Từ đầu năm 2022 đến nay, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Đồng Nai, tại các điểm “nóng” như TP Biên Hòa, Trảng Bom, Nhơn Trạch, Long Thành... đã nỗ lực lập lại trật tự xây dựng, cưỡng chế hàng trăm công trình xây dựng trái phép buộc trả lại hiện trạng đất ban đầu.
Phường Phước Tân (TP Biên Hòa) là một trong những địa phương đi đầu trong công tác quản lý lập lại trật tự đô thị. Chỉ trong tháng 9/2022, UBND phường Phước Tân đã xử lý cưỡng chế nóng trên 20 trường hợp vi phạm xây dựng mới phát sinh.
Theo người dân sống ở phường Phước Tân chia sẻ, việc lực lượng chức năng cưỡng chế, tháo dỡ công trình xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp giúp chấn chỉnh các vi phạm về trật tự xây dựng trên địa bàn. Tuy nhiên, cũng tại phường Phước Tân vì sao nhiều công trình “khủng” vô tư “mọc” trên đất nông nghiệp nhiều năm rồi mà không hề bị tháo dỡ?
Ngang nhiên xây hàng loạt công trình trên đất nông nghiệp?
Gần đây, Văn phòng Đại diện tại TP HCM - Báo Tri thức và Cuộc sống nhận được thư phản ánh của người dân về tình trạng nhiều công trình bên trong khu nghỉ dưỡng Thiền Tâm tại phường Phước Tân, TP Biên Hòa, Đồng Nai xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp nhưng không bị xử lý.
|
Ảnh chụp màn hình trên website của Thiền Tâm. |
Theo thông tin trên website thientam.org, khu nghỉ dưỡng Thiền Tâm tên đầy đủ là Khu nghỉ dưỡng, điều trị Vật lý trị liệu – Phục hồi chức năng Thiền Tâm trực thuộc Công ty TNHH MTV Thiền Tâm có địa chỉ tại số 80, khu phố Tâm Cang, phường Phước Tân, TP Biên Hòa, Đồng Nai (đối diện với Khu du lịch sinh thái Vườn Xoài).
Thiền Tâm chuyên hoạt động về lĩnh vực điều trị các vấn đề về xương khớp, phục hồi chức năng của hệ Cơ – Xương - Khớp bằng phương pháp Đông Tây y kết hợp không xâm lấn, không phẫu thuật như massage, bấm huyệt, tắm nước bùn khoáng tự nhiên…
|
Ảnh chụp màn hình nội dung quảng cáo trên fanpage Nghỉ Dưỡng Bùn Khoáng Thiền Tâm. |
Với diện tích gần 4 ha, bao xung quanh là các dãy đồi và dòng sông Buông, trong khuôn viên có khu nhà gỗ lớn, các dãy phòng khám và điều trị chuyên khoa Vật lý trị liệu - Phục hồi chức năng. Ngoài ra, Thiền Tâm còn cung cấp dịch vụ tắm bùn khoáng, thảo dược, nước khoáng, nghỉ dưỡng, dịch vụ ẩm thực với thực phẩm sạch… Khu nghỉ dưỡng Thiền Tâm còn được quảng cáo là tour du lịch sức khỏe đầu tiên tại Việt Nam, nơi thư giãn sau thời gian làm việc mệt mỏi.
Qua tìm hiểu, Công ty TNHH MTV Thiền Tâm được thành lập ngày 25/10/2012, do ông Lâm Văn Trung là người đại diện theo pháp luật. Công ty đăng ký ngành nghề kinh doanh chính là xây dựng nhà để ở. Bên cạnh đó, công ty đã đăng ký ngành, nghề kinh doanh “Hoạt động của các phòng khám đa khoa, chuyên khoa và nha khoa” gồm khám bệnh, chữa bệnh nội khoa, không làm thủ thuật chuyên khoa. Thực hiện kỹ thuật chuyên môn về vật lý trị liệu (chỉ hoạt động khi cơ quan có thẩm quyền chấp thuận về địa điểm và có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật).
Năm 2016, công ty đã thành lập chi nhánh “Chi nhánh Công ty TNHH một thành viên Thiền Tâm – Phòng khám chuyên khoa phục hồi chức năng Thiền Tâm – Phòng chẩn đoán hình ảnh Thiền Tâm; Nhà thuốc Thiền Tâm”.
|
Khu nghỉ dưỡng và điều trị Phục hồi chức năng Thiền Tâm. |
Theo đó, khu nghỉ dưỡng Thiền Tâm được xây dựng trên khu đất có diện tích gần 3,4 ha (33.377,2m2) bao gồm các thửa 67, 104, 105, 127, 129, 135, 155, 160, 162, 163, 166 thuộc tờ bản đồ số 37.
Hiện, tại các thửa đất 67, 135, 162, 166 có mục đích sử dụng là đất chuyên trồng lúa nước, đất trồng cây lâu năm, đất trồng cây hàng năm, nhưng chủ sử dụng đất đã tự ý làm đường đi, bãi đỗ xe.
Tại các thửa đất 127, 129 và 163 có mục đích sử dụng là đất chuyên trồng lúa, chủ sử dụng đã xây dựng các hồ tắm, bán vé thu lời.
Một phần diện tích của các thửa 104, 105 có mục đích sử dụng là đất trồng lúa nước, đất trồng cây lâu năm đã được xây dựng các công trình kiên cố phục vụ cho khu nghỉ dưỡng. Phần lớn diện tích thửa 160 là khu nhà ở cán bộ, nhân viên đã cũ, nay được dùng chủ yếu làm nơi nấu cao thảo dược và lò đốt rác của khu.
Theo hình ảnh vệ tinh Google Earth, từ năm 2009 khu đất gần 3,4 ha thuộc khu nghỉ dưỡng Thiền Tâm đã được san ủi nền để xây dựng.
|
Theo hình ảnh vệ tinh Google Earth năm 2009 |
|
2010 |
|
2011 |
|
2013 |
|
2014 |
|
2017 |
|
2020 |
|
Sau 13 năm, lần lượt các công trình xây dựng, khu vui chơi, nhà hàng, nhà lưu trú, đường nội bộ… rầm rộ “mọc” lên trên đất nông nghiệp và được đưa vào hoạt động đến nay. |
|
Hình ảnh thông báo phòng khám chuyên khoa điều trị Phục hồi - chức năng Thiền Tâm hoạt động từ 1/12/2021. |
|
Được biết, căn cứ vào Quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/5000 phân khu D1 theo quy hoạch chung TP Biên Hoà, tỉnh Đồng Nai (Quyết định số 3318/QĐ-UBND ngày 21/10/2019) thì khu nghỉ dưỡng Thiền Tâm được quy hoạch phân khu chức năng đất y tế. |
|
khu nhà lưu trú |
|
Quán cà phê trong khu nghỉ dưỡng |
|
Khu điều trị bệnh (hình ảnh ghi nhận năm 2021) |
Qua ghi nhận thực tế trong tháng 11/2022:
|
Các con đường nội bộ trong khu nghỉ dưỡng đều được đổ bêtông, lát gạch. Du khách nếu ngại đi bộ có thể di chuyển trong khuôn viên của khu nghỉ dưỡng Thiền Tâm bằng xe điện.
|
|
Phòng chụp X-quang |
|
Spa chăm sóc da. |
|
Đầy đủ khu vực khám và điều trị phục hồi chức năng – Vật lý trị liệu bệnh cơ xương khớp cột sống không phẫu thuật, khu spa chăm sóc da, nhà hàng, nhà gỗ… Theo tìm hiểu, các công trình trên thuộc thửa 155 có diện tích 16.042,8m2 với mục đích sử dụng đất (chưa xác định được), quy hoạch sử dụng đất gồm đất xây dựng cơ sở y tế (13.506,4m2), quy hoạch đất khu vui chơi, giải trí công cộng (1.198,5m2). |
Nhà nghỉ lưu trú cho người phục hồi chức năng bằng vật lý trị liệu. Khu vực nhà nghỉ riêng biệt cho các bệnh nhân trong quá trình điều trị.
Theo tìm hiểu, khu nghỉ dưỡng Thiền Tâm với 9 phòng riêng dành cho 2 đến 4 người. Đồng thời có 5 dãy phòng tập thể phục vụ cho khoảng 100 khách theo đoàn hoặc cho gia đình.
|
Hệ thống PCCC với bảng hướng dẫn hoen rỉ bên trong khu nghỉ dưỡng. |
|
Nhiều du khách đến tham quan đặt câu hỏi các khu nhà lưu trú, nghỉ dưỡng… bên trong khu nghỉ dưỡng Thiền Tâm liệu đã được nghiệm thu PCCC, giấy phép xây dựng, giấy phép kinh doanh, dịch vụ lưu trú? |
|
Khu vực hồ bơi, tắm thác nước, ghềnh tràn, tắm ôn tuyền liệu pháp, tắm Jacuzzi, máng trượt… |
|
Khu tắm bùn |
|
Thiền Tâm còn cung cấp nước khoáng tự nhiên tinh khiết, các sản phẩm làm đẹp da từ bùn khoáng… |
Bệnh nhân chữa trị tại Thiền Tâm đến từ mọi miền đất nước, thậm chí có cả người ở nước ngoài.
|
Phía sau khu nhà lưu trú nước thải được dẫn ống đổ thẳng ra con suối nhỏ bốc mùi hôi khó chịu. |
|
Rác bên trong khu nghỉ dưỡng… |
|
Theo người dân sống dọc đường Võ Nguyên Giáp, mỗi lần rác trong khu nghỉ dưỡng Thiền Tâm được xử lý, khói từ lò đốt rác có mùi khét khó chịu, gây ô nhiễm môi trường. |
|
Công văn số 16127/UBND-ĐT của UBND thành phố Biên Hòa về việc xử lý đơn của ông Lâm Văn Trung – Giám đốc Công ty TNHH MTV Thiền Tâm liên quan việc điều chỉnh hướng tuyến đường dây điện 110kv Giang Điền và 220kv Tam Phước- Sông Mây. |
Trước năm 2019, thông tin trên báo chí, bác sĩ Nguyễn Hồng Vĩnh - người đồng sáng lập Thiền Tâm cùng cộng sự hiện đang phát triển dự án Khu Thiền Tâm 2, rộng 70 hécta, thuộc KP.Tân Lập, phường Phước Tân, TP.Biên Hòa. Dự án bao gồm: khu trị liệu, trường thiền, công viên cảnh quan, dịch vụ nghỉ dưỡng, ẩm thực sạch, hồ tắm nước khoáng, hồ tắm bùn…
Liên quan việc khu nghỉ dưỡng Thiền Tâm có nhiều công trình được xây dựng trên đất có mục đích sử dụng là đất nông nghiệp, tồn tại trong một khoảng thời gian dài, Luật sư Nguyễn Văn Lập – Đoàn Luật sư TP HCM cho hay theo khoản 3, Điều 12 Luật Đất đai 2013 quy định hành vi sử dụng đất không đúng mục đích là hành vi bị nghiêm cấm.
Theo điểm d, khoản 1 Điều 57 Luật Đất đai 2013 quy định chuyển đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp phải được phép của cơ quan nhà nước.
Như vậy người sử dụng các thửa đất trong khu nghỉ dưỡng Thiền Tâm với hành vi tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất đã vi phạm điều cấm của luật đất đai, không xin phép cơ quan nhà nước có thẩm quyền trước khi chuyển đổi mục đích sử dụng đất có thể bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng. Đồng thời bị buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm theo khoản 2; điểm a, khoản 4 Điều 11 Nghị định 91/2019/NĐ-CP.
Phước Tân là phường thuộc thành phố Biên hòa (tức là đô thị) thì trước khi khởi công xây dựng phải có giấy phép theo quy định tại Điều 89 Luật xây dựng 2014. Để được cấp giấy phép xây dựng công trình, nhà xưởng thì phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo quy định tại điều 91 Luật xây dựng 2014, trong đó công trình xây dựng phải phù hợp với mục đích sử dụng đất theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên nhiều khu đất bên trong khu nghỉ dưỡng Thiền Tâm xây trên đất nông nghiệp là trái quy định của pháp luật.
Đối với thửa 135 tờ bản đồ 37 có diện tích 1132m2 mục đích sử dụng là đất trồng cây lâu năm, quy hoạch sử dụng đất là đất giao thông. Hiện chủ sử dụng đã tự ý làm đường ra vào kết nối với đường Võ Nguyên Giáp.
Theo đó, trường hợp cá nhân, tổ chức mở đường nhánh đấu nối trái phép vào đường chính thì có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại điểm b, Khoản 9 và điểm đ, Khoản 10 Điều 12 Nghị định 100/2019/NĐ-CP. Mức phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với tổ chức. Buộc phải tháo dỡ công trình xây dựng trái phép (không có giấy phép hoặc không đúng với giấy phép) và khôi phục lại tình trạng ban đầu.
Buông lỏng quản lý?
