cảm thấy việc làm của mình rất “khoái chí”.

Các biểu hiện trên ngày càng rõ ràng và cuối cùng nhà trường buộc phải cho Huy nghỉ học, vì tiếp tục theo học ngoài không theo kịp các bạn, còn có thể gây nguy hiểm với người khác. Chỉ đến khi đó, gia đình mới thừa nhận con bị tự kỷ và cho đi can thiệp đặc biệt. Tuy nhiên, thời điểm đó dù vẫn can thiệp được, nhưng đã bỏ lỡ cơ hội vàng và thậm chí là hỏng cả tương lai đứa trẻ.

Thạc sĩ Hoàng Quốc Lân can thiệp cho một số trẻ lớn mắc tự kỷ. 

Trường hợp này nếu can thiệp sớm hơn mọi chuyện sẽ khác”, thạc sĩ Lân nói và cho biết thêm rằng, rất nhiều trẻ mắc tự kỷ khi được can thiệp sớm hoàn toàn có thể học tập, giao tiếp như các bạn cùng trang lứa. Khi được can thiệp từ nhỏ và can thiệp phù hợp theo từng lứa tuổi, trẻ tự kỷ hoàn toàn có cuộc sống bình thường, thậm chí nhiều người được chẩn đoán tự kỷ lúc nhỏ, nhưng trưởng thành vẫn lập gia đình và sinh con.

Qua trường hợp trên, thạc sĩ Lân cho rằng, tự kỷ không phải là bệnh, cũng không phải là cái gì đó đáng sợ như mọi người vẫn nghĩ. Dù tự kỷ không chữa được khỏi hoàn toàn, nhưng việc can thiệp và giáo dục sẽ cải thiện những kỹ năng giao tiếp, giúp trẻ thích ứng với môi trường, xã hội rất tốt.

Theo đó, thời điểm vàng để can thiệp trẻ tự kỷ là dưới 3 tuổi. Thường trẻ có những biểu hiện rất rõ về nhận thức hành vi, giao tiếp, vận động. Thậm chí, nhiều trẻ có những kỹ năng đặc biệt như ghi nhớ tốt, vẽ tranh đẹp, đánh đàn hay… nhưng phụ huynh không nên vội mừng. Bởi những kỹ năng đó đôi khi chỉ là sự sao chép máy móc của trẻ để ghi nhớ lại. Do vậy, khi có biểu hiện này, kèm theo bất thường về vận động, ngôn ngữ cần đưa trẻ đi khám sớm.