Vào đầu tháng 4/2022, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã công bố hủy bỏ 9 đợt chào bán trái phiếu riêng lẻ để huy động 10.030 tỷ đồng từ tháng 7/2021 đến tháng 3/2022 của 3 công ty gồm: Công ty TNHH đầu tư bất động sản Ngôi Sao Việt (Công ty Ngôi Sao Việt), Công ty CP Cung Điện Mùa Đông (Công ty Cung điện Mùa đông) và Công ty CP đầu tư và dịch vụ khách sạn Soleil (Công ty Soleil) thuộc Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Khách sạn Tân Hoàng Minh (Tập đoàn Tân Hoàng Minh) do thực hiện công bố thông tin sai sự thật, che giấu thông tin trong hoạt động phát hành trái phiếu riêng lẻ.
Thu hồi hơn 8.600 tỷ đồng hoàn trả cho bị hại
Trong vụ án Tập đoàn Tân Hoàng Minh, bị can Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch Tập đoàn này chỉ đạo cấp dưới sử dụng pháp nhân 3 công ty gồm Ngôi Sao Việt, Soleil và Cung Điện Mùa Đông để phát hành trái phiếu riêng lẻ rồi bán lại cho Tập đoàn Tân Hoàng Minh. Tiếp đó, Tập đoàn Tân Hoàng Minh phân phối những trái phiếu này cho các nhà đầu tư cá nhân, thu về hơn 13.000 tỷ đồng. Số tiền này được sử dụng trái mục đích phát hành trái phiếu, gây thiệt hại hơn 8.000 tỷ đồng cho hơn 6.600 nhà đầu tư.
Quá trình điều tra đến nay, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã thu hồi tổng cộng gần 8.645 tỷ đồng, khắc phục toàn bộ hậu quả vụ án, đảm bảo thi hành án, hoàn trả cho bị hại.
Theo Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an, hành vi của Đỗ Anh Dũng và 10 bị can tại Tân Hoàng Minh (gồm: Đỗ Hoàng Việt, Phùng Thế Tính, Nguyễn Mạnh Hùng, Trần Hồng Sơn, Nguyễn Khoa Đức, Lê Văn Thịnh, Hoàng Quyết Chiến, Lê Thị Mai, Vũ Lê Vân Anh và Nguyễn Văn Khẩn), với sự giúp sức của các bị can tại Công ty Kiểm toán Nam Việt, chi nhánh phía Bắc (Bùi Thị Ngọc Lân) và Công ty CPA Hà Nội (gồm: Lê Văn Dò, Nguyễn Thị Hải và Phan Anh Hùng) đã phạm vào tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" quy định tại khoản 4, Điều 174 Bộ luật Hình sự. Trong đó, Đỗ Anh Dũng giữ vai trò chủ mưu chịu trách nhiệm về số tiền đã chiếm đoạt 8.643 tỷ đồng của 6.630 bị hại trong vụ án.
|
Vụ trái phiếu Tân Hoàng Minh: Những cty chứng khoán nào bị gọi tên? (ảnh minh họa: Internet). |
Công ty chứng khoán nào tiếp tay?
Theo công bố của cơ quan điều tra, có 5 công ty chứng khoán đã ký các hợp đồng dịch vụ tư vấn phát hành, đại lý đăng ký, lưu ký, đại diện chủ sở hữu trái phiếu liên quan đến vụ án Tân Hoàng Minh.
Cụ thể, năm 2021, Công ty Chứng khoán An Bình (ABBS, UPCoM: ABW) do ông Trương Ngọc Lân làm Tổng Giám đốc, ký hợp đồng tư vấn phát hành, đại lý đăng ký, lưu ký, đại diện sở hữu gói trái phiếu 800 tỷ đồng cho Công ty Soleil.
Tiếp đó, Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVS) do ông Nhữ Đình Hòa làm Tổng Giám đốc ký hợp đồng tư vấn và đại lý phát hành gói trái phiếu 800 tỷ đồng cho Công ty Ngôi Sao Việt.
Công ty Chứng khoán Agriseco (AGR) do ông Đinh Ngọc Phương làm Tổng giám đốc, ký ba hợp đồng tư vấn phát hành gói trái phiếu riêng lẻ 450 tỷ đồng; 500 tỷ đồng và 1.900 tỷ đồng cho Công ty Soleil.
Cùng đó, Công ty Chứng khoán Everest (EVS) do ông Nguyễn Thành Chung làm Tổng Giám đốc, đã ký hợp đồng tư vấn phát hành gói trái phiếu 3.230 tỷ đồng cho Công ty Cung điện Mùa đông.
Còn lại, Công ty Chứng khoán KIS Việt Nam (KIS) do ông Park Won Sang (quốc tịch Hàn Quốc) làm Tổng Giám đốc, ký hợp đồng tư vấn, đại lý phát hành trái phiếu cho gói trái phiếu 450 tỷ đồng với Công ty Cung điện Mùa đông, làm đại diện trái chủ, nhận tài sản bảo đảm.
Ngoài ra, KIS Việt Nam còn ký hợp đồng tư vấn, chuẩn bị hồ sơ chào bán cho hai gói trái phiếu trị giá 1.900 tỷ đồng và gói trái phiếu 1.100 tỷ đồng cho Công ty Cung Điện Mùa Đông. Tuy nhiên, các gói trái phiếu này chưa kịp hoàn thành thì bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) ra quyết định thu hồi vào tháng 4/2022.
Về cơ bản, phạm vi công việc của các công ty chứng khoán bao gồm tư vấn xây dựng hồ sơ và thủ tục liên quan đến phát hành trái phiếu riêng lẻ, rà soát việc đáp ứng đầy đủ quy định về điều kiện phát hành, hồ sơ phát hành và hỗ trợ trong quá trình phân phối trái phiếu đến nhà đầu tư tùy thuộc vào phạm vi hợp đồng.
Không kiến nghị chuyển cơ quan điều tra
Trong một diễn biến khác, trước đó, tháng 4/2022, UBCKNN đã tiến hành kiểm tra việc cung cấp dịch vụ của các công ty chứng khoán trên và phát hiện một số lỗi vi phạm.
Trong đó, tại Công ty Chứng khoán An Bình, doanh nghiệp không đảm bảo các thông tin trong hồ sơ chào bán chính xác. Hồ sơ của Công ty Soleil có Nghị quyết Hội đồng quản trị thông qua phương án phát hành nhưng phương án phát hành thiếu trang dẫn đến thông tin không đầy đủ. Cùng đó, bản công bố thông tin đợt chào bán nêu Soleil chưa từng phát hành trái phiếu, không tồn đọng nợ đến hạn chưa thanh toán. Nhưng thực tế, báo cáo tài chính của công ty thể hiện có trái phiếu. Công ty Chứng khoán An Bình đã bị UBCKNN xử phạt 310 triệu đồng và không bị kiến nghị chuyển cơ quan điều tra.
Trong khi đó, Công ty Chứng khoán Bảo Việt không rà soát đầy đủ đối với một số thông tin trong bản công bố thông tin phát hành trái phiếu của Ngôi Sao Việt. Trên thực tế, nhà đầu tư mua trái phiếu là do Công ty Ngôi Sao Việt tìm kiếm, Chứng khoán Bảo Việt chỉ thực hiện các thủ tục đại lý phát hành. Với lỗi vi phạm này, UBCKNN chỉ lập biên bản ghi nhận, không xử phạt, không kiến nghị chuyển cơ quan điều tra.
Đối với Công ty Chứng khoán Agriseco, UBCKNN xác định công ty chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm rà soát hồ sơ chào bán trái phiếu của Soleil. Tương tự như với Chứng khoán Bảo Việt, UBCKNN chỉ nhắc nhở, không xử phạt.
Tương tự, Công ty Chứng khoán Everest và KIS Việt Nam cũng không thực hiện đầy đủ trách nhiệm rà soát hồ sơ và bị UBCKNN xử phạt lần lượt là 400 triệu đồng và 335 triệu đồng, không kiến nghị chuyển cơ quan điều tra.
Sau khi có yêu cầu từ cơ quan điều tra, các công ty chứng khoán này đều đã nộp lại toàn bộ khoản phí đã được nhận theo hợp đồng nhằm thu hồi nguồn tiền phạm tội. Trong đó, Chứng khoán An Bình nộp 2,5 tỷ đồng, Bảo Việt nộp 1,55 tỷ đồng, Everest nộp 500 triệu đồng, KIS nộp 649 triệu đồng...