Mới đây, ngày 24/11, các cơ quan chức năng tỉnh Đồng Nai tiếp tục làm rõ các vi phạm về xây dựng tại khu du lịch sinh thái Vườn Xoài (phường Phước Tân, TP Biên Hòa) do Công ty TNHH khu du lịch sinh thái Vườn Xoài làm chủ đầu tư.
Cụ thể, UBND tỉnh Đồng Nai đã có quyết định giao Sở Tài nguyên và Môi trường làm trưởng đoàn kiểm tra liên ngành để làm rõ các hành vi vi phạm tại dự án này.
Khu du lịch sinh thái Vườn Xoài hình thành từ năm 2000, quy mô khoảng 1,6 ha với mục tiêu làm cơ sở xay xát, chăn nuôi và trồng cây ăn trái. Sau nhiều lần mua đất xung quanh, diện tích dự án hiện đã tăng lên khoảng 42 ha.
Trong quá trình triển khai, chủ đầu tư đã tận dụng các ngôi nhà trong khu vực dự án để làm nơi ở, nhà kho, chuồng trại; tận dụng ao hồ có sẵn để cải tạo, sửa chữa thành mô hình trang trại tổng hợp. Ngoài ra, chủ đầu tư xây dựng thêm các công trình khác. Việc cải tạo, sửa chữa, xây dựng thêm công trình chưa được các cơ quan chức năng cấp phép xây dựng. Dù đã đi vào hoạt động hơn 15 năm nhưng dự án khu du lịch sinh thái Vườn Xoài chưa được chấp thuận chủ trương đầu tư, chưa hoàn thiện thủ tục đất đai, xây dựng, tài nguyên nước…
Được biết, cuối tháng 5/2022, Công ty TNHH khu du lịch sinh thái Vườn Xoài có văn bản gửi Tỉnh ủy Đồng Nai kiến nghị đầu tư dự án khu dân cư chuyển đổi từ dự án khu du lịch sinh thái Vườn Xoài.
Cũng liên quan tới việc xây dựng khu du lịch, nghỉ dưỡng không phép trên đất nông nghiệp, tại TP Long Khánh cũng có trường hợp vi phạm tương tự nhưng chưa bị xử lý.
Theo đó, Khu du lịch Thảo Thiện Garden, tọa lạc trên khu đất trồng cây lâu năm rộng 78.419,5m2 thuộc tờ bản đồ số 2, phường Bảo Vinh, thành phố Long Khánh (Đồng Nai) hô biến trại nuôi heo thành khu du lịch 'khủng' không phép từng khiến dư luận xôn xao.
Dù được cấp phép xây dựng một căn nhà ở riêng lẻ với quy mô 1 trệt, 3 lầu nhưng chủ sử dụng đã “hô biến” thành khu du lịch Thảo Thiện Garden với đầy đủ tổ hợp khách sạn, trung tâm hội nghị, trung tâm tiệc cưới, nhà hàng ẩm thực, nhà hàng hầm rượu, hàng chục căn hộ nghỉ dưỡng biệt lập xây rải rác trong khu du lịch, bể bơi… Sau hàng loạt văn bản xác định được vi phạm, xử phạt, yêu cầu tháo dỡ, khắc phục hoàn trả nguyên trạng thái đất, nhưng các công trình sai phạm tại Thảo Thiện Garden không bị dỡ bỏ mà còn ngày càng “mọc” thêm....
Liên quan công tác xử lý công trình trái phép, từng trả lời trên báo chí đại diện UBND TP Biên Hòa cho hay, quan điểm của lãnh đạo thành phố trong xử lý tình trạng xây dựng trái phép, không phép là không có du di cho bất kỳ trường hợp nào, thậm chí cán bộ, đảng viên và người thân quen biết phải làm gương cho những người khác.
Thế nhưng, thực tế khu nghỉ dưỡng Thiền Tâm có nhiều công trình được xây dựng trên đất nông nghiệp, tồn tại trong một khoảng thời gian dài khiến dư luận không khỏi băn khoăn: Liệu có ưu ái, lợi ích nhóm trong xây dựng trái phép, không phép?
Vì sao nguyên một khu nghỉ dưỡng với hàng loạt công trình xây dựng trên đất nông nghiệp suốt thời gian dài vẫn ngang nhiên hoạt động mà không hề bị cưỡng chế, tháo dỡ? Phải chăng UBND phường Phước Tân, UBND TP Biên Hòa đang buông lỏng quản lý, đi ngược lại với chỉ đạo của tỉnh Đồng Nai?