Xây lắp Sông Đà kinh doanh ra sao khi nợ thuế quá hạn?

Báo cáo tài chính bán niên 2023 đã được xoát xét của Công ty CP Đầu tư và Xây lắp Sông Đà cho thấy, tình hình kinh doanh thời gian gần đây của doanh nghiệp không mấy khả quan.
Báo cáo tài chính bán niên 2023 đã được xoát xét của Công ty CP Đầu tư và Xây lắp Sông Đà cho thấy, tình hình kinh doanh thời gian gần đây của doanh nghiệp không mấy khả quan khi lỗ ròng hơn 13 tỷ đồng sau 6 tháng đầu năm 2023, qua đó đẩy mức lỗ lũy kế tại thời điểm 30/6/2023 lên hơn 47,2 tỷ đồng.
Liên tiếp vi phạm thuế, bị xử phạt
Mới đây, Công ty CP Đầu tư và Xây lắp Sông Đà (mã: SDD) công bố thông tin nhận được các quyết định của Cục Thuế TP Hà Nội về việc cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản của đối tượng bị cưỡng chế, có hiệu lực từ ngày 26/9 – 25/10/2023. Tổng số tiền bị cưỡng chế thuế là hơn 2,6 tỷ đồng.
Lý do cưỡng chế được cơ quan thuế nêu ra là Công ty CP Đầu tư và Xây lắp Sông Đà đã không thực hiện nộp số thuế trên trong thời hạn quy định. Trong đó, thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp là 160 triệu đồng, thuế giá trị gia tăng là 573 triệu đồng, tiền phạt vi phạm hành chính là 543 triệu đồng và tiền chậm nộp thuế là 1,3 tỷ đồng.
Ngoài ra, do Công ty CP Đầu tư và Xây lắp Sông Đà mở 14 tài khoản tiền gửi tại 7 ngân hàng, Cục thuế TP Hà Nội đề nghị các ngân hàng thông báo cho bộ phận quản lý nợ của cơ quan thuế trước khi trích nộp tiền vào ngân sách Nhà nước, nhằm tránh việc trích vượt số tiền cưỡng chế theo quy định.
Được biết, đây không phải lần đầu Công ty CP Đầu tư và Xây lắp Sông Đà bị xử phạt do vi phạm thuế. Trước đó, hồi cuối tháng 5/2023, Công ty CP Đầu tư và Xây lắp Sông Đà cũng đã bị phạt và truy thu thuế hơn 16 tỷ đồng do đã có hành vi kê khai khấu trừ thuế giá trị gia tăng của hàng hóa dịch vụ mua vào không đúng quy định; kê khai thuế giá trị gia tăng bán ra không đúng quy định; kê khai thuế không đúng quy định.
Đối với thuế thu nhập doanh nghiệp, công ty nộp thuế hạch toán vào chi phí tính thuế thu nhập doanh nghiệp các khoản chi không được trừ theo quy định; nộp thuế hoạch toán chi phí là hóa đơn mua hàng của doanh nghiêp bỏ địa chỉ kinh doanh theo thông báo của cơ quan thuế.
Với các vi phạm trên, Công ty CP Đầu tư và Xây lắp Sông Đà đã bị xử phạt 659 triệu đồng. Cùng đó, doanh nghiệp bị truy thu tiền thuế nộp thiếu là gần 14,3 tỷ đồng trong đó gồm 12,3 tỷ đồng thuế giá trị gia tăng và gần 2 tỷ đồng thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền chậm nộp hơn 1,36 tỷ đồng.
Tương tự, vào ngày 23/5/2023, Công ty CP Đầu tư và Xây lắp Sông Đà cũng nhận được quyết định xử phạt vi phạm về thuế, với tổng số tiền truy thu thuế từ các năm trước là gần 3,4 tỷ đồng. Ban lãnh đạo công ty đã quyết định ghi nhận số thuế phải truy thu này vào kết quả kinh doanh nhưng không thực hiện điều chỉnh hồi tố báo cáo tài chính các năm trước. Điều này trở thành một trong những nguyên nhân khiến SDD phải nhận ý kiến ngoại trừ của đơn vị kiểm toán đối với báo cáo tài chính soát xét bán niên 2023.
Kinh doanh ảm đạm
Tìm hiểu được biết, Công ty CP Đầu tư và Xây lắp Sông Đà có tiền thân là chi nhánh của Công ty Xây dựng Sông Đà II được thành lập năm 1996. Năm 2019, cổ phiếu công ty chính thức giao dịch trên thị trường UPCoM.
Theo giới thiệu trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, Công ty CP Đầu tư và Xây lắp Sông Đà được thành lập ngày 20/5/2004, hoạt động chính trong lĩnh vực xây dựng công trình điện. Công ty có địa chỉ trụ sở chính tại tầng 19, tòa nhà Vinaconex, số 34 Láng Hạ, phường Láng Hạ, quận Đống Đa, TP Hà Nội. Giám đốc kiêm người đại diện pháp luật công ty là ông Nguyễn Phương Đông (sinh năm 1990).
Xay lap Song Da kinh doanh ra sao khi no thue qua han?
Nhà máy thủy điện Tắt Ngoẵng. Ảnh: Internet. 
Công ty CP Đầu tư và Xây lắp Sông Đà được biết đến là chủ đầu tư dự án Nhà máy thủy điện Tắt Ngoẵng công suất thiết kế 7MW, Nhà máy thủy điện Mường Sang 2 công suất thiết kế 4,8MW tại Sơn La; thủy điện Chấn Thịnh công suất 10MW tại Yên Bài và thủy điện Lông Tạo công suất 42MW tại Điện Biên. Thời điểm hiện tại, công ty đang có vốn điều lệ hơn 160 tỷ đồng.
Về tình hình kinh doanh, theo báo cáo tài chính quý II/2023, Công ty CP Đầu tư và Xây lắp Sông Đà ghi nhận doanh thu tăng mạnh gần 7 lần so với cùng kỳ năm 2022, lên hơn 26,5 tỷ đồng. Tuy nhiên, do giá vốn tăng cao hơn doanh thu và tăng chi phí từ các khoản bị phạt nên Công ty CP Đầu tư và Xây lắp Sông Đà vẫn lỗ hơn 8 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm trước chỉ lỗ gần 2 tỷ đồng.
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2023, Công ty CP Đầu tư và Xây lắp Sông Đà ghi nhận hơn 28,1 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng hơn 11,9 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2022. Trong khi đó, theo giải trình từ phía doanh nghiệp cho biết, chi phí giá vốn hàng bán tăng gấp đôi so với cùng kỳ, tương ứng tăng gần 15 tỷ đồng; chi phí lãi vay, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng; chi phí khác và thuế thu nhập doanh nghiệp tăng do truy thuế gần 5,4 tỷ đồng.
Kết quả, Công ty CP Đầu tư và Xây lắp Sông Đà báo lỗ ròng hơn 13 tỷ đồng sau 6 tháng đầu năm 2023, giảm hơn 10% so với cùng kỳ năm trước, qua đó đẩy mức lỗ lũy kế tại 30/6/2023 lên hơn 47,2 tỷ đồng.
Tại thời điểm cuối quý II/2023, tổng tài sản của Công ty CP Đầu tư và Xây lắp Sông Đà ghi nhận ở mức 306,6 tỷ đồng, giảm nhẹ gần 5 tỷ đồng so với đầu năm. Tài sản ngắn hạn chưa đến 78 tỷ đồng trong khi nợ ngắn hạn ở mức 137 tỷ đồng (lớn hơn tài sản ngắn hạn hơn 59,2 tỷ đồng). Tổng dư nợ vay ngắn và dài hạn ở mức 92 tỷ đồng. Nợ gốc vay quá hạn và lãi vay quá hạn chưa thanh toán lần lượt là hơn 8,3 tỷ đồng và 3,1 tỷ đồng. Những vấn đề này là dấu hiệu cho thấy sự không chắc chắn mang tính chất trọng yếu về khả năng hoạt động liên tục của công ty.
Trên thị trường chứng khoán, đóng cửa phiên giao dịch ngày 5/10, cổ phiếu SDD của của Công ty CP Đầu tư và Xây lắp Sông Đà dừng ở mức giá “trà đá” 2.300 đồng với khối lượng giao dịch hơn 88.670 đơn vị.
Liên Hà Thái

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN