Những “dự án vàng” của gia đình ông Trần Bắc Hà tại Bình Định

Không chờ đến khi có kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, cái tên Trần Bắc Hà mới thành đề tài cửa miệng của người dân Bình Định, quê hương nguyên lãnh đạo ăn sóng nói gió của BIDV.
 Khu resort 4 sao Hoàng Gia Quy Nhơn của gia đình ông Trần Bắc Hà.Ảnh: P.V.
Sáng 5/6, thăm dò nhóm xe ôm đợi khách trên đường Tây Sơn (TP.Quy Nhơn), một “bác tài” dáng vẻ lam lũ hất đầu về phía đối diện: “Khu An Phú là của gia đình ổng chứ ai. “Đất vàng” nhà ông Hà nhiều lắm”.
3 trong 1
Năm 2009, Cty CP Tập đoàn An Phú ra đời với vốn điều lệ 200 tỉ đồng. Ông Trần Duy Tùng - Chủ tịch HĐQT là con trai ông Trần Bắc Hà. Năm 2016, An Phú (viết tắt) được UBND tỉnh Bình Định chấp thuận chủ trương đầu tư dự án Khu đô thị thương mại An Phú với tổng vốn gần 300 tỉ đồng. Dự án nhắm tới mục tiêu xây dựng, kinh doanh nhà ở hiện đại, cao cấp; chuyển nhượng kết cấu hạ tầng, đất thương mại dịch vụ; tạo điểm nhấn về quy hoạch - không gian kiến trúc cho khu Nam TP.Quy Nhơn.
Khu đô thị An Phú triển khai trên một mặt bằng rộng hơn 36.000m2 dọc mặt tiền đường Tây Sơn, cửa ngõ chính ra vào TP. Ngoài diện tích hơn 13.000m2 đất xây dựng nhà ở, dự án dành phần còn lại cho công trình dịch vụ thương mại và phụ trợ. Theo kế hoạch, việc xây dựng nhà ở biệt thự, nhà liên kề tại An Phú hoàn thành trong năm 2018 để đến 2020, doanh nghiệp sẽ đầu tư, xây dựng chung cư.
Không chỉ gắn với An Phú, tại Cảng Quy Nhơn sau giai đoạn cổ phần hóa, ông Trần Duy Tùng cũng từng là “yếu nhân”. Tháng 7.2016, doanh nhân sinh năm 1985 này là thành viên HĐQT tạm thời, thay một trường hợp vừa có đơn từ nhiệm, trước khi được Đại hội cổ đông Cty CP Cảng Quy Nhơn chấp thuận trở thành thành viên chính thức, năm 2017. Ông Tùng rời cương vị lãnh đạo Cảng Quy Nhơn tháng 9.2017, sau thời điểm xuất hiện “tin đồn thất thiệt” liên quan ông Trần Bắc Hà khiến thị trường chứng khoán Việt Nam một phen chao đảo.
Doanh nghiệp khác do con gái ông Trần Bắc Hà - bà Trần Lan Phương - làm người đại diện pháp luật Cty TNHH xuất nhập khẩu Thiên Hưng. Thiên Hưng thành lập năm 2014, vốn điều lệ 50 tỉ đồng, sau tăng lên 300 tỉ đồng. Đây là doanh nghiệp có vai trò quan trọng trong liên danh cùng An Phú và một tập đoàn địa ốc tên tuổi hồi 2017 được UBND tỉnh Bình Định chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng Khu phức hợp khách sạn, thương mại và căn hộ cao cấp Thiên Hưng. Dự án Thiên Hưng tọa lạc ở vị trí “đất vàng” thuộc khu đô thị, thương mại, dịch vụ phía Tây đường An Dương Vương (TP.Quy Nhơn), vốn là bệnh xá K200 cũ của quân đội. Khu phức hợp Thiên Hưng có tổng vốn đầu tư 2.900 tỉ đồng trên diện tích hơn 10.800m2, được phác thảo quy mô 2 tòa tháp cao 39 tầng, có tổng cộng 576 phòng, gồm 274 căn hộ cao cấp để bán hoặc cho thuê, 302 phòng khách sạn tiêu chuẩn 5 sao, trung tâm thương mại, dịch vụ, vui chơi giải trí, spa...
“Hoành tráng” với quê hương
Địa chỉ được biết đến nhiều nhất của gia đình ông Trần Bắc Hà, tại Bình Định, không đâu khác hơn số 1 Hàn Mặc Tử, nơi đặt trụ sở chính của Cty CP Du lịch Hoàng Anh Đất Xanh Quy Nhơn, doanh nghiệp sở hữu resort 4 sao chuyển từ Hoàng Anh Gia Lai sang với tên mới Hoàng Gia Quy Nhơn. Hoàng Gia Quy Nhơn án ngữ vị trí đắc địa ngay bờ biển Đông Nam trung tâm TP.Quy Nhơn, rộng hàng chục nghìn mét vuông, là nơi kinh doanh khá sầm uất của hàng loạt dịch vụ: Tham quan, nghỉ dưỡng, càphê, bar, nhà hàng, tiệc cưới... Doanh nghiệp được cấp phép hoạt động tháng 10.2009, trước do bà Ngô Kim Lan - vợ ông Trần Bắc Hà - đứng tên đại diện. Tuy nhiên, cuối năm 2017, danh tính bà Lan được thay thế bằng một cá nhân khác: Ngô Thị Kim Oanh. Bà Oanh là em gái bà Lan. Số 1 Hàn Mặc Tử không chỉ là địa chỉ đăng ký kinh doanh của Cty CP Du lịch Hoàng Anh Đất Xanh Quy Nhơn mà còn là “mái nhà chung” của Cty TNHH Xuất nhập khẩu Thiên Hưng và Cty CP Tập đoàn An Phú.
Hồi còn đương chức, ông Trần Bắc Hà luôn tạo ra dấu ấn mạnh mẽ ở quê hương Bình Định. Nhiều dự án khai sinh hay được duy trì, một phần nhờ ảnh hưởng và sự thúc đẩy của ông, trong đó có một số dự án, công trình tâm linh nổi tiếng ở Phù Cát, Tây Sơn. Quê gốc ông Trần Bắc Hà là xã Ân Thạnh, huyện Hoài Ân. Một thời chưa xa, những chuyến về quê (thường là dịp giỗ chạp) của ông cùng tùy tùng luôn ồn ào “ngựa xe như nước”. Ở thôn An Thường 2, khu lưu niệm gia đình được xây dựng bề thế, nghênh ngang, không chỉ lưu giữ ký ức riêng tư mà có cả hình ảnh các công trình do ông góp công, góp sức tài trợ. Tên cha ông được tô khắc, sơn phết đậm nét ở một điểm trường mầm non. Tấm biển gắn mặt trước điểm trường ghi rõ: Công trình Ngân hàng BIDV kính tặng nhân kỷ niệm 55 năm Ngày truyền thống BIDV (1957-2012).
Theo Xuân Nhàn/Lao Động

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN