Saigon Pearl bao lần lùm xùm khiến cư dân khóc ròng?

Dự án Saigon Pearl được xây dựng trên diện tích 10,37ha với tiêu chuẩn 5 sao, tiêu chuẩn quốc tế về tiện nghi. Tuy nhiên, thời gian qua tại dự án này thường xuyên xảy ra nhiều lùm xùm khiến cư dân phải “khóc ròng”.
Khu dân cư Saigon Pearl 5 sao hơn 10 năm xả thải “chui” ra sông Sài Gòn
Mới đây, Chi Cục bảo vệ môi trường thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM ra văn bản về việc kiểm tra thực tế dự án khu dân cư phức hợp sông Sài Gòn (Khu dân cư Saigon Pearl; phường 22, quận Bình Thạnh) do Công ty TNHH Vietnam Land SSG (Công ty Vietnam Land SSG) làm chủ đầu tư.
Chi Cục bảo vệ môi trường cho biết, Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM nhận được đơn kiến nghị ngày 26/11/2020 của ban quản trị khu dân cư Saigon Pearl phản ánh việc quá tải của hệ thống xử lý nước thải thuộc khu dân cư Saigon Pearl.
Đoàn kiểm tra bao gồm đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường, Chi Cục bảo vệ môi trường, Thanh tra Sở, UBND quận Bình Thạnh, UBND phường 22 và PGS, TS Bùi Xuân Thành - chuyên gia môi trường. Thời gian tiến hành kiểm tra là vào lúc 9h, ngày 9/12/2020.
Saigon Pearl bao lan lum xum khien cu dan khoc rong?
Nhiều lùm xùm xảy ra tại dự án  khu dân cư Saigon Pearl khiến cư dân "khóc ròng".
Tại thời điểm kiểm tra hệ thống xử lý nước thải đang vận hành cho thấy, theo sổ đo lưu lượng nước thải đầu vào: Lưu lượng nước thải cao nhất vào những ngày không mưa 1851 m3/ngày; vào những ngày mưa cao nhất 1987 m3/ ngày.
Chuyên gia môi trường - PGS.TS Bùi Xuân Thành đánh giá, công nghệ xử lý nước thải thiếu phần xử lý bùn; không có kết quả phân tích chất lượng nước thải đầu vào nên không đánh giá được hiệu quả hoạt động, xử lý của hệ thống xử lý nước thải.
Sở Tài nguyên và Môi trường đề nghị, VietNam Land SSG chủ trì, phối hợp với đơn vị quản lý tòa nhà Opal; Ban quản trị của khu dân cư Ruby, Tapaz, Sapphire; Công ty vận hành Savills; đơn vị vận hành hệ thống xử lý nước thải Công ty Công nghệ Việt rà soát và đánh giá lại lưu lượng đầu vào, công nghệ xử lý nước thải, chất lượng nước thải sau xử lý, chất lượng nước thải đầu vào để có phương án quản lý, vận hành hệ thống xử lý nước thải và làm rõ trách nhiệm các bên có liên quan và báo cáo về Sở Tài nguyên và Môi trường trước ngày 10/1/2021 khẩn trương.
Đồng thời, khẩn trương lập hồ sơ vận hành thử nghiệm, xác nhận hoàn thành, giấy phép xử thải theo đúng quy định hiện hành; rà soát những nội dung thay đổi so với báo cáo ĐTM (đánh giá tác động môi trường) nếu có. Vận hành thường xuyên và đúng kỹ thuật hệ thống xử lý nước thải, đảm bảo toàn bộ nước thải phát sinh từ hoạt động của dự án được thu gom, xử lý đạt QCVN14:2008/BTNMT - cột 4 trước khi thoát ra nguồn tiếp nhận.
Ngoài ra, phải thực hiện đầy đủ các nội dung của giấy chứng nhận đăng ký đạt tiêu chuẩn môi trường, quyết định phê duyệt báo cáo ĐTM của Sở Tài nguyên và Môi trường do UBND quận Bình Thạnh cấp.
Cuối cùng, rà soát lại quy hoạch thoát nước thải của trường tiểu học, trung học cơ sở Mùa Xuân để làm rõ việc đấu nối nước thải về hệ thống xử lý nước thải tập trung, công suất 2000m3/ngày cho phù hợp căn cứ kiểm tra thực tế. Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ có thông báo tới các bên có liên quan.
Trước đó, hàng trăm hộ dân sống tại khu dân cư Saigon Pearl vô cùng bức xúc vì phát hiện hệ thống xử lý nước thải của khu dân cư không có giấy phép đấu nối và giấy phép xả thải để thải ra môi trường. Nhưng đầu tháng 6 năm nay, hàng trăm hộ dân ở đây tá hỏa khi đồng loạt cống nước vệ sinh bị tắc, nhiều hộ bị bốc mùi không rõ lý do. Nhiều nhà đã phải tìm thợ thông tắc cống về sửa, đập cả ống thoát nước... thì phát hiện có rất nhiều giấy vệ sinh không thoát nằm trong ống cống. Thậm chí, có nhiều nhà phải thuê thợ đập ống cống và bơm thoát nước ra ngoài.
Cũng theo cư dân, có nhà bị tắc cống thoát nước, khi móc ra thì phát hiện toàn giấy vệ sinh không tiêu. Qua tìm hiểu, người dân thấy rằng đường ống dẫn nước thải của khu biệt thự cũ có kích thước lớn nhưng được thiết kế theo phương thức chảy tự nhiên (trong khi đường ống dẫn nước của tòa Opal có thiết kế nhỏ hơn nhưng sử dụng phương pháp bơm tạo áp nên tiêu thoát nhanh hơn) gây chậm tiêu, ứ đọng cho đường ống khu biệt thự cũ. 
Ngân hàng rao bán loạt căn hộ tại dự án Saigon Pearl
Hồi tháng 6/2020, giới truyền thông rầm rộ phản ánh việc khu dân cư Saigon Pearl 5 sao của chủ đầu tư Vietnam Land SSG bị ngân hàng Agribank Chi nhánh Trung tâm Sài Gòn thông báo bán đấu giá tài sản.
Theo đó, những căn hộ được rao bán gồm: Căn số 12.2 có diện tích 152,8 m2, giá khởi điểm ban đầu là 11,340 tỷ đồng, sau đó giảm xuống còn 10,206 tỷ đồng; căn hộ số 4.1 có diện tích 98,5 m2, giá khởi điểm 6,966 tỷ đồng; căn hộ số 9.3 với diện tích 206,2 m2. Căn hộ này ban đầu được rao giá khởi điểm 16,650 tỷ đồng, nhưng sau đó đã hạ xuống 14,985 tỷ đồng;
Căn hộ số 22.3 có diện tích 260,2 m2, giá khởi điểm 11,790 tỷ đồng; căn hộ số 0903 có diện tích 206,2 m2; căn hộ số 1202 có diện tích 152,8 m2; căn hộ số 2203 có diện tích 206,12 m2; căn hộ số 0401 có diện tích 98,5 m2; căn hộ số 3403 có diện tích 251,73m2 và cuối cùng là căn hộ số 3502 có diện tích 318,42m2.
Trong số 10 căn hộ nói trên, có 8 căn hộ đã được UBND quận Bình Thạnh cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà năm 2013.
Riêng 2 căn hộ có diện tích lớn nhất là căn số 3403 và 3502 chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, chỉ có hợp đồng mua bán căn hộ và giấy xác nhận đã chuyển nhượng căn hộ cho bà Ngô Nguyễn Đoan Trang ngày 6/3/2013.
Khách hàng đòi kiện chủ đầu tư ra tòa
Trước đó, tháng 5/2018, một khách hàng của dự án Saigon Pearl đã đòi kiện Công ty TNHH Vietnam Land SSG, là chủ đầu tư dự án Saigon Pearl - giai đoạn 3B ra tòa vì đã lừa dối khách hàng.
Cụ thể, khách hàng đặt cọc giữ chỗ mua căn hộ tại dự án Saigon Pearl từ tháng 11/2016 và được cam kết tháng 7/2017 sẽ ký kết hợp đồng mua bán căn hộ. Thế nhưng, đã quá thời hạn, chủ đầu tư vẫn không thực hiện, nên khách hàng muốn hủy hợp đồng đặt cọc, rút lại tiền, nhưng không được chấp thuận.
Khánh Hoài (T/H)

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN