Những dấu hiệu cho thấy thị trường bất động sản TP HCM dần phục hồi

Theo Sở Xây dựng TP HCM, trong quý II/2023 các chỉ số như tỷ lệ tăng trưởng, doanh thu bán hàng, vốn đầu tư nước ngoài… đều được cải thiện.

Những tín hiệu tích cực

Thống kê của Sở Xây dựng TP HCM cho thấy, trong quý II/2023, có khoảng 6.313 giao dịch được thực hiện, trong đó, 5.834 giao dịch căn hộ chung cư và 479 giao dịch nhà ở thấp tầng.

Cũng trong quý II, TP HCM có 1 dự án nhà ở thương mại được chấp thuận chủ trương đầu tư, 2 dự án nhà ở thương mại được cấp phép xây dựng với tổng quy mô 2.061 căn, và 8 dự án được xác nhận đủ điều kiện bán nhà hình thành trong tương lai, cung ứng 6.313 căn nhà ra thị trường.

Báo cáo thị trường BĐS nhà ở TP HCM và vùng phụ cận quý II/2023 của DKRA mới đây cũng cho thấy, phân khúc đất nền tại thị trường TP HCM và vùng phụ cận ghi nhận 8 dự án mở bán với nguồn cung khoảng 867 nền, tăng 2,3 lần so với quý trước. Tỷ lệ tiêu thụ đạt 44% tương đương 378 nền, tăng gấp 4,8 lần so với quý I/2023. 

Thị trường đất nền vùng phụ cận tiếp tục giữ vị thế chủ lực khi nguồn cung mới lẫn lượng tiêu thụ đều tập trung chủ yếu ở Bình Dương. Mặt bằng giá bán mới trong quý không có nhiều biến động, các giao dịch tập trung chủ yếu ở những dự án đã hoàn thiện pháp lý và tiến độ hạ tầng tốt.

Ở phân khúc này, mặt bằng giá bán sơ cấp không có nhiều biến động so với quý trước, các giao dịch tập trung chủ yếu ở những dự án đã hoàn thiện hạ tầng, pháp lý. Thị trường thứ cấp ghi nhận mức giá giảm 10% - 12% so với cùng kỳ, thanh khoản khá thấp, phần lớn tập trung ở nhóm dự án chưa hoàn thiện pháp lý.

Nhung dau hieu cho thay thi truong bat dong san TP HCM dan phuc hoi
 Việc được tháo gỡ các vướng mắc về thủ tục và tiến hành huy động vốn đã giúp các doanh nghiệp tái khởi động nhiều dự án sau thời gian dài đình trệ. Ảnh minh họa.

Về phân khúc văn phòng cho thuê tại TP HCM, CBRE Việt Nam cũng cho biết, giá thuê mặt bằng văn phòng tuy có sự điều chỉnh, nhưng chỉ giảm nhẹ so với năm ngoái.

Cụ thể, vào cuối quý II/2023, giá thuê văn phòng hạng A là 45,4 USD/m2/tháng, giảm 1,1% so với cùng kỳ năm trước. Giá thuê của văn phòng hạng B đang ở mức 25,6 USD/m2/tháng, giảm 0,8% so với năm ngoái.

“Việc điều chỉnh giá thuê cho thấy phản ứng nhanh chóng của một số chủ đầu tư để thích ứng với tình hình thực tế. Mục đích nhằm giữ chân khách hàng cũng như nhanh chóng lấp đầy các diện tích trống mới”, bà Dương Thùy Dung- Giám đốc điều hành CBRE Việt Nam nói.

Còn đối với phân khúc bán lẻ, các nhãn hàng vẫn rất tích cực tìm kiếm các mặt bằng chất lượng để cung cấp những trải nghiệm độc đáo cho người tiêu dùng. Trong khi đó, mặt bằng lại khan hiếm đã đẩy giá thuê khu vực trung tâm quận 1 tăng mạnh từ quý II và quý III năm ngoái (tăng từ 154,4 USD lên hơn 200 USD/m2/tháng).

Theo bà Dung, trong quý II/2023, giá chào thuê trung bình ở tầng trệt và tầng 1 tại các vị trí trung tâm ghi nhận là 234,8 USD/m2/tháng, tăng 9,2% so với năm ngoái và tương đối ổn định so với quý trước.

Các vị trí ngoài trung tâm cũng ghi nhận mức tăng là 8,1% so với quý trước, chủ yếu đến từ các trung tâm thương mại ở quận Bình Thạnh và TP Thủ Đức (khu quận 2 cũ) có hoạt động tốt.

Chưa thể đột biến trong ngắn hạn

Lý giải nguyên nhân thị trường BĐS TP HCM có sự phục hồi, Sở Xây dựng TP HCM cho rằng, cơ quan chức năng đã có những động thái tháo gỡ vướng mắc pháp lý của từng dự án, nới lỏng chính sách tiền tệ, giảm lãi suất cho vay.

Mới đây, nhiều dự án bất động sản của các doanh nghiệp lớn như Novaland, Hưng Thịnh, Gotec Land, CapitaLand, Gamuda Land, Son Kim Land… trong thời gian qua được gỡ vướng pháp lý và hỗ trợ cho phép huy động vốn 50% số lượng sản phẩm nhà ở hình thành trong tương lai.

Ngoài ra, Sở Tài nguyên và Môi trường TP HCM cũng đang có kế hoạch thực hiện các giải pháp gỡ vướng, đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận (sổ hồng) cho 81.085 căn nhà trên địa bàn thành phố thuộc các dự án của chủ đầu tư lớn như: Vinhomes, Novaland, Hưng Thịnh, Him Lam, Khang Điền, Đất Xanh…

Việc được tháo gỡ các vướng mắc về thủ tục và tiến hành huy động vốn đã giúp các doanh nghiệp tái khởi động nhiều dự án sau thời gian dài đình trệ vì thủ tục; khách hàng cũng bắt đầu quay lại tìm hiểu nhiều dự án, sản phẩm bất động sản của các doanh nghiệp.

Đồng thời, các doanh nghiệp BĐS đã chủ động thay đổi phương thức hoạt động, điều chỉnh danh mục đầu tư, cơ cấu lại sản phẩm, tính toán lại giá bán và đưa ra phương thức thanh toán linh hoạt hơn.

Tuy nhiên, khi đưa ra dự báo về thị trường trong thời gian tới, các chuyên gia và lãnh đạo doanh nghiệp trong ngành đều cho rằng, dù thị trường đã ghi nhận những tín hiệu tích cực trở lại, nhưng chưa thể tăng trưởng đột biến trong ngắn hạn.

Những động thái tháo gỡ vướng mắc từ Nhà nước về chính sách pháp lý, giảm lãi suất cũng như tăng cường giải ngân vốn đầu tư công… kỳ vọng sẽ đẩy nhanh tốc độ hồi phục cho thị trường BĐS trong trung và dài hạn.

Dưới góc nhìn doanh nghiệp, ông Phạm Đức Toản, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Bất động sản EZ (EZ Property) cho rằng, trong 6 tháng cuối năm 2023, thị trường sẽ xác định đáy và đây là thời điểm để thích hợp để nhà đầu tư xuống tiền. Lãi suất hiện nay đang có xu hướng giảm, song đa phần vẫn quanh mức lãi suất 10%/năm. Do đó, nhà đầu tư cần cân nhắc tới tiềm lực tài chính và độ hấp dẫn về mức giá để có quyết định chính xác.

Hữu Thông

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN