Phá rừng phòng hộ
Sở hữu dự án thuộc loại “khủng” nhất ở Khu du lịch quốc gia hồ Tuyền Lâm (cũng là di tích thắng cảnh quốc gia) với 108 công trình có mái che (trong đó có 87 biệt thự nghỉ và điều dưỡng), nhà phục vụ thể thao, câu lạc bộ du thuyền…, nhưng chủ đầu tư, Cty TNHH Bệnh viện đa khoa Hồng Đức (doanh nghiệp Hồng Đức), nhiều năm không triển khai. UBND tỉnh Lâm Đồng đã gia hạn đến tháng 5/2017, rồi tháng 5/2019 nhưng đến nay dự án vẫn dở dang.
Tháng 10/2019, khi xây một số biệt thự, chủ đầu tư không liên hệ với cơ quan chức năng để làm thủ tục, ký hợp đồng và nộp tiền thuê rừng mà ngang nhiên cho xe cơ giới vào san ủi (tại lô C, khoảnh 4, tiểu khu 162B rừng phòng hộ), chặt phá cây rừng trên diện tích hơn 4.200m2 (rừng thông hỗn giao với cây tạp lá rộng thường xanh). Trong khi đó, diện tích mà chủ đầu tư được phép chuyển mục đích sử dụng rừng để xây dựng giai đoạn này chỉ 1.300m2. Theo thống kê của Hạt Kiểm lâm Đà Lạt, toàn bộ số cây dẻ, cây tạp của tầng dưới tán rừng thông (khoảng 720 cây) đã bị chặt phá. Số cây này có đường kính gốc từ 6 - 18cm, dài từ 5 - 12m.
|
'Nuốt' rừng phòng hộ, xây biệt thự sai phép - ảnh 1 Dùng máy xúc chôn lấp thông để phi tang. Ảnh: PV.
|
Mặt khác, quá trình thi công phần móng các công trình, chủ đầu tư đã đào, đổ đất lấp gốc một số cây thông và nền đất tự nhiên làm biến dạng địa hình, ảnh hưởng xấu đến cảnh quan. Chuyên gia lâm nghiệp nhận định, nếu bị lấp gốc trong thời gian dài, cây thông sẽ chết dần. Trước tình hình đó, Thanh tra Sở VH-TT&DL Lâm Đồng và UBND Phường 4 đã kiểm tra, yêu cầu chủ đầu tư khôi phục tình trạng ban đầu.
Nhận được tin báo của người dân về một số cây thông bị công nhân lái máy đào “nhổ” bật gốc, dùng gàu múc “bẻ” cây thành nhiều đoạn rồi đào đất, chôn lấp sát vách căn biệt thự để phi tang; một số cây khác có đường kính gốc từ 30 - 40cm gần các biệt thự đang xây dựng bị cháy sém, PV Tiền Phong đến hiện trường, nhưng rất khó tiếp cận bởi khu vực này luôn được canh gác cẩn mật.
Hạt Kiểm lâm Đà Lạt kết luận có 1 cây thông đường kính 20cm bị triệt hạ, chôn lấp cạnh biệt thự số 06 (1B) và 1 cây khác còn nguyên gốc bị đổ hiện đã khô mục. Cơ quan này đang làm việc với các đơn vị có liên quan nhằm làm rõ tính chất, mức độ các vụ phá rừng này để xử lý.
Hàng loạt sai phạm về xây dựng
Đến nay, mới có 18 biệt thự được xúc tiến xây dựng tại dự án nói trên, toàn bộ đều đang trong tình trạng dở dang, chủ yếu xây dựng móng trụ bằng bê tông cốt thép, xây tường gạch, gác xà gồ sắt phần mái… Ngoài ra, hầu như công trình nào cũng vướng vi phạm. Cụ thể, 8 công trình xây dựng lệch vị trí so với vị trí được chuyển mục đích sử dụng đất và hồ sơ cấp phép xây dựng, trong đó 1 công trình lệch hoàn toàn và 7 công trình lệch một phần. Có tới 17/18 công trình sai nội dung giấy phép và bản vẽ thiết kế trước đó được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
“Có 13 công trình thi công không đúng diện tích được cấp phép với tổng diện tích xây dựng thực tế lớn hơn diện tích xây dựng được cấp phép (hơn 289m2) và tổng diện tích sàn kiểm tra thực tế lớn hơn diện tích sàn được cấp phép tại các công trình đã thi công trên 878m2”, một cán bộ của ngành xây dựng nói.
Phó Chủ tịch UBND TP Đà Lạt Võ Ngọc Trình đã ký quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 40 triệu đồng đối với doanh nghiệp Hồng Đức; yêu cầu ngừng thi công công trình; trong thời hạn 60 ngày (kể từ ngày bị lập biên bản vi phạm hành chính) phải lập thủ tục điều chỉnh giấy phép xây dựng và bản vẽ thiết kế theo quy định. Trường hợp cơ quan chức năng từ chối hoặc cấp phép, doanh nghiệp phải tháo dỡ toàn bộ phần công trình vi phạm không phù hợp (theo giấy phép xây dựng và thiết kế được duyệt).
UBND tỉnh Lâm Đồng cũng đã giao Sở Xây dựng chủ trì phối hợp các sở ngành chức năng thành lập đoàn để kiểm tra toàn diện việc triển khai dự án Khu điều dưỡng, nghỉ và an dưỡng của doanh nghiệp Hồng Đức. Từ kết quả làm việc của đoàn, UBND tỉnh đã có văn bản đình chỉ thi công dự án; yêu cầu chủ đầu tư khẩn trương tháo dỡ các công trình đã đầu tư, xây dựng không phù hợp với giấy phép xây dựng; đồng thời phải bồi thường giá trị tài nguyên rừng đối với số lâm sản đã chặt hạ trái phép…
Phó Thủ tướng yêu cầu xử lý vi phạm Vườn thượng uyển bay
Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản thông báo với UBND tỉnh Lâm Đồng nội dung ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình về việc kiểm tra phản ánh của Tiền Phong và một số cơ quan báo chí khác về công trình xây dựng kinh doanh không phép trên đất quy hoạch rừng phòng hộ tại phường 10, TP Đà Lạt. Văn bản nêu rõ, những ngày qua, báo chí phản ánh Công trình du lịch canh nông Vườn thượng uyển bay có quy mô đồ sộ, rộng hàng nghìn mét vuông xây dựng không phép và đã khai thác, kinh doanh trong khi không được cơ quan có thẩm quyền cho phép, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Phó Thủ tướng yêu cầu UBND tỉnh Lâm Đồng kiểm tra làm rõ nội dung phản ánh của báo chí liên quan công trình này, xử lý các vi phạm theo quy định, báo cáo kết quả thực hiện lên Thủ tướng Chính phủ trước ngày 1/5.
Dự án Khu điều dưỡng, nghỉ và an dưỡng Hồng Đức được UBND tỉnh Lâm Đồng cấp chứng nhận đầu tư với mục tiêu xây dựng khu du lịch nghỉ dưỡng hiện đại, đa dạng hóa sản phẩm du lịch cao cấp. Quy mô diện tích của dự án trên 31 ha, trong đó chỉ có vài héc-ta đất chuyên dùng, còn lại là rừng phòng hộ cảnh quan được giao cho doanh nghiệp quản lý bảo vệ, thời gian thực hiện từ năm 2008-2010.