Vạn Thịnh Phát làm ăn ra sao khi sai phạm dính đến đất công?

Tập đoàn Vạn Thịnh Phát sai phạm dính đến đất công gồm 5 cổ đông sáng lập, trong đó bà Trương Mỹ Lan nắm giữ 80% cổ phần doanh nghiệp.
Công ty cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát (Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) là doanh nghiệp sai phạm dính đến đất công mà Thanh tra Chính phủ vừa kết luận có địa chỉ tại số 193-203 Trần Hưng Đạo, phường Cô Giang, quận 1, TP. HCM.
Công ty này được thành lập vào tháng 6/1992. Người đại diện theo pháp luật là Trương Huệ Vân. Ngành nghề kinh doanh chính là kinh doanh bất động sản, quyền sử dụng đất thuộc chủ sở hữu, chủ sử dụng hoặc đi thuê.
Chủ sở hữu của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát có 5 cổ đông, gồm: Bà Trương Mỹ Lan (80% cổ phần), Lâm Thị Hoà (5% cổ phần), Ngô Thanh Nhã (5% cổ phần), Trương Mễ (5% cổ phần) và Trương Chí Trung (5% cổ phần).
Van Thinh Phat lam an ra sao khi sai pham dinh den dat cong?
Nữ doanh nhân Trương Mỹ Lan. 
Về tình hình kinh doanh, năm 2016, Tập đoàn Vạn Thị Phát ghi nhận doanh thu thuần đạt 15,2 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế là 9,2 tỷ đồng. Năm 2017, doanh thu thuần của Công ty tăng nhẹ lên 16,9 tỷ đồng, trong khi lợi nhuận sau thuế giảm xuống còn 8,2 tỷ đồng.
Sang năm 2018, Công ty có doanh thu thuần 16,8 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế là 9,6 tỷ đồng. Đến năm 2019, doanh thu thuần là 16 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế là 24,6 tỷ đồng.
Về nguồn vốn, giai đoạn 2016 - 2018, vốn chủ sở hữu của Công ty không có nhiều biến động lớn, dao động quanh mức hơn 8.000 tỷ đồng. Trong khi đó, tổng tài sản nhích nhẹ từ 12.040 tỷ đồng (năm 2017) lên 12.324 tỷ đồng (năm 2018).
Giai đoạn 2018-2019, tổng tài sản và vốn chủ sở hữu của Công ty đồng loạt tăng. Cụ thể, tổng tài sản của công ty năm 2019 là 15.464 tỷ đồng (tăng 3.140 tỷ đồng). Trong đó, vốn chủ sở hữu tăng mạnh lên 15.088 tỷ đồng, tăng 87% so với năm 2018.
Nợ phải trả của Công ty trong năm 2016 là 4.008 tỷ đồng, năm 2017 giảm xuống 3.982 tỷ đồng, đến năm 2018 lại tăng lên 4.256 tỷ đồng. Đến năm 2019, giảm mạnh chỉ còn 376 tỷ đồng (giảm tới 91%).
Van Thinh Phat lam an ra sao khi sai pham dinh den dat cong?-Hinh-2
Thanh tra Chính phủ chỉ ra những sai phạm tại dự án tại số 187A, 187H, 193, 203 Trần Hưng Đạo do Tập đoàn Vạn Thịnh Phát làm chủ đầu tư.
Theo tìm hiểu của PV, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát có Công ty con tên là Công ty cổ phần quản lý và phát triển đô thị vệ tinh LeJadin Nam Sài Gòn. Tổng giám đốc là Nguyễn Vũ Anh Thi.
Doanh nghiệp đăng ký địa chỉ tại khu phố 1, Trần Chí Nam, thị trấn Cần Giuộc, Long An. Ngành nghề kinh doanh chính là kinh doanh bất động sản, quyền sử dụng đất thuộc chủ sở hữu, chủ sử dụng hoạc đi thuê.
Các cổ đông gồm có: Tập đoàn Vạn Thịnh Phát (80%), Công ty cổ phần đầu tư và phát triển Sunny World (10%) và Công ty cổ phần tập đoàn đầu tư Vạn Thịnh Phát (10%).
Được biết, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát hiện sở hữu nhiều dự án tọa lạc trên phố đi bộ Nguyễn Huệ như: Union Square, Times Square, VTP Office Building, khách sạn Duxton...
Ngoài ra, Công ty còn sở hữu hàng loạt siêu dự án khác như: Cao ốc căn hộ dịch vụ cao cấp Sherwood Residence, khách sạn thương mại An Đông, khu dân cư Bonville Land, khu dân cư cao cấp Sterling Residence, khu căn hộ cao cấp Lambert Residence….
Theo kết luận thanh tra, dự án tại số 187A, 187H, 193, 203 Trần Hưng Đạo do Tập đoàn Vạn Thịnh Phát làm chủ đầu tư có tổng diện tích đất 1.954m2. Khu đất này có nguồn gốc là đất của Nhà nước.
Cụ thể, trước đây khu đất là khách sạn Vạn Xuân, được Kiến trúc sư trưởng TP.HCM cấp phép xây dựng cho Liên hiệp Dịch vụ sản xuất thương mại, thuộc Tổng Công ty thương mại Sài Gòn.
Ngày 30/7/1994, UBND TP.HCM có quyết định chuyển giao tài sản cố định gồm khu nhà số 187A, 187H, 193, 203 Trần Hưng Đạo cho Công ty dịch vụ và thương mại thành phố.
Ngày 24/12/1999, UBND TP.HCM ban hành văn bản chỉ đạo, chấp thuận cho giải thể việc hợp tác kinh doanh giữa Công ty Dịch vụ và Thương mại TP. HCM (Công ty DVTMSG) và Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, cho phép Công ty DVTMSG chuyển nhượng phần góp vốn trong khách sạn Vạn Xuân trị giá 587.332 USD cho Vạn Thịnh Phát.
Đến 2006, UBND TP.HCM có quyết định số 480/QĐ-UBND, chấp thuận cho Vạn Thịnh Phát được thuê đất sản xuất kinh doanh tại địa chỉ trên, với diện tích là 1.985m2, mục đích cho thuê để làm khách sạn và văn phòng, thời hạn cho thuê đến hết năm 2020.
Qua kiểm tra, Thanh tra Chính phủ phát hiện xác định UBND TP.HCM không tính doanh thu bãi đỗ xe theo quy định, làm giảm giá trị tiền sử dụng đất phải nộp 1.191 triệu đồng. TP. HCM áp dụng suất đầu tư không đúng đối với công trình hạ tầng kỹ thuật có quy mô nhỏ hơn 20ha, làm tăng chi phí đầu tư hạ tầng dẫn tới làm giảm giá trị quyền sử dụng đất số tiền là 179,3 triệu đồng.
Đến thời điểm thanh tra, dự án đã đầu tư xây dựng hoàn thành và đưa vào sử dụng làm trụ sở của công ty, văn phòng cho thuê.

Khánh Hoài (T/H)

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN