Kinh doanh sụt giảm nghiêm trọng
Trong mùa Báo cáo quý 1 vừa qua, ông lớn Coteccons (CTD) báo doanh thu hợp nhất đạt 2.568 tỷ đồng, chỉ bằng 15% kế hoạch năm. Lợi nhuận sau thuế cũng vỏn vẹn 55 tỷ đồng, bằng 16% kế hoạch năm.
So với cùng kỳ năm trước, doanh thu giảm 28% còn lợi nhuận giảm 56%. Đây cũng là mức lợi nhuận thấp nhất từ quý 3/2013 đến nay của Coteccons.
Đây là quý đầu tiên điều hành trọn vẹn dưới thời Chủ tịch mới ông Bolat Duisenov thuộc nhóm cổ đông Kusto thay ông Nguyễn Bá Dương tại Coteccons.
Tại ĐHĐCĐ thường niên 2021 vừa được tổ chức, trả lời cổ đông việc giá vật liệu xây dựng tăng ảnh hưởng thế nào đến tình hình kinh doanh của Coteccons?
Ông Michael Trần, Phó tổng giám đốc Coteccons khẳng định, chắc chắn là có ảnh hưởng, nhưng việc giá thép tăng là khó khăn chung của cả ngành chứ không riêng gì CTD. “Đó cũng chưa là mối lo ngại nhất với công ty, CTD luôn có giá tốt và được giữ giá với những sản phẩm này”.
|
Ngành xây dựng gặp khó khi giá thép ngày càng tăng. |
Tại Hoà Bình (HBC) dưới sự dẫn dắt của CEO Nguyễn Viết Hiếu – ‘hậu duệ’ của Chủ tịch Nguyễn Viết Hải, nhà thầu xây dựng này có lãi vỏn vẹn 9 tỷ đồng trong 3 tháng đầu năm. Cụ thể, doanh thu thuần giảm 7% về còn 2.263 tỷ đồng. Giá vốn giảm mạnh giúp biên lợi nhuận của HBC cải thiện lên 8,7% từ mức 7,7%.
Công ty ghi nhận doanh thu tài chỉnh giảm đến 64% còn 5 tỷ đồng, song chi phí tài chính chủ yếu là chi phí lãi vay tăng và chiếm 70 tỷ đồng. Tuy vậy, HBC cũng đã tiết giảm được chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp khi chỉ chiếm 117 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ đến 129 tỷ đồng.
Sau cùng, Xây dựng Hoà Bình báo lãi sau thuế trong quý 1 ở mức 8,9 tỷ đồng, tăng 63%, trong đó lãi thuộc về cổ đông công ty mẹ là 7,6 tỷ đồng.
Hay Ricons, lãi trước thuế quý đầu năm giảm 28% xuống còn 31 tỷ đồng. Được tách ra từ Coteccons và tuyên bố chính thức độc lập từ đầu năm 2020, Ricons mới đây vừa bổ nhiệm ông Võ Thanh Liêm làm Phó Tổng giám đốc, quyết định có hiệu lực từ 29/3. Theo đó, chưa đầy một tháng từ nhiệm Quyền Tổng giám đốc tại Coteccons (CTD), ông Liêm đã nhận nhiệm vụ mới tại Ricons.
Nguyên nhân khiến các nhà thầu xây dựng ‘méo mặt’ vì giá thép tăng cao. Việc này khiến nhà thầu thi công bị đánh giá là bất lợi do các chủ đầu tư đa số đều sử dụng loại hợp đồng đơn giá cố định không điều chỉnh ở thời điểm ký. Các nhà thầu phải tự giải quyết sự thâm hụt này dẫn đến bào mòn lợi nhuận vốn dĩ mỏng manh của doanh nghiệp.
Một số nhà đầu tư chọn cách giãn đoạn xây dựng để chờ giá thép “hạ nhiệt”, tuy nhiên điều này dẫn đến việc bàn giao các công trình dân dụng như nhà ở bị hoãn, phát sinh nhiều chi phí mà lại không nhận được tiền. Những điều này cũng khiến quy mô, số lượng các dự án đầu tư giảm xuống, ảnh hưởng đến công trình, doanh số của doanh nghiệp xây dựng.
Cổ phiếu cũng theo đà lao dốc
Phản ứng tức thì với đà tăng của giá thép, trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu nhiều ông lớn thầu xây dựng cắm đầu lao dốc không phanh…
|
CTD cắm đầu! |
Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) lại cho rằng, các cổ phiếu ngành xây dựng đang gặp nhiều thử thách, bắt nguồn từ một nguyên nhân chung đó là chiếc bánh thị phần không còn liên tục nở ra với tốc độ thần kỳ như giai đoạn bùng nổ 2013-2018.
Theo đó, đối với các tổng thầu, điều này có nghĩa là backlog sẽ không tăng một cách dễ dàng, cạnh tranh giá thầu sẽ ngày càng gay gắt gây sức ép lên biên lợi nhuận vốn đã mỏng của ngành xây dựng.
Trên thị trường chứng khoán, giá cổ phiếu CTD liên tiếp giảm mạnh. Kết thúc phiên giao dịch ngày 11/4, CTD được mua bán xung quanh mức giá 57.300 đồng/cp, tương ứng giảm 10% trong vòng 1 tuần trở lại đây và giảm 20% trong vòng một tháng trở lại. Tất nhiên bên cạnh giá thép, câu chuyện nội tại của CTD cũng khiến nhà đầu tư giảm kỳ vọng vào cổ phiếu.
Tương tự, cổ phiếu HBC sụt giảm hơn 7% trong vòng một tuần và giảm 22% trong vòng 1 tháng, thị giá kết phiên 10/5 ở mức 14/750 đồng/cp.
Một số cổ phiếu khác của các ông lớn khác trong ngành xây dựng cũng có mức độ sụt giảm lớn trong thời gian gần đây như cổ phiếu HTN của Hưng Thịnh Icons; cổ phiếu EVG của Tập đoàn Everland, FCN vủa Công ty Cổ phần Fecon, ACC của Bình Dương ACC, HVH của HVC Group…
|
HBC cũng lao đao! |
Tương lai nào cho ngành xây dựng?
VDSC nhận định: "Ngành xây dựng ngày càng khó khăn". Số lượng dự án mới suy giảm do triển vọng không mấy sáng sủa của ngành dịch vụ lưu trú, sự tắc nghẽn tạm thời của dòng vốn giải ngân từ các chủ đầu tư nước ngoài cùng với đó là hệ thống khu vực tư nhân bắt đầu bộc lộ những tổn thương lớn, thu nhập người dân giảm kích thích tâm lý thận trọng mua nhà để ở và đầu tư khi dịch bệnh Covid 19 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp trên toàn cầu.
Tiềm năng hồi phục và tăng trưởng doanh thu lợi nhuận của doanh nghiệp xây dựng còn phụ thuộc nhiều vào tiến độ giải ngân của các dự án đầu tư công. Trong quý 1/2021, giải ngân vốn đầu tư công cả nước đạt 60.700 tỷ đồng, bằng 13,17% kế hoạch Thủ tướng chính phủ giao, tương đương với mức thực hiện cùng kỳ năm 2020.
Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC) cũng phản hồi nguy cơ nhà thầu xây dựng cả nước có thể "vỡ trận", phá sản do tình hình giá thép tăng đột biến. VACC cũng đã có văn bản kiến nghị Văn phòng Chính phủ sớm chỉ đạo các bộ, ngành liên quan kiểm tra triệt để nguyên nhân khiến giá thép tăng đột biến.
Đồng thời, với các dự án đầu tư bằng vốn đầu tư công, vốn ngân sách, VACC đề nghị Văn phòng Chính phủ yêu cầu các Sở Xây dựng cập nhật đơn giá thị trường để có cơ sở áp dụng cho các nhà thầu, tránh những tổn thất không đáng có cho các doanh nghiệp khi giá thép liên tục tăng cao.
Nhìn chung, rất khó đánh giá xu hướng giá thép trong năm 2021 và đây sẽ là rủi ro đáng kể đối với các nhà thầu xây dựng. Trong khi đó, áp lực cạnh tranh ở mức cao sẽ khiến nhóm doanh nghiệp này tiếp tục bị “ăn mòn” lợi nhuận, thậm chí lỗ nặng do chi phí tăng cao.