Thứ trưởng Bộ TNMT: Sẽ có 9 Nghị định triển khai nội dung Luật Đất đai

Dự kiến sẽ có 9 nghị định để thực thi Luật Đất đai (sửa đổi). Trong đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ trực tiếp tham mưu cho Chính phủ ban hành 6 nghị định, Bộ Tài chính sẽ tham mưu ban hành 2 nghị định.
Đây là thông tin được Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân cho biết tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tổ chức chiều 1/2.
Rà soát các văn bản pháp luật liên quan
Trả lời câu hỏi của phóng viên về các kế hoạch, chương trình xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Đất đai (sửa đổi), Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, trong quá trình chuẩn bị cho Luật Đất đai (sửa đổi), các cơ quan đã chuẩn bị tinh thần triển khai sớm nhất để đưa Luật đi vào cuộc sống.
Cùng với việc tuyên truyền rộng rãi, Bộ đã chủ động rà soát, xây dựng kế hoạch để trình Thủ tướng Chính phủ ban hành kế hoạch triển khai thực thi Luật Đất đai 2024, trong đó có nhiều nội dung đáng chú ý. 
Cụ thể, dự kiến sẽ có 9 nghị định để triển khai thi hành Luật. Trong đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ trực tiếp tham mưu cho Chính phủ ban hành 6 nghị định, Bộ Tài chính sẽ tham mưu ban hành 2 nghị định và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu ban hành 1 nghị định.
Bên cạnh đó, dự kiến sẽ ban hành 6 thông tư, trong đó Bộ Tài nguyên và Môi trường có 4 thông tư, Bộ Tài chính 1 thông tư và Bộ Nội vụ 1 thông tư. Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội sẽ tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ ban hành 1 quyết định của Thủ tướng.
Thu truong Bo TNMT: Se co 9 Nghi dinh trien khai noi dung Luat Dat dai
 Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân.
Đối với chính quyền địa phương, có 18 nội dung thuộc thẩm quyền UBND tỉnh phải quy định chi tiết, còn 1 nội dung thuộc thẩm quyền của HĐND ban hành. Thứ trưởng Lê Minh Ngân cho hay, trong kế hoạch đã nói rất rõ, phân biệt rất rõ và có quy định thời gian để chuẩn bị.
Cùng với việc ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành Luật, các bộ, ngành, địa phương cũng sẽ được giao nhiệm vụ rà soát các văn bản pháp luật hiện hành để đảm bảo đồng bộ, thống nhất với Luật Đất đai (sửa đổi), trong đó bao gồm các luật, các nghị định liên quan đến công tác quản lý đất đai. Các địa phương cũng tiếp tục rà soát các quy định, các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền, để sửa đổi, bổ sung, ban hành đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất.
Tuyên truyền để người dân nắm được các nội dung mới của Luật Đất đai
Đề chuẩn bị cho công tác tổ chức phổ biến các nội dung cơ bản của Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn thi hành, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng một kế hoạch phổ biến, tuyên truyền, hướng dẫn thi hành Luật, phối hợp với các cơ quan, các bộ, ngành của Trung ương và các cơ quan thông tấn, truyền thông để phổ biến đến các đối tượng thực sự chịu tác động của Luật.
Làm sao để các điểm mới của Luật Đất đai, nội dung của Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn thi hành được các đối tượng chịu tác động của luật và toàn thể nhân dân đều biết đến và quá trình quản lý và tổ chức thực hiện của các cơ quan quản lý nhà nước cũng như người dân, doanh nghiệp được thuận lợi nhất, đảm bảo tính khả thi” - Thứ trưởng Lê Minh Ngân nói.
Liên quan đến các giải pháp, nguồn lực để thực hiện Luật Đất đai, lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường cho hay, sẽ đề xuất với Chính phủ tập trung nguồn lực thực hiện các nội dung quản lý nhà nước như: Xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai, điều tra đánh giá cơ bản về đất đai, duy trì hệ thống thông tin đất đai.
Đối với các địa phương cũng phải tập trung nguồn lực, trước hết là cho các quỹ phát triển đất, đảm bảo tạo ra quỹ đất để thực hiện tổ chức đánh giá việc sử dụng đất, xây dựng hạ tầng các khu tái định cư... Đồng thời, các địa phương tổ chức xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai ở địa phương, kết nối với cơ sở dữ liệu đất đai ở trung ương, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, kết nối với các cơ sở dữ liệu quốc gia khác.
Như vậy, sẽ đảm bảo cho Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn thi hành, các chính sách mới được triển khai thực hiện một cách đồng bộ sau khi Luật có hiệu lực” - Thứ trưởng Lê Minh Ngân khẳng định.
Anh Nhi

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